Làm gì để có cuộc sống gia đình hạnh phúc


Ai trong chúng ta cũng đã từng được sinh ra và lớn lên dưới một mái gia đình. Tùy vào nghiệp báo sai biệt mà mỗi người có một hoàn cảnh gia đình khác nhau.

Làm gì để có cuộc sống gia đình hạnh phúc
 
Người thì sống giàu sang sung sướng, gia đình hạnh phúc sum vầy, kẻ thì gia đình nghèo khó cha mẹ anh em ly tán. Nhưng cho cùng, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, dù trong hoàn cảnh nào, cái họa, cái phúc, niềm vui, nỗi buồn, con người vẫn cảm thấy nó như là một giá trị tạm bợ, vẫn hoài ưu tư và dồn hết tâm tư để xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Người thì sống giàu sang sung sướng, gia đình hạnh phúc sum vầy, kẻ thì gia đình nghèo khó cha mẹ anh em ly tán. Nhưng cho cùng, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, dù trong hoàn cảnh nào, cái họa, cái phúc, niềm vui, nỗi buồn, con người vẫn cảm thấy nó như là một giá trị tạm bợ, vẫn hoài ưu tư và dồn hết tâm tư để xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Vậy làm sao để có được một cuộc sống gia đình hạnh phúc thực sự?

Gia đình là tập thể xã hội cơ bản nhất trong quan hệ giữa người và người. Quan niệm về hai chữ “hạnh phúc” của con người thay đổi tùy theo thời đại và hoàn cảnh sống. Trong xã hội ngày nay, đặc biệt là văn hóa truyền thống Á Đông nói chung và tại Việt Nam nói riêng, quan niệm về một gia đình hạnh phúc thường phải đi kèm những yếu tố sau:

Thứ nhất, đời sống vật chất tiện nghi đầy đủ. Thứ hai, sự nghiệp thành đạt, có địa vị trong xã hội.Thứ ba, mọi người trong gia đình thương yêu, hòa thuận, hiếu kính lẫn nhau. Và điều quan trọng nhất là nhiều con nhiều cháu để nối dõi tông đường, họ tộc.

Vì ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Nho giáo, những tiêu chí này đã trở thành những giá trị để đánh giá hạnh phúc gia đình của đại đa số người dân Á Đông. Đối với đạo Phật, ngay thuở sinh tiền, đức Thế Tôn cũng đã nhiều lần giảng dạy thật cụ thể, thực tế liên quan đến vấn đề “hạnh phúc” của cá nhân con người, “hạnh phúc” trong các mối tương quan xã hội, đặc biệt là hạnh phúc của gia đình.

Ngoài ra, đức Thế Tôn cũng thường quan tâm khuyến khích các môn đồ tại gia chú trọng đến việc rèn luyện nâng cao đạo đức gia đình. Ngài luôn đề cao và chỉ dạy phương cách để cảm thông và giữ tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình hơn là chú trọng đến các vấn đề khác như tiền bạc, vật chất, danh vọng, địa vị…. Bởi chính Ngài hiểu rõ hơn ai hết về tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ đạo đức gia đình. Gia đình có tốt đẹp, xã hội mới bình an, đất nước sẽ phú cường, thịnh vượng.

Có những cha mẹ hết mực thương con, chiều chuộng cho con mọi thứ nhưng không hề tạo dựng cho con cái ý thức tự lập, tự biết cách chăm sóc bản thân, tự biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Ngược lại cha mẹ làm thay cho con hết tất cả, từ việc lớn đến việc nhỏ, ngay cả việc đi học thay cho con, khiến cho con cái ỷ lại không biết tự nỗ lực vươn lên. Thương con như thế là đúng hay sai?

