Khoan dung ở Hồ Chí Minh và Phật giáo - Những giao điểm
PGS. TS Đỗ Lan Hiền
Viện Tôn giáo và tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- Khoan dung là một nguyên tắc đạo đức của tôn giáo
Thuật ngữ tolerant (khoan dung) xuất phát từ phương Tây do ảnh hưởng từ những nguyên tắc đạo đức có trong giáo lý của Kitô giáo thời kỳ Cổ Trung đại (thế kỷ 1-15), “Yêu thương là luật tối thượng”, “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52)[1]. Khái niệm khoan dung, ban đầu, được người phương Tây sử dụng với ý nghĩa đạo đức tôn giáo, hướng con người đến một tình yêu tha nhân, lòng bác ái, không tranh đấu, giết tróc.
Cho đến thời kỳ Khai sáng (thế kỷ 16 trở đi), khái niệm tolerant (khoan dung) được sử dụng một cách rộng rãi hơn, không chỉ là khái niệm riêng biệt của tôn giáo, không bó hẹp trong lĩnh vực luân lý tôn giáo mà được mở rộng sang lĩnh vực của triết học[2], chính trị học, văn hoá học, bổ sung thêm nhiều nội hàm mới: khoan dung là trách nhiệm xã hội, là đề cao các quyền con người, là tôn trọng sự khác biệt, dị biệt, đa dạng văn hoá (kể cả sự đa dạng, khác biệt tôn giáo).
Khái niệm khoan dung được nêu trong Bản tuyên ngôn những nguyên lý về khoan dung của UNESCO[3](16/11/1995) với các nội dung sau: (1) Khoan dung là sự tôn trọng, chấp nhận và đánh giá cao sự đa dạng phong phú của các nền văn hóa trên thế giới và các hình thức thể hiện của nó. Khoan dung không chỉ là một nghĩa vụ đạo đức, nó còn là một yêu cầu chính trị và pháp lý; (2) Khoan dung không nhượng bộ. Khoan dung là một thái độ tích cực được thúc đẩy bởi sự công nhận các quyền con người phổ quát và các quyền tự do cơ bản của người khác; (3) Khoan dung là trách nhiệm duy trì quyền đa nguyên (bao gồm đa nguyên văn hóa), dân chủ và pháp quyền. Nó liên quan đến việc bác bỏ chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa tuyệt đối; (4) Thực hành khoan dung không có nghĩa là khoan dung với bất công xã hội. Con người có thể tự do tuân theo niềm tin của chính mình nhưng không áp đặt quan điểm của mình cho người khác. Con người dù đa dạng về ngoại hình, tình huống, lời nói, hành vi và giá trị đều có quyền được sống trong hòa bình.
Ở phương Đông, tư tưởng khoan dung xuất hiện sớm hơn rất nhiều so với phương Tây, nó hiện diện trong các học thuyết triết học và tôn giáo cổ đại với nghĩa tương đương thuật ngữ tolerance của phương Tây, thậm chí nội hàm còn rộng hơn. Học thuyết Âm - Dương của Trung Hoa thể hiện tinh thần mềm dẻo, tương đối, liên đới và cởi mở vì nó quan niệm không có Dương và Âm tuyệt đối, cái này đối với cái kia là Âm, với cái khác lại là Dương. Vũ trụ là tuần hoàn Xuân - Hạ - Thu - Đông trở đi, trở lại trong vòng tròn sáng tạo. Bĩ cực thì thái lai, thái đến cùng độ thì lại bĩ. Học thuyết Âm - Dương là một triết lý của dịch động, không tù tĩnh, vì là dịch - động nên không quá câu nệ vào những nguyên tắc cứng nhắc, không cổ súy cho sự cực đoan. Vũ trụ quan Âm - Dương cũng là một vũ trụ quan quân bình, có sinh có diệt, có nghịch có thuận và đấu tranh không ngừng cho sự sinh sôi, nảy nở và mới mẻ nhưng đấu tranh để đi tới sự thống nhất, hài hòa, không triệt tiêu cái đối lập. Đây chính là điểm cốt lõi của tinh thần khoan dung phương Đông. Nho giáo của Trung Hoa cũng chủ trương “Hoà nhi bất đồng”, tức là dung hoà những ý kiến khác nhau, chấp nhận sự khác biệt để giảm thiểu chia rẽ, xung đột đem lại Thuận - Hoà - Đồng - Thông. “Hoà đồng” cũng là thước đo giá trị và chuẩn mực của người quân tử: Quân tử Hoà nhi bất Đồng, tiểu nhân Đồng nhi bất Hoà. Đạo của người quân tử, dù không cùng tư tưởng, không cùng suy nghĩ với người khác nhưng vẫn có thể hoà với họ, giúp đỡ họ. Không hoà được với cái khác mình, chứng tỏ mình kém cỏi, tiểu nhân. Lão giáo quan niệm, Đạo là bản nguyên của tạo hoá, vạn vật đều từ Đạo mà ra. Sửa mình và trị nước đều phải noi theo Đạo, phải điềm tĩnh, vô vi, không làm gì mà không gì không làm được.
