Khi bán hàng, chép lời Phật dạy phải cẩn trọng


Từ khi phương thức bán hàng trực tuyến (online) ra đời đã giúp ích và hỗ trợ rất nhiều thời gian cho những ai muốn mua sắm mà không có điều kiện đến tận siêu thị hay cửa hàng chuyên dụng. Đây là cách bán hàng hiệu quả nhất trong thời đại công nghệ tiên tiến, do đó đã có rất nhiều trang mạng kinh doanh theo phương thức này thi nhau ra đời, đáp ứng như cầu mua sắm của nhiều tầng lớp người tiêu dùng.

Về phần mình, văn hóa phẩm hay những vật dụng thiết yếu khác của Phật giáo đã không nhanh nhạy nắm bắt đúng lúc và kịp thời  phương thức hữu hiệu này, nhường chỗ trống cho các nơi khác khai thác triệt để. Không phải là không có, có nhưng như muối bỏ biển, nhỏ giọt. Còn lại thì có vẻ chủ quan, cũng có một chút tâm lý ỷ lại, đó là các cửa hàng gọi là “văn hóa phẩm Phật giáo” nằm khép mình trong một góc sân chùa, phục vụ hạn hẹp những vị khách đi chùa của mình với vài ba món hàng cũng “ăn theo” căn bệnh chủ quan. Chuỗi hạt, áo tràng hình Phật, có nơi  bày bán luôn “Phật địa mẫu”, Ông Địa và các “bà mẹ sinh”! Đó là những món hàng đủ nói lên tư duy, giá trị và khả năng kinh doanh của một nơi nào đó chăng?
             
Khi Phật giáo đã bỏ ngõ, nhường hết thị phần cho người khác, kinh doanh luôn những mặt hàng mà lẽ ra là của mình và chỉ có mình mới xứng đáng làm công việc đó, thì những sai sót và méo mó, nhất là các sản phẩm văn hóa, thì không thể kiểm soát được, đành chịu thua! Ở đây cần nên nhắc lại rằng trong kinh doanh, việc chúng ta (Phật giáo) liên kết với cơ sở khác để làm nên sản phẩm, cung ứng cho thị trường những thành quả chất lượng là điều đương nhiên. Nhưng  những sai sót đã xảy ra trong thời gian vừa qua chứng tỏ Phật giáo chưa xem trọng các yếu tố kinh doanh này, tỏ ra lép vế trước đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.
           
Nhớ lại vào nửa cuối thập niên 80 thế kỷ trước, các nhà sách - trước các phòng phát hành các chùa rất nhiều - đã thấy có xuất hiện “Mười bốn điều răn của Phật” được in trên vải  lụa vàng  rất đẹp, phía dưới có chữ ký và con dấu của cố Hòa thượng Kim Cương Tử (ảnh 1). Ngày đó, tuy chúng tôi rất  không mấy vừa lòng với từ ”răn” in  trên tựa đề nhưng  vì là sản phẩm mang tính thuần túy Phật giáo tiên phong có mặt ngoài thị trường, đi đầu  trong công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, nên rất cảm ơn đơn vị nào đấy đã in và phát hành.
                 
Giờ đây, trên thị trường đã đầy rẫy những sản phẩm Phật giáo mà không cần sự tư vấn hay vào cuộc của Phật giáo; không hiễu đó là tín hiệu vui hay buồn, nhưng nếu có buồn thì trước hết chúng ta nên nén buồn mà vui vì chính các đơn vị ngoài xã hội biết kinh doanh, biết nắm bắt thị trường, thị hiếu công chúng giúp đưa hình ảnh Phật giáo đi vào cuộc đời một cách ngoạn mục. Vì vậy sẽ khó lòng mà trách cứ người ta nếu có sai sót về nội dung chuyển tải trên sản phẩm. Thí dụ bức tranh “Mười bốn điều răn dạy của đức Phật” (chất liệu gỗ MDF Malaysia-35x50x0,9cm do thegioitranh sản xuất) chúng tôi mua theo đơn hàng số 344689362 ngày 7/4/2016 của Lazada. Từ tựa đề cho tới câu chữ so với bản in lụa những năm 80 nói tên bị sửa rất nhiều, ngay cả tên tác giả, Hòa thượng Kim Cương Tử - người có công dịch thuật cũng bị bỏ mất.
                     
Khi các đơn vị kinh doanh nhận thấy như cầu đã được mở rộng từ sản phẩm “những điều răn“ đó liền tìm tòi và  nắm bắt được nội dung khác cũng thu hút không kém, đó là MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM. Tưởng cũng nên  nói thêm rằng đây là bản kinh được mang tên nguyên thủy Tâm Ảnh Lục (Luận Bảo Vương Tam Muội) trích ra từ trang 222-224 do Hòa thượng Thích Trích Quang diễn dịch rất hay (ảnh đen trắng).
             
 
Sau nhiều lần dò tìm  các trang  có in sản phẩm này, dù đã bị cắt ra hai phần, phần mười điều tâm niệm và phần diễn giải  phía sau. Tuy nhiên ở nơi bán  là Lazada lại có sản phẩm bị lỗi. Cụ thể ở vế hai của câu thứ ba lẽ ra phải là “Vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo” lại in nhầm vế hai của câu thứ tư (ảnh 3 bản cắt). Các đơn vị khác  thì lại có bản in đúng cũng cùng  một sản phẩm (ảnh 4 bản hoàn chỉnh), cùng một nơi sản xuất nhưng chúng tôi đăng ký mua mà không có phản hồi đành quyết định mua của Lazada với hy vọng mỏng manh hàng giao sẽ chính xác hơn sau khi có email góp ý truớc với nơi bán hàng trực tuyến này. Đây là đơn hàng số 3454548892 ngày 27/4/2016. Và khi chúng tôi nhận hàng là chính bản in sai đó. Quá thất vọng và vẫn tiếp tục email góp ý, nhưng không lần nào được bộ phận kinh doanh của Lazada có hồi âm.
 
Xem lại bản gốc “Mười Điều Tâm Niệm” đen trắng trên, chúng ta thấy từ chữ, từ những dấu chấm phẩy rất ý tứ mang hàm xúc  nhiều ý đẹp, khi  in bán hàng kinh doanh không rõ có sự tư vấn của các cán bộ văn hóa Phật giáo  (rất nhiều) hay không mà sửa đổi tùy tiện quá nhiều. Vì vậy đây có thể quy trách nhiệm cho ai  để hạn chế bớt những sai sót không kém phần nguy hiểm này, vì là lời Phật dạy việc diễn dịch và giảng giải phải chính xác và nghiêm túc.

Mong rằng các đơn vị kinh doanh  ngoài Phật giáo, nếu  vì sự nghiệp hoằng hóa, có lòng hỗ trợ Phật giáo bước xa vào lòng công chúng, thì cũng nên trân trọng  và hết lòng vì sự nghiệp chung, đó cũng là  bước thang củng cố  giá trị cũng như sự thành công của một  nhản hiệu  biết kinh doanh và biết trân trọng  khách hàng.

Dương Kinh Thành