Lại nữa, có những cha mẹ chỉ biết áp đặt những “chỉ thị, mệnh lệnh” cho con mà không hề biết chia sẻ và thông cảm, hướng dẫn phương pháp để cho con định hướng được tương lai của mình. Cha mẹ hoàn toàn áp đặt cho con dựa trên truyền thống lạc hậu phong kiến gia trưởng của mình, mà không hề biết lắng nghe nguyện vọng, tâm tư tình cảm của con.

Hơn nữa, một số bậc cha mẹ vì bận rộn suốt ngày với công việc, hoặc đối tác làm ăn, v.v… mà không hề quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của con. Họ chỉ nghĩ là làm sao kiếm thật nhiều tiền, tạo dựng nhà cửa to đẹp, chạy theo danh lợi mà quên mất trách nhiệm với gia đình. Hoặc có những cha mẹ quá đam mê các công tác quần chúng, đoàn thể, hăng say đóng góp trong các công tác từ thiện xã hội, v.v… nhưng lại quên đi trách nhiệm quan trọng của mình trong gia đình, trong xã hội nhỏ của mình.

Trong khi đó, con cái của họ ít nhận được sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc, hướng dẫn đúng mực từ phía cha mẹ, dần dần, nảy sinh tâm lí hướng nội, trầm mặc hoặc tâm lí hướng ngoại, buông thả tìm niềm vui bên ngoài khiến nhiều gia đình rơi vào những hoàn cảnh vô cùng thương tâm.

Ngày nay, cha mẹ phần đông là những người có học thức, chúng ta nên suy nghĩ cho thật chín chắn, đừng vì biên kiến cá nhân mà gây hậu quả không tốt cho con cái, đồng thời bản thân lại mang thêm nghiệp tội. Ngoài ra cha mẹ cũng nên tôn trọng ý kiến quyết định của con cái, nếu quyết định đó chưa đúng thì nên dùng lý lẽ nhẹ nhàng mà khuyên bảo.

Trong xã hội ngày càng phát triển và đồng thời cũng nảy sinh nhiều vấn đề xã hội đòi hỏi tự thân mỗi cá nhân phải có ý thức tự trách nhiệm bản thân càng cao, các bậc cha mẹ nên dành thêm thời gian để quan tâm đến cách giáo dục và quan tâm con cái của mình.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, tình trạng suy đồi đạo đức của con cái đối với cha mẹ lại là một vấn nạn hết sức nghiêm trọng. Ngoài những người con có hiếu, thâm hiểu Phật pháp, biết khuyên bảo và hướng thiện cho cha mẹ Quy Y Tam bảo, niệm Phật làm lành thì hầu hết những người còn lại chỉ biết đến tiền bạc, gia đình riêng (nếu đã kết hôn), danh vọng địa vị mà quên đi bổn phận của mình đối với cha mẹ hoặc có chăng họ chỉ biết cung phụng cho mẹ tiền bạc, tiện nghi cuộc sống mà không hề biết cha mẹ đang nghĩ gì, đang cần gì, họ mãi chạy theo tiếng gọi của lợi danh mà không còn nhớ đến câu “thâm ân dưỡng dục”. Thậm chí có những người con hư đốn đã không phụng dưỡng lại còn đục khoét, đánh đập, thậm chí giết chết cha mẹ chỉ vì vài chỉ vàng, vài mét đất hoặc vài trăm bạc…

Lại có những người quan niệm rằng làm thật nhiều tiền để lo cho cha mẹ lúc tuổi già, nhưng họ đâu biết cái gì sẽ theo cha mẹ họ về bên kia cửa tử. Tiền bạc ư? Con cháu ư? Hay nhà cao quyền trọng ư? Không! Tất cả sẽ ở lại thế gian này, ngay cả cái hình hài mà họ cho đó là mẹ là cha của họ cũng thế, bởi vì nó là tài sản của thế gian, thì dĩ nhiên là phải trả lại cho thế gian, không ai được mang theo dù chỉ là một hạt bụi.

Vậy thì chúng ta phải làm sao đây?