- Khoan dung là một triết thuyết, nguyên tắc hành xử của Phật giáo
Triết thuyết Tứ vô lượng tâm (Từ - Bi - Hỉ - Xả) của Phật giáo ẩn chứa ý nghĩa cao xa của sự lòng vị tha, khoan hòa, không tranh nhân chấp ngã. Với tinh thần Từ - Bi – Hỷ - Xả đó, trong suốt quá trình thuyết pháp và truyền giáo ở Việt Nam, Phật giáo đều không làm nguy hại các tôn giáo khác, không xem sự tồn tại của các tôn giáo khác như là một chướng ngại trên con đường phát triển tôn giáo mình và không xem mình là tôn giáo được lựa chọn duy nhất.
Phật giáo coi Tâm là gốc của Đạo, chủ trương lấy Tâm để thuyết phục và giáo hóa con người, nên khi Phật giáo vào Việt Nam đã không bắt người Việt phải từ bỏ phong tục, thói quen của mình để theo Phật, không bắt dân chúng phải thích ứng với đạo pháp của mình. Ngược lại, Phật giáo đã diễn tả đạo pháp theo trình độ dân chúng, dung hòa, trộn lẫn, thích ứng với phong tục tập quán của người Việt đến độ văn hóa Phật giáo đôi khi bị che lấp tạm thời, nhưng không tạo nên sự xung đột hay đứt gãy. Phật giáo cũng là một tôn giáo không chủ trương độc quyền, thủ đắc chiếm giữ chân lý, nên khi vào Việt Nam, Phật giáo đã giao hòa với các hệ tư tưởng, tín ngưỡngcủa người Việt, tạo nên một môi trường tôn giáo đa dạng, phong phú.
Với phép tu Thiền định, Phật giáo dạy cho con người cách Xả, bình tĩnh tìm ra lối thoát thông minh nhất khi ta gặp phải những bất trắc, khốn khó của cuộc đời để không trở nên cực đoan hóa hay tự ti, tồi tệ trong suy nghĩ và hành động. Xả cũng là cách buông bỏ khi ta đã cố gắng hết sức mà không đạt được thì cũng không chán nản. Người học được phép Xả (ở tầm mức tâm lý) sẽ không bị chi phối bởi yêu ghét, buồn vui, được mất, sang hèn. Ở tầm mức của Tuệ, người học được phép Xả sẽ không rơi vào thiên kiến, biên kiến (không chấp thủ, sở đắc, bảo lưu một ý kiến hay một tri thức nào). Người học được phép Xả sẽ là người có lối sống an nhiên tự tại, thích ứng và dễ hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, Phật giáo không chỉ phù hợp tâm thức người phương Đông mà cả người phương Tây cũng ưa chuộng (không phải vì Phật giáo có một hệ thống khái niệm, phạm trù có tính chất tư biện trừu tượng vốn là bản chất của tư duy phương Tây, cũng không phải vì thế ứng xử vô ngã vị tha, không tranh nhân chấp ngã của Phật giáo vốn trái ngược với tinh thần đề cao duy ngã (cái tôi) của người phương Tây, mà bằng chính cách thức dạy cho con người cách hóa giải, không thiên lệch, không cố chấp).
Lâu nay, Phật giáo bị gán là thứ đạo “vô dục” trái với bản tính con người. Không hẳn là vậy, Phật giáo là một triết thuyết đã đi sâu nghiên cứu những cái thuộc về bản năng, dục tính, ngã, siêu ngã, tiềm thức của con người. Phật giáo nghiên cứu dục tính không phải để bắt con người từ bỏ hoàn toàn cái dục mà là tìm cách kiểm soát cái dục, giữ cái dục quân bình vừa đủ (thiểu dục) để đời sống được điều hoà, cân bằng. Kiểm soát tham, sân, si vốn là bản năng gốc của con người để cuộc sống ung dung, tự tại, an hòa.
