Lòng biết ơn cần thể hiện thế nào cho đúng?
Trong đạo Phật, lòng biết ơn không chỉ là một trong những yếu tố đạo đức, mà còn là pháp tu, được thực hành hàng ngày.
Là pháp tu - trong ý nghĩa thực tập để chuyển hóa, làm thay đổi cuộc đời, nên chúng ta cũng cần hiểu đúng, để từ đó biết cách để thể hiện đúng, tránh do mơ hồ dễ bị dẫn dắt sai đường.
Đối tượng của lòng biết ơn rất rộng lớn, trong đạo Phật thường tóm tắt vào bốn nhóm, đó là ơn cha mẹ, tổ tiên; ơn dân tộc, đất nước cùng những người đã hy sinh vì sự nghiệp dựng nước, giữ nước; ơn thầy tốt, bạn hiền; ơn vạn loại chúng sinh, môi trường sinh thái.
Cuộc đời là duyên sinh, bất cứ thành tựu nào của mỗi người cũng có sự liên hệ, tương quan với nhiều người khác, với môi trường, xã hội và truyền thống mà người đó sinh ra, trưởng thành. Ngược lại, với những thất bại, cũng vậy, trong cái nhìn duyên sinh, sự liên đới trách nhiệm cũng không thể trốn tránh hay chối bỏ.
Do đó, mỗi suy nghĩ, lời nói và việc làm của mỗi người cũng có tác động đến môi trường và ngược lại môi trường cũng ảnh hưởng đến chất lượng sống của mỗi cá nhân.
Một cách khách quan, cuộc sống hiện nay chúng ta có quá nhiều phương tiện; và khi phương tiện càng nhiều thì lòng tham muốn càng bị kích thích, không bao giờ thỏa mãn; chính vì vậy không đem lại sự an ổn như hứa hẹn, mà ngược lại, thêm nhiều bức bách, lo âu, khổ não.
Cuộc sống hiện đại thừa phương tiện nhưng lại thiếu thốn về các giá trị định hướng cho lối sống. Chúng ta dường như quá chú trọng về các giá trị vật chất, các danh hiệu, nặng về phô trương hình thức mà quên đi các yếu tố đạo đức, cuộc sống bên trong.
Lòng biết ơn - một giá trị đạo đức mang tính phổ quát cũng như vậy, bị quy đổi về hình thức của lễ nghĩa, đánh giá theo phẩm vật hiến tặng.
Nhớ ơn không chỉ dành cho người đã quá cố, các thế hệ tiền nhân chỉ thể hiện qua lễ nghi cầu nguyện, đó là sự việc chính đáng nhưng cần hơn thế nữa, phải được thể hiện trong những suy nghĩ, lời nói và việc làm thiết thực tiếp nối quá khứ, xây dựng và phát huy hướng tới lợi lạc lâu dài.
Cũng như trong cuộc đời, có người khi cha mẹ còn sống không lo phụng dưỡng, chăm sóc về tinh thần cũng như vật chất, đến khi cha mẹ qua đời lại tổ chức đám tiệc linh đình, thực hiện các lễ nghi gọi là để “báo đáp ơn sâu”!
Việc thực hiện các nghi lễ cầu nguyện cho tiền nhân, những người hy sinh tính mạng cho sự nghiệp giữ nước, dựng nước và độc lập dân tộc là việc làm tốt đẹp nhưng sẽ hời hợt nếu xem đó là sự biểu hiện cao nhất, đầy đủ của lòng biết ơn.
Cầu nguyện là nhu cầu căn bản về tinh thần có ý nghĩa nhất định nhưng sẽ không thể chỉ qua đó làm thay đổi được kết quả nghiệp xấu đã tạo. Cầu nguyện đem đến sự yên tâm cho người sống nhưng sẽ không bảo đảm được an ổn, hạnh phúc cho cả cuộc đời cũng như sự bền lâu.
Lòng biết ơn cũng không phải đợi đến tháng Bảy - mùa Vu lan mới được thể hiện, mà cần được ý thức và nuôi dưỡng trong đời sống hàng ngày. Giá trị thực sự của lòng biết ơn không chỉ đem tới sự thanh thản, mà quan trọng hơn, làm cho mỗi người có sự trân quý đối với sự sống để sống thiện lành, từ đó mới có được an lạc, hạnh phúc thực sự và lâu dài.
- Niệm Phật mà tạp niệm cứ xen vào, niệm to thì bị mệt, phải làm sao đây?
- Ý nghĩa đại lễ dâng y kathina của Phật giáo Nguyên thủy
- Ba điều tinh túy trong Đạo Phật
- TT.Thích Minh Quang, Phó Trụ trì chùa Tam Chúc chia sẻ về việc cầu khấn như thế nào cho đúng khi lễ chùa, chiêm bái chốn tâm linh?
- Giá trị và nhân cách sống trong từng lời nói