Duy nhất chỉ có một con đường đó là hướng cho cha mẹ quay về với Phật pháp, Quy y Tam bảo, vì nếu biết quay về với Phật pháp tức là quay về với chân tâm thanh tịnh của mỗi người, mà cái chân tâm thanh tịnh này là bất biến, nó mới thực sự là tài sản của chúng ta khi chết sẽ mang theo, nếu chưa quay về với Phật pháp thì chưa tìm thấy chân tâm, mà chưa tìm thấy chân tâm thì chân tâm sẽ bị ba con quỷ “tham, sân, si” lôi kéo và dẫn đi vào cảnh giới của đau khổ luân hồi. Ngược lại nếu tìm thấy chân tâm, hàng phục được ba con quỷ dữ kia thì cuộc sống sẽ an lành, xán lạn. Đây chính là phương pháp mà những người con chí hiếu cần nên thực hành.

Làm đẹp lòng cha mẹ không phải chỉ biết vâng lời, kính yêu phụng dưỡng mà còn phải biết can gián, ngăn ngừa những ý nghĩ, hành động, lời nói không tốt của cha mẹ. Liệu tiền muôn bạc vạn, nhà cao cửa rộng có thể mua được ba con quỷ “tham, sân, si” ra khỏi cha mẹ của chúng ta không?

Hay chúng ta chỉ biết cung phụng để làm tác nhân gây nên những tham muốn, ích kỷ, bỏn xẻn, sân hận, tà kiến ngày càng lớn dần trong tâm của cha mẹ chúng ta. Đạo làm con cần nên suy nghĩ điều này?

Phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn truyền thống gia đình, nhưng không thể đi ngược lại với cái thiện, không gây tổn hại cho những người khác. Và không nên lạm dụng quyền hạn của bậc gia trưởng mà buộc người khác phải tuân theo “mệnh lệnh chỉ thị” sai lầm của mình.

An táng cho cha mẹ khi quá vãng là một việc cần nên làm. Nhưng phải làm như thế nào?

Hiện nay nhiều người con xem việc tổ chức tang lễ cho cha mẹ mình lúc qua đời không khác gì một hình thức kinh doanh trá hình, nhằm trục lợi hoặc có những người con quanh năm suốt tháng không hề quan tâm đến cha mẹ, nhưng khi cha mẹ chết thì lại tổ chức cúng tế linh đình, kèn ta, kèn tây, xây mồ to mả đẹp nhằm phô trương cho mọi người biết mình là con có hiếu.Vậy nên chúng ta hãy chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ chúng ta ngay khi họ còn tại thế, đừng để đến khi cha mẹ mất mới cảm thấy hối tiếc, có muốn phụng dưỡng thì cũng không còn kịp nữa.

Việc ma chay tống táng nên tổ chức theo hoàn cảnh gia đình. Nếu là phật tử tu học Phật pháp thì nên tổ chức theo nghi lễ Phật giáo, tiết kiệm, nhẹ nhàng nhưng không kém phần trang nghiêm, tránh những thủ tục lạc hậu tiêu phí tiền của dẫn đến việc phải vay mượn.

Tóm lại, hạnh phúc gia đình là nhân tố quan trọng để xây dựng nên một xã hội tốt đẹp. Vì thế việc “Phật hóa gia đình” là việc làm hết sức cần thiết. Muốn vậy mỗi thành viên trong gia đình hãy nỗ lực hết mình nghiên cứu và thực hành giáo lý Phật dạy, có lối sống đạo đức tốt đẹp làm mô phạm cho những thành viên khác, trong đó cha mẹ làm gương cho con cháu và ngược lại.

Đồng thời các bậc cha mẹ cũng nên cởi mở tư tưởng, học hỏi những điều bổ ích từ con cháu. Động viên tương trợ lẫn nhau trong việc xây dựng quan hệ đạo đức gia đình trên tinh thần “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” trong đạo Phật. Tích cực xây dựng gia đình lành mạnh, làm gương sáng cho cộng đồng xã hội chung quanh.