Phật giáo quan niệm định mệnh chỉ là “hình bóng” của Nghiệp do Thân, Khẩu, Ý mà ra. Định mệnh có hay không là do con người, và không bất di bất dịch. Nếu ta thụ động, tin theo số phận, ngồi đó cầu xin sự may rủi thì định mệnh là có thật, còn nếu ta cố gắng, tận dụng mọi năng lực của mình để chuyển nghiệp thì sẽ không có số phận (Nhân định thắng Thiên). Nhân sinh quan đó của Phật giáo không hướng con người đến việc chấp nhận “số phận” như nhiều tôn giáo khác. Nhân sinh quan đó khích lệ người Việt một niềm tin, niềm hy vọng tích cực khi họ gặp những trắc trở trong cuộc đời. Phần lớn các tôn giáo đều cho rằng con người và mọi hiện hữu trên thế gian này là tạo vật của thượng đế, của đấng toàn năng có quyền lực vô hạn có thể trừng phạt hay ban thưởng cho họ, Phật giáo lại chủ trương coi con người là chủ nhân của vũ trụ, con người nếu diệt trừ được vô minh, vọng tâm, vọng niệm sẽ làm chủ được tâm thế cuộc đời mình, làm chủ được vũ trụ, con người sẽ bớt khổ đau. Như vậy, Phật giáo đã “giải phóng” cho con người thoát khỏi “quyền lực vô hình tối thượng” để con người cảm thấy được tự do, được khai phóng tâm hồn, trí tuệ.
Phật giáo nhìn thực tại trong thể dịch biến, không bị hạn hẹp theo lối nhị phân: tốt - xấu, thiện - ác, phải - trái, đúng - sai, trắng - đen, phúc - họa…. Các mặt đối lập đó vẫn có thể hoán đổi cho nhau do quan điểm và cách nhìn. Lối tư duy bất nhị, bất nhất này của Phật giáo tạo nên một cách nhìn uyển chuyển, khoan dung, không cứng nhắc, giáo điều.
Minh triết Phật giáo không tuyệt đối hóa lý tính, vừa đề cao sự nhận biết của tuệ giác (mà thường nghiệm không với tới được), vừa đề cao chứng nghiệm thực tại rồi phản ánh nó chân thật (từ thực tiễn đi đến chân lý). Như vậy, trực giác và lý tính, Phật giáo đều đề cập đến cả. Con đường “Trung Đạo” đó khiến cho những ai theo nó đều có được tư duy biện chứng, linh hoạt, không siêu hình cứng nhắc.
Cuộc sống ẩn mình vào quá khứ, mọi chiều sâu tư tưởng không hiện ra bên ngoài mà nén lại ở chiều sâu để ung dung, tự tại, thanh tịnh, vô vi, bình dị, không gợn chút ưu phiền, bực bội trước bất kỳ hoàn cảnh sống nào của các bậc danh sư đã tạo nên một điểm tựa tinh thần tin cậy khiến người dân khi gần gũi các tu sĩ cảm thấy vững tâm hơn. Niềm tin đó có thể xem như một dạng tự kỷ ám thị để con người có thể tự điều chỉnh tinh thần và thể xác của mình vượt lên trên hoàn cảnh và làm được những điều mà nhiều khi trong thế giới hữu hình chúng ta không thể làm được.
Tóm lại, dù tất cả các tôn giáo (Nho giáo, Đạo giáo, Công giáo, Islam giáo...) đều đề cao tinh thần khoan dung, bác ái nhưng nhìn lại các cuộc “Bách gia tranh minh” (thời Trung quốc thời cổ đại), chiến tranh sắc tộc, tôn giáo (ở Trung Đông và châu Âu) trong quá khứ và hiện tại, chúng ta đều thấy xuất hiện ở những khu vực “ngoài Phật giáo”.
- Khoan dung ở Hồ Chí Minh - điểm gặp gỡ với Phật giáo
Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã góp phần hình thành một thế ứng xử khoan dung, hòa hợp cho người Việt trong các mối quan hệ.
