Làng tượng Phật giữ “lửa nghề”
Với hơn 80 năm hiện hữu, làng nghề làm tượng Phật xung quanh chùa Giác Hải (hẻm 345/45 đường Hồng Bàng, P.12, Q.6, TP.HCM) được chư Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước biết đến với nét tượng đặc trưng văn hóa Nam Bộ.
Vào những ngày đầu năm mới, làng nghề tượng Phật với gần 10 cơ sở vẫn không khác mấy so với ngày thường, đó là sự tĩnh lặng. Ở đó, hơn 3 thế hệ vẫn yêu và âm thầm giữ nghề đúc tượng từ tổ tiên truyền lại, trong đó hai cơ sở có bề dày ở làng nghề là xưởng Lê Văn Chánh và Mai Văn Lai có gốc gác từ tổ nghề, như hai mạch nguồn làm nên tên tuổi “tượng Phật chùa Giác Hải”…
Giữ “lửa nghề”
Đi dọc theo con hẻm vào chùa Giác Hải, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những bức tượng Phật, Bồ-tát đã thành phẩm, hay còn đang chế tác dở dang. Những người thợ của làng nghề vẫn miệt mài bên công việc, để có những tác phẩm ưng ý, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Những pho tượng Phật, Bồ-tát được tạc từ một cơ sở của làng nghề
Đến thăm cơ sở Lê Văn Chánh, một trong những cơ sở đầu tiên nơi xóm làm tượng Phật, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Kim Anh (vợ ông Ba Tiến, con của cụ Lê Văn Chánh) cho biết: “Những năm gần đây do có nhiều chất liệu tạc tượng như: đá, đồng và composite ra đời nên việc làm tượng Phật ở làng nghề có phần đi xuống, số lượng người đến đặt cũng giảm đi nhiều.
Khách hàng còn biết và đến với làng nghề phần nhiều vì quý trọng danh tiếng của các nghệ nhân tiền bối, cũng như yêu thích các pho tượng Phật truyền thống đậm chất Việt Nam. Nhờ đó, làng nghề vẫn sống được cho đến ngày nay”, chị Anh nói.
Cũng theo chị Anh, so với trước đây, công việc kinh doanh - tạo tác tôn tượng Phật ngày càng khó khăn hơn, việc thợ trẻ theo nghề cũng giảm dần, phần nhiều họ làm theo thời vụ. Cơ sở của chị đang quản lý được nối truyền từ cơ sở của cụ Lê Văn Chánh, là một trong những người đầu tiên làm nghề đúc tượng Phật ở làng.
Trước đây, cơ sở có hơn 20 thợ thường xuyên, thì hiện nay chỉ còn hơn 10 thợ, phần nhiều là thợ chính, người làm khuôn, còn lại các thợ phụ và học nghề thì phải luân phiên làm theo thời vụ. Số khác, họ phải làm thêm các công việc khác, nhưng tinh thần yêu nghề vẫn luôn nung nấu nên khi có những đơn hàng lớn, thì họ vẫn gác lại các công việc đang làm mà quay về xưởng tiếp tục vẽ, sơn, đắp, khắc… để hoàn thành những pho tượng Phật.
Thầy Thiện Chánh, thư ký chùa Giác Hải cho biết: “Ở đây có khoảng 10 cơ sở sản xuất tượng Phật, trước đây đều xuất phát từ chùa Giác Hải. Giờ đây, mỗi nơi có những tên riêng như: Hai Tân, Ba Tiến, Tư Cúc hay cơ sở Mai Văn Lai… tất cả đều gìn giữ nghề truyền thống từ cha ông truyền lại.
Thời “thịnh vượng”, công việc kinh doanh ở làng tượng tấp nập, hàng ngày có nhiều người đến đặt tượng, sửa tượng hay thỉnh tượng. Nhưng, những năm gần đây số lượng giảm nhiều, thỉnh thoảng mới có người đến giao dịch. Với truyền thống lâu đời làm nên những tôn tượng Đức Phật được kính ngưỡng, tôi tin chắc những cơ sở ở làng nghề sẽ không vì khó khăn mà để truyền thống của cha ông mai một”.
Theo chân thầy Thiện Chánh, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất tượng của ông Ba Tiến. Ở đây, hơn 5 công nhân vẫn đang thực hiện từng công đoạn để có một pho tượng “có thần”. Họ tỉ mỉ đắp, vẽ, sơn… miệt mài và chẳng bận tâm đến những khó khăn đang rình rập với nghề mà họ đang theo đuổi. Họ như dồn hết tâm huyết trong từng bay xi-măng, hay tỉ mỉ trên những đường cọ, chăm chút cho từng cánh sen… để có được “thần, sắc” của pho tượng Phật, Bồ-tát hoàn chỉnh.
