Khi Người Kéo Màn Ngủ Quên
Trong một đoàn hát, nếu tưởng chỉ những diễn viên chính mới quan trọng, e rằng đó là sai lầm lớn. Thử tưởng tượng, cảnh cung đình, vua quan vừa diễn ra rất trang nghiêm, nghi lễ, áo mão cân đai rực rỡ huy hoàng; Hết màn đó rồi, yên trí phần ai nấy làm, vua quăng ngay cái mũ nặng chình chịch phải đeo từ lúc đăng triều, quan thượng thư cũng không chậm trễ cởi phăng bộ áo chầu rộng thùng thình, vướng víu tay chân, lính lệ thì đến vỗ vai vua, mày tao chi tớ thả giàn….
Những hoạt cảnh không có trong bài bản này xảy ra rất nhanh, không kịp nhận biết là anh chàng phụ trách kéo màn, vì ngồi ngủ quên, nên các diễn viên diễn xong rồi mà anh chưa tỉnh để….đóng màn!!! Khán giả sẽ được dịp cười bò. Nhưng cười đây chẳng phải là cười vui vẻ, thoải mái như khi xem những đoạn anh hề diễn xuất. Cười đây là cười ra nước mắt cho các diễn viên, vì sự thật vừa bị lột trần.
Tuy kịch cũng chỉ là giả, nhưng có hóa trang, có y phục phù hợp với bài bản được soạn sẵn cũng đem cho khán giả dăm phút mộng mơ, tạm quên những vất vả, khổ đau ngoài sân khấu kia. Nhưng anh chàng kéo màn, lãnh lương loại “chết đói”- vì chẳng cần tướng tốt, bằng cấp hay học thức gì – lại ngủ quên, và không làm nhiệm vụ duy nhất là kéo màn khi mỗi phần diễn xuất đã xong, khiến bao cảnh trí huy hoàng mới đây bỗng trở thành trơ trẽn, thảm thương khi không còn y trang, phấn son che dấu! Tại sao người kéo màn lại ngủ quên trong khi làm việc? Có phải chính tuồng tích diễn đi diễn lại trên sân khấu mà anh ta bất đắc dĩ phải ngồi xem, đã khiến anh phát chán, phát buồn ngủ?
Dù là diễn viên hay khán giả, nhưng nếu phải diễn mãi, xem mãi, những tuồng tích cũ, chắc cũng sẽ chán, sẽ buồn ngủ.
Nếu đúng thế, thì ngay những diễn viên và khán giả đang cười ra nước mắt kia, có từng là những anh chàng kéo màn ngủ quên hay không, khi cuộc đời là một sân khấu vĩ đại, trên đó tuồng tích đủ loại được tái diễn không ngừng?
Chúng ta vẫn đã, và đang, ở trong những hoạt cảnh đó mà thường lơ đãng, tưởng mình là người ngoại cuộc! nên chẳng cần một anh chàng kéo màn ngủ quên, mà màn sân-khấu-đời- thường, hầu như chẳng bao giờ đóng!
Xin ngẫm quanh ta mà xem, thế nhân thương nhau, rồi ghét nhau, tin tưởng rồi nghi ngờ, thành thật rồi lọc lừa, thủy chung rồi bội phản …v…v… Mọi trạng huống đó luôn xoay quanh đời sống giữa thất tình lục dục, dù đối tượng đứng ở vị trí nào cũng khởi từ ái dục mà ra!
Thử quán chiếu trên bình diện cạn, thu nhỏ về hai đối tượng thương nhau. Khi người này cảm thấy thương người kia, tất phải thấy người kia dễ thương mới khởi tâm thương, chứ ai đi thương người khó thương bao giờ! Ngay ở điểm khởi đầu đó, thế nhân thường quên một điều rất đơn giản, là mình thấy người kia dễ thương thì đồng thời, chắc cũng có rất nhiều người khác, khi tiếp xúc với đối tượng đó, cũng nhận thấy như thế. Rồi khi mình được đáp lại, do bởi cùng hợp nhau ở vài điểm nào đó. Nhưng, còn biết bao người xung quanh kia, ai bảo đảm chẳng có những điều tâm hợp, có thể sâu sa hơn, nhưng do chưa đủ duyên tiếp xúc nên chưa nhận ra đó thôi.