Các phạm trù “thân dân”, “dân là gốc”, “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” xuất hiện nhiều trong tư duy chính trị và hành xử chính trị của các triều đại. Thời kỳ Lý – Trần thượng tôn Phật pháp nên đường lối trị nước thiên về đức trị, nhân trị, khoan thư sức dân, không đầy ải và giết hại công thần như các triều đại Lê – Nguyễn sùng Nho (sau này). Dưới thời Lê – Nguyễn, Phật giáo đã buộc phải nhường chỗ cho Nho giáo, Bộ Luật Hồng Đức hay còn gọi là Lê triều hình luật (Quốc triều hình luật)[4] đã không còn nhiều dấu ấn của Phật giáo mà là pháp điển hóa tư tưởng chính trị và luân lý Nho giáo. Song, trải qua cuộc nội chiến Lê – Mạc (1527-1677) và cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn (1627-1672), giới tinh hoa chính trị và các vương tôn, quan quyền, nho sĩ (thời Lê) quay lại với đạo Phật[5], thấy những lời Phật dạy là đúng.
Ở Hồ Chí Minh, tinh thần khoan dung với chất liệu Phật giáo vô ngã vị tha, từ bi hỷ xả được thể hiện một cách tinh túy. Bản thân danh xưng mà người chọn “Hồ Chí Minh” đã mang ý nghĩa là người “giác ngộ”, thoát khỏi “vô minh”.
Trong các tác phẩm mà Người để lại, những bài viết về Công giáo, Người còn nhiều băn khoăn lo lắng về mối quan hệ với dân tộc và sự đoàn kết thống nhất. Với Phật giáo, Người hoàn toàn yên tâm, “Đức Phật là đại bi, đại từ, là cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn Người (Đức Phật) phải hy sinh tranh đấu”[6]. Tôn chỉ của Đức Phật hướng về lòng từ bi, nhân ái với tha nhân kể cả người đó mắc sai lầm, thậm chí là kẻ ác. Tinh thần khoan dung đó của Đức Phật gặp gỡ với tư tưởng của Hồ Chí Minh “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Dân tộc và Tổ quốc là trên hết, nhưng phải gạt ra ngoài những thành kiến, rộng lòng với tất cả những ai có thể đoàn kết được, không phân biệt thành phần xã hội, giai cấp, đảng phái, xu hướng chính trị, dân tộc, tôn giáo, kể cả những người bóc lột, những người trước đây từng là kẻ thù của nhân dân hay quákhứ của họ đã hợp tác với phe phái nào, nhưng nay đã thực sự ăn năn, hối cải và tán thành sự nghiệp cách mạng của ta thì chúng ta đều dung nạp và sử dụng họ”[7].
Tinh thần khoan dung của Phật giáo bắt gặp ở Hồ Chí Minh trong quan điểm về chiến tranh, dù chính nghĩa hay phi nghĩa đều “Không có trận đánh nào là “đẹp” cả cho dầu thắng lợi lớn”. Trong lời kêu gọi chính phủ Pháp và nhân dân Pháp (ngày 10/01/1947), Hồ Chí Minh viết: “Tôi không hề căm thù người Pháp. Tôi không hề ghép bỏ nhân dân Pháp, chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”[8]. Trong một lần, Người đi thăm một trại tù binh, thấy một tù binh Pháp đang rét run vì lạnh, Hồ Chí Minh đã cởi chiếc áo khoác của Người trao cho người tù binh, rồi Người hỏi cán bộ quản giáo “sao chú lột giày của tù bình rồi treo lên cổ họ? Đối với người phương Tây, không có giầy dép họ đi lại rất khó khăn, khổ sở. Nếu chú sợ tù binh chạy trốn thì chí ít chú cũng phải cho họ đi tất chứ”[9].
Giáo thuyết của Đức Phật là hướng về trí tuệ và mưu cầu hạnh phúc cho giáo chúng khổ đau, nên dù lý thuyết đó được cấu thành trong một bối cảnh lịch sử khác với thời đại của Hồ Chí Minh, nhưng giao diện chính trị của Phật lại tương đồng với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đó là hướng đến người lao khổ, mong ước có một xã hội đại đồng, không còn áp bức, con người được ấm no, hạnh phúc. Mục tiêu và lý tưởng của Phật và chủ nghĩa xã hội mác xít là như nhau, đều cùng mưu cầu hạnh phúc và khát khao một cuộc sống an bình, có khác chăng là ở cách thức biểu đạt và con đường để đạt đến mục tiêu đó mà thôi. Hồ Chí Minh viết “Khổng Tử, Phật Thích Ca, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết”[10].
