Không biết dừng lại đúng lúc dù có bỏ nhiều công sức kết quả cũng không thành
Ngày xưa, khi Phạm Thọ Vương làm vua nước Ba La Nại, Bồ tát chuyển sanh làm thần cây cư trú trên cây cổ thụ ven bờ sông của một làng đánh bắt cá.
Một hôm, một người làm nghề câu cá xách cần câu và dẫn đứa con trai nhỏ của mình ra bờ sông câu cá. Khi lưỡi câu chìm xuống nước, mắc vào một gốc cây dưới lòng sông, anh ta kéo mãi không lên, tưởng rằng đã câu được một con cá lớn, nghĩ: “Nếu dân làng biết ta đã câu được con cá lớn thì sẽ đến tiếp sức, như vậy thì phải chia cá cho họ”.
Anh ta bảo đứa con:
– Con hãy về bảo mẹ con kiếm chuyện cãi nhau với người trong làng để họ không có thì giờ đến dây!
Đứa con nghe lời, chạy về nói với mẹ những lời cha dặn. Chị vợ bèn tự vò tóc tai của mình rối bời, ẵm trong tay một con chó sủa rân trời, đến đập cửa nhà hàng xóm. Mọi người thấy vậy hỏi:
– Chị có sao không? Chị bị điên rồi đấy à?
Chị vợ sừng sộ cãi lại:
– Tôi không điên, tại sao chị bảo tôi điên? Chị vô duyên vô cớ mắng tôi như thế à? Tôi phải lôi chị lên quan trên phân xét.
Họ lôi nhau lên quan, quan trên xử chị ta có tội, sai lính đánh mấy chục roi, còn bắt phải trả tiền án phí. Anh chồng ở lại bên bờ sông, cố gắng kéo dây câu lên nhưng không được, tưởng rằng con cá này thật to, vội cởi áo nhảy xuống nước lặn vớt cá lên. Trong lúc vội vàng hấp tấp, anh ta đâm bổ vào gai nhọn của gốc cây dưới đáy sông, bị mù cả hai mắt.
Anh ta đau đớn trồi lên bờ, hai tay quờ quạng tìm quần áo, nhưng quần áo đã bị kẻ cắp lấy mất.
Thần cây nhìn thấy cảnh tượng ấy, đọc bài kệ:
Mắt mù, áo quần mất,
Vợ bị đánh bị phạt
Dưới nước và trên bờ
Cả hai đều tổn thất.
Trích “Bổn Sanh kinh”
LỜI BÀN:
Câu chuyện khuyên chúng ta làm việc gì cũng không nên chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, gây tổn hại cho người khác, Con người mê mờ tâm trí, không biết dừng lại đúng lúc, đúng giới hạn, dù bỏ nhiều công sức thì kết quả cũng không thành.