Chính cái tâm trạng âm thầm lo lắng này mà dù hai người đang thương nhau cũng thường hồi hộp, bất an. Chỉ cần một tiếng sét bất thần tạt ngang là bầu trời sẽ phủ mây đen vần vũ, và rồi mưa gió bão giông …
Thế nên, sự kết hợp nào, rồi vô hình chung cũng sẽ trở thành vị kỷ, ràng buộc nhau, kiềm tỏa nhau, chiếm đoạt tự do của nhau vì sợ mất nhau. Bấy nhiêu thôi, đủ khiến tình thương ban đầu trở thành tẻ nhạt, buồn chán và đau khổ thành hình, kéo theo bao nhiêu sân hận tùy mức độ cuồng si của mỗi đối tượng!
Chuyện thế gian này, ngày nào chẳng thấy, chẳng nghe, từ mọi nơi trên khắp trái đất. Nhưng con người là những sinh vật rất sợ cô đơn nên trên sân-khấu-đời-thường, mới tiếp tục diễn lại những bi thương mà chẳng cần tới anh chàng kéo màn, vì màn sân khấu đó có bao giờ đóng!
Độc đáo hơn, ở cái sân khấu dị thường đó, người ta thường hết làm khán giả, rồi lại làm diễn viên. Khi làm khán giả, mình tưởng mình khôn ngoan, và thương xót những diễn viên đang đóng vai đau khổ, bi thương, tuyệt vọng kia. Nhưng cuộc đời như dòng sông hỷ nộ ái ố, có bao giờ ngưng tuôn chảy, nên khi bị cuốn theo, trở thành diễn viên lúc nào mà chính mình không hay!
Làm sao tỉnh giác để có thể bước ra khỏi những kịch bản tự biên tự diễn đó?
Chúng ta đều biết thị giả của Đức Phật, thầy A Nan, là vị đại đức tướng hảo quang minh vượt trội. Một lần, khất thực ở một xóm nghèo, thầy chỉ dừng lại bên giếng, xin nước uống mà khiến cô thôn nữ Prakriti ngẩn ngơ, tới nỗi suýt âm mưu cùng mẹ để làm ô uế giới thể của thầy. May thay, Đức Phật dùng thiên nhãn, thấy mà cứu kịp. Đức Phật bèn hỏi Prakriti:
– Con thương gì nhất, nơi thầy A Nan? Đôi mắt? Cái mũi? Cái miệng? Bàn tay? Bàn chân? Dáng đi, hay giọng nói?
– Bạch Đức Thế Tôn, con thương tất cả những gì nơi thầy A Nan. Từ khi được cúng dường thầy gáo nước, con mất ăn, bỏ ngủ, lúc nào cũng chỉ thấy hình bóng sáng rỡ của thầy. Nếu không được chung sống cùng thầy, chắc chắn con sẽ chết!
Đức Phật bèn khai thị cho Prakriti rằng, những gì cô đang thương nơi thầy A Nan chỉ là hình tướng khi thầy trẻ trung, khỏe mạnh. Hình tướng đó sẽ theo thời gian mà hoàn toàn thay đổi khi già nua, bệnh hoạn. Tiến trình đó chắc chắn sẽ tới, với mọi người, mọi loài. Vậy khi ấy tình thương này còn không? Trong khi có một tình thương bao la hơn, an lạc hơn, bền bỉ và tự do hơn, đó là tình thương hướng về sự giải thoát giác ngộ.
Bằng tình thương này, chúng ta có thể thương mọi người, mọi loài, xả bỏ được tâm vị kỷ, tâm chiếm hữu nên xóa được ranh giới còn, mất, hợp, tan, mà thong dong tự tại, đem vui cho mình và cho người. Thầy A Nan luôn đẹp đẽ, tươi tắn mỉm cười là bởi thầy có tình thương rộng lớn đó!
Khi Prakriti ngộ ra điều này, cô quỳ sụp xuống, xin được xuất gia, và không bao lâu cô đã chứng tỏ là một tỳ-kheo-ni hạnh phúc nhất trong ni chúng.
Thế nhân không cần phải xuất gia mới hạnh phúc. Chỉ cần nhận ra được lẽ vô thường thì bao bám víu mệt nhọc, lo toan vào chúng sẽ tự rơi rụng để trở thành người Vô Sự, Tự Do, Tự Tại, dù ta vẫn đi con đường đang đi, làm những gì đang làm, chỉ khác là tâm ta không bị vướng mắc, ràng buộc vào chúng nữa. Nhận ra điều này, ta sẽ đóng một vai cuối, diễn một lần cuối, nơi hậu trường sân- khấu- đời-thường. Đó là vai người kéo màn.
Màn đóng lại vì không còn tuồng tích.
Vì diễn viên đang là hành giả, thong dong trên nẻo về Trung Đạo.