Thời kỳ đầu khi mới thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, quan điểm tả khuynh về tôn giáo của Quốc tế Cộng sản, của nước Nga Xô viết đã ảnh hưởng rất mạnh trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo. Một bộ phận cán bộ đảng viên nhìn nhận tôn giáo thuần tuý từ góc độ chính trị, hiểu một cách đơn giản tôn giáo là đồng nhất với sai lầm, lạc hậu, bảo thủ và phản cách mạng. Đồng bào theo tôn giáo do chịu ảnh hưởng của thế giới quan duy tâm nên dễ bị mê muội, mua chuộc. Không gian tôn giáo là những “pháo đài” chống Cộng sản. Song, Hồ Chí Minh, khi đó, vẫn tin dùng những trí thức là người có đạo như Nguyễn Mạnh Hà, Ngô Tử Hạ, Vũ Đình Tụng. Mời các chức sắc Công giáo như giám mục Lê Hữu Từ, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn làm cố vấn tối cao cho Chính phủ (1945), Linh mục Phạm Bá Trực làm Phó ban Thường trực Quốc hội (năm 1946), ông Cao Triều Phát (chủ tịch Hội Cao Đài cứu quốc 12 phái hiệp nhất) làm Cố vấn Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ.
Trong các thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ, Hồ Chí Minh thường dùng những lời lẽ chân tình, thân mật như “cụ là người bạn thân của tôi…Nhờ cụ cầu Đức chúa ban phúc cho Tổ quốc…”[11], “Giặc Pháp nhảy dù Phát Diệm lại tuyên bố dối rằng Đức cha Từ mời chúng đến….tôi không bao giờ nghi rằng đồng bào Công giáo chống lại Việt Minh…Giặc Pháp sẽ thất bại, vì đã mấy năm nay, đồng bào Công giáo đều hăng hái tham gia kháng chiến cứu nước…”[12].
Trong các thư gửi đồng bào Công giáo, Hồ Chí Minh đặt mình trong tâm thức tôn giáo của người dân, Người hay dùng những câu như “cầu Chúa phù hộ cho dân tộc Việt Nam”, “Thượng đế và Tổ quốc muôn năm”, đây thực sự là một biểu tượng về phong cách ứng xử độc đáo, tinh tế của một người vô thần mác xít đối với người hữu thần, một thái độ trân trọng tôn giáo. Và Người dùng những lời lễ khiêm nhường “sự xích mích nhỏ giữa đồng bào có đạo và không có đạo là vì đạo đức giáo hóa chưa được phổ cập, không ảnh hưởng đến sự đại đoàn kết của dân tộc”[13].
Cách ứng xử với tôn giáo ở Hồ Chí Minh đậm chất nhân văn. Khoan dung, với Người, là phải đồng cảm được với cả những điều mà người cộng sản coi là mơ hồ, “Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Giatô tin ở Đức Chúa Trời; cũng như chúng ta tin ở Đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”[14]. “Hiến pháp đã quy định, tín ngưỡng tự do, ai khiêu khích tôn giáo là làm sai Hiến pháp sẽ bị xử phạt”[15], “Người Cộng sản cũng không chủ trương phế bỏ tôn giáo và các yếu tố thờ cúng của nó. Người Cộng sản làm cách mạng là để “chiến đấu, tranh quyền thống nhất và độc lập cho nước nhà, để cho văn hóa, cũng như chính trị và kinh tế, tín ngưỡng, đạo đức đều được phát triển tự do”[16]. Hồ Chí Minh đã dùng những lời lẽ nghiêm khắc, nặng nề để phê phán thái độ, hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân “cán bộ ta kém, có nơi đã có những hành động lố lăng, phạm đến tín ngưỡng và quyền lợi của đồng bào tôn giáo”[17], “Mấy anh em thanh niên tuyên truyền giảm bớt giỗ tết. Nhưng đến khi ra chợ, gặp ai mua đồ mã thì giựt lấy đốt hết. Như thế là ngốc”[18].
Với Hồ Chí Minh, tôn giáo cũng là một sáng tạo, một phát minh của con người và trên hết, nó là văn hóa, “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật...”[19]. Tôn giáo là văn hóa nên phải ứng xử với tôn giáo bằng văn hóa, cho dù “Tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật, nhưng người theo đạo vẫn vào Đảng được”[20].
