Kiểm soát sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý


Vì vậy, Đức Phật đã giảng giải bài pháp cũng như lời khuyên dạy hết thảy chúng sanh: "Thế gian đang bị bốc cháy, bởi các ngọn lửa "tham, sân, si" xuất phát từ sáu căn( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)".


 
Ngài Ấn Quang pháp sư có dạy:

“ Cơm rau đỡ dạ đói
Nhà cửa che gió sương
Người đời nếu biết đủ
Phiền não chẳng còn vương”

Những người thế gian thường thấy sắc thì say đắm sắc, thấy danh lợi giàu sang thì tìm cầu danh lợi giàu sang, nghe đàn ngọt hát hay thì mê mẩn tâm hồn. Nói chung là ta luôn luôn rong ruổi theo ngoại cảnh để cho sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý duyên theo sáu trần sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Do đó người tham dục nhiều thì phải khổ cả ba giai đoạn: "khi ta chưa có có thì lại tham muốn; khi mong muốn đã được thì phải nghĩ cách giữ gìn; nếu không giữ gìn bị mất đi sẽ đau khổ vô cùng".Từ sự tham đắm đó mà sinh ra ích kỉ, chấp chặt cho rằng ta nên phải nắm giữ. Vì vậy muốn hết khổ ta phải xa lìa cái Tâm tham muốn thì chẳng có gì làm cho ta phải đau khổ, chẳng còn cơ duyên để tạo tác Tội Lỗi.

Trong cuộc sống hàng ngày, ta thấy có những người chỉ vì một phút ngọn lửa sân giận trỗi dậy mà không tự kiềm chế có thể gây ra những tội ác tày trời làm cho cốt nhục chia lìa, gia đình tan nát ,đôi khi gây ra chiến tranh tiêu diệt cả một dân tộc, một quốc gia. Sách có câu: “ Nhất sân chi hỏa năng, thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn”. Với tinh thần và trách nhiệm của người con Phật, chúng ta phải thực hành hạnh nhẫn nhục đề có được đời sống lục hòa công trụ như người xưa đã dạy:

“ Người kia nóng giận nói ồn ào
Chẳng lẽ ta đây cũng thế sao
Họ đã cộc cằn ta thêm nữa
Thành ra ta- họ giống như nhau
Bởi thế nên ta cứ mỉm cười
Dù ai nói bậy vẫn thảnh thơi
Mặc dù ai cố tâm gây sự
Ta vẫn an vui nở nụ cười”

Với lý tưởng và hạnh nguyện của người xuất gia, thực hiện tâm "từ - bi - hỷ - xả" thì không lý gì chúng ta không nhẫn nhục trước các nghịch cảnh để đạt được quả vị giải thoát. Tóm lại lửa sân hận chỉ có thể dập tắt bằng nước nhẫn nhục, nếu mọi người đều tu hạnh nhẫn nhục thì thế giới mới có thể hòa bình, xã hội mới yên ổn, gia đình mới thật sự hạnh phúc.

Trong 3 ngọn lửa trên, si mê chính là ngọn lửa nguy hiểm nhất và nó chính là nơi đưa tham lam, sân hận bùng lên mạnh mẽ. Si như một tấm màn dày đặc, đen tối trùm lên trí tuệ của ta, làm ta không thể nhìn thấy được sự thật, phán đoán được cái hay, dỡ, tốt, xấu. Sự vật trắng mà mình thấy đen, xấu mà cho là tốt, đó là si mê. Si mê là sống theo ảo tưởng, trí tuệ là thấy đúng như thật. Người nào sống theo ảo tưởng sai lầm thì đó là người si mê. Vì vậy, chúng ta phải luôn tỉnh thức để tự cứu mình, nếu si mê thì đi trong trầm luân muôn kiếp, còn tỉnh giác thì lần lần thoát khỏi phiền não, vượt ra khỏi vòng sanh tử trầm luân.

Chúng ta đang hiện hữu trên cuộc đời này cũng giống như những người con của trưởng giả được thí dụ trong Kinh Pháp Hoa. Bị lửa tham sân si sẵn sàng trực chờ thiêu đốt nhưng lại không hay không biết, cứ mãi vui chơi đắm chìm để sáu căn "mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý" duyên theo sáu trần "sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp". Nhưng may mắn ta lại được gặp Phật pháp,được tu học, nguyện nương nhờ vào đó mà ra khỏi nhà lửa Tam giới.

Qua bài pháp của Đức Phật chúng con thấy được, quả thật: “ thế gian đang bị bốc cháy bởi các ngọn lửa tham, sân, si xuất phát từ sáu căn” . Là người con nương theo dấu chân giải thoát của Như Lai, Chúng con nguyện dứt trừ những tham đắm, sân giận, vô minh. Vì chỉ có như thế thì trí tuệ mới phát sinh, sống trong chân tâm thanh tịnh, bình đẳng trí giác và thực biện trọn vẹn tinh thần: “ thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.


Thích Đạo Như/Tịnh Hạnh