Nối tiếp nghề, con trai ông Ba Tiến là thế hệ thứ ba đang tập tành thay cha để quản lý và trông coi công việc sản xuất. Điều này chứng tỏ lòng yêu nghề, quyết sống với nghề đã được “tiếp lửa” trong thế hệ kế thừa, với niềm tin, làng nghề sẽ có hậu nhân tiếp nối.
Tin tưởng “còn chùa, thì còn làng nghề”
Dù là người quản lý hay thợ đang làm công, trước những khó khăn mà nghề tạc tượng Phật đang gặp phải, họ vẫn luôn có niềm tin và sự lạc quan. Niềm tin về tổ nghiệp cũng như sự yêu mến của Tăng Ni, Phật tử với những tác phẩm tâm linh đậm “chất xứ sở” của làng nghề xuất phát từ Nam Bộ.
Ở đây, các nghệ nhân không chỉ vì lợi nhuận mà hơn cả là tâm huyết, sự tín tâm với mong muốn tạo thuận duyên cho mọi người được chiêm bái và đảnh lễ Đức Phật và chư vị Bồ-tát để kết duyên lành với Phật pháp. Chị Anh cho biết: “Có nhiều chùa đến thỉnh tượng không đủ tiền, hay vận động Phật tử chưa đủ, cơ sở chúng tôi cũng xin hùn phước để cho chùa có tượng Phật để thờ”.
Những người thợ vẫn miệt mài bên công việc
Với những người thợ, họ không bận tâm nhiều đến công việc kinh doanh mà chỉ toàn tâm để làm ra sản phẩm ưng ý. Như tâm sự của chú Tư, một người thợ thâm niên hơn 40 năm trong làng nghề cho biết, hiện nay công việc làm tượng vẫn diễn ra đều đặn, những khó khăn bên ngoài cũng ảnh hưởng chút ít đến làng nghề. Dù vậy, nhiều khách hàng trong và ngoài nước vẫn tìm đến làng tượng để có được pho tượng Phật đậm chất Việt Nam. Chia sẻ về tôn tượng Quan Âm mà mình đang chế tác, chú Tư nói: “Đây là pho tượng cơ sở thực hiện cho một ngôi chùa ở Mỹ. Vậy đó, người Việt mình đi đâu cũng nhớ về quê hương, dù vận chuyển rất vất vả qua đường tàu thủy”.
Cũng như chú Tư, anh Hội là một trong những người thợ ở đây. Anh vốn học làm thợ bạc và cũng đã lành nghề, nhưng ở giai đoạn khó khăn, anh đã chuyển hướng sang nghề tạc tượng và gắn bó cũng hơn 10 năm. Ban đầu, anh đến với nghề tạc tượng Phật vì kinh tế, nhưng khi vào làm thì say mê, yêu thích nên ở làm cho đến bây giờ.
Anh Hội cho biết: “Những người ở đây, họ tâm huyết với nghề lắm. Khi mới vào làm, tôi được các ông, bác, chú… chỉ bảo rất tận tình, giúp tôi nuôi dưỡng cảm hứng và tình yêu nghề. Vốn sẵn kinh nghiệm từ nghề làm thợ bạc, tôi được giao nhiệm vụ làm khuôn cho những mẫu tượng. Trong giai đoạn vật giá leo thang như hiện nay, nghề này vẫn có thể sống được. Tôi nghĩ nhiều người vẫn tìm đến đặt làm tượng Phật ở làng nghề. Còn chùa thì tượng Phật còn sản xuất, để phục vụ nhu cầu tâm linh, và tạo thêm nhân duyên cho đạo Phật đi vào cuộc đời”, anh Hội lạc quan tin tưởng.
Chị Kim Anh cho biết, để có thể cạnh tranh với các tôn tượng ngoại nhập, thì mẫu mã cũng phải được thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của người đến thỉnh và đặt tượng. Nghề truyền thống sẽ được kế thừa và giữ gìn nhưng cũng cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu, trước “làn sóng” các mẫu tượng được du nhập từ các nước, đã và đang chiếm dần vị thế ở trong nước.
Theo như một số Tăng Ni và Phật tử đến thỉnh tượng mà chúng tôi có dịp trao đổi, họ cho biết, về mẫu mã thì mẫu tượng ở làng nghề có thể cạnh tranh được với những tượng được làm từ nhiều chất liệu khác, nhưng khuyết điểm là trọng lượng quá nặng. Việc di chuyển phải cẩn thận để không bị vỡ hay sứt mẻ.
Tuy nhiên, vật liệu của tượng từ xi-măng, cốt thép nên việc bảo trì cũng dễ dàng. Chính vì điều này, một số tự viện vẫn yêu thích và thỉnh đặt tượng ở xóm làm tượng Phật chùa Giác Hải.
Quảng Hậu