- Kết luận
Thời đại của Đức Phật và Hồ Chí Minh cách nhau ngót nghét gần ba thiên niên kỷ, những tiêu chí về đức khoan dung như giác ngộ, diệt trừ vô minh (giặc dốt), từ bi (đại độ, khoan hồng), thiểu dục (cần kiệm), không tham sân si (Liêm chính, chí công vô tư), quán được nội tâm, ngoại tướng (kiên trì, tập trung), hài hòa tâm - vật (yêu thiên nhiên), chánh nghiệp, chính niệm (tận lực), chính tinh tiến (cầu thị, cầu tiến)... đã được đức Phật thực hiện và được làm mới ở Hồ Chí Minh như một sự tiếp nối các giá trị truyền thống. Điều quan trọng hơn của tư tưởng khoan dung là việc thực hành khoan dung đã được Hồ Chí Minh thể hiện trong các chương trình, hành động của Chính phủ để tập hợp thống nhất tất cả các nguồn lực xã hội cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phân biệt già trẻ, trai gái, chủng tộc, mầu da, dân tộc, tôn giáo. Sức mạnh của dân tộc là ở sự đa dạng. Chính vì tập hợp được các dị biệt khiến chúng ta đã có thể làm nên những điều vĩ đại, kỳ tích.
[1] Tòa Tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh (1998), Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nxb thành phố Hồ Chí Minh: 1895.
[2] Francois-Marie Arouet (bút danh Voltaire), một triết gia người Pháp thời kỳ Khai sáng (thế kỷ XVIII) có tác phẩm Luận về khoan dung, Voltaire xem khoan dung như Luật đầu tiên của tự nhiên, với châm ngôn nổi tiếng: Nước mắt là ngôn ngữ câm lặng của đau buồn; Chúng ta đầy khiếm khuyết và sai lầm; hãy để chúng ta cùng tha thứ cho sự nực cười của nhau - đó là luật đầu tiên của tự nhiên; Hãy yêu sự thật, nhưng hãy tha thứ cho mọi lầm lỗi. [Voltaire'sPhilosophicalDictionary, http://www.gutenberg.org]
[3] Declaration of UNESCO's principles of Tolerance (16/11/1995).
[4] Được khởi thảo từ thời Lê Thái Tổ (1385-1433), sau đó được bổ sung dưới các triều Lê Thái Tông (1423-1442) và Lê Nhân Tông (1441-1459), tới thời Lê Thánh Tông (1460-1497) thì bộ luật được hoàn chỉnh.
[5] Đại tư đồ Lê Sát (thời Lê) là người rất sùng đạo Phật. Ông đã cho xây chùa Báo Thiên, Thanh Đàm, Chiêu Độ với quy mô lớn, tổ chức lễ rước Phật Tứ pháp (Pháp Vân) về kinh để cầu mưa. Lễ Vu Lan báo hiếu tổ chức ở ngay chốn cung đình.
Đời Lê Nhân Tông (1443-1459) vẫn có những lễ nghi Phật giáo tại triều đình.
Những danh Nho uyên bác thời hậu Lê như Ngô Thời Nhậm (1746-1803) vẫn tự đặt mình trong dòng chảy của phái Thiền Trúc Lâm, nối nghiệp tam vị sư tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang (thời nhà Trần).
Các chúa Trịnh - Nguyễn cũng đã tìm lại cứu cánh và nương tựa nơi Phật giáo. Nguyễn Hoàng là người xuống chỉ cho xây chùa Thiên Mụ (Huế), cho đúc tượng, in ấn kinh sách, để người dân và hoàng tộc quan lại tự do lên chùa hay tu tại gia không hạn chế.
[6] Hồ Chí Minh (1995), Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội: 197
[7] Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội: 280.
[8] Hồ Chí Minh (2010), Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Sđd: 24
[9] Hồ Chí Minh (2010), Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Sđd: 220.
[10] Viện Nghiên cứu tôn giáo (1996), Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội: 9
[11] Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Sđd: 37.
[12] Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Sđd: 53, t.6: 236.
[13] Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Sđd: 53.
[14] Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Sđd: 169.
[15] Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Sđd: 53.
[16] Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Sđd: 157.
[17] Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, t.7, Sđd: 394.
[18] Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Sđd: 127.
[19] Hồ Chí Minh (1995), Hồ Chí Minh toàn tập, t.3, Sđd: 431
[20] Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, t.8, Sđd: 200.