Lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội
Chỉ cần vào Google nhập từ khóa tìm kiếm “xem bói”, chỉ trong vòng 1 giây đã có gần 7,5 triệu kết quả liên quan xuất hiện, trong đó, một số trang web chuyên về xem bói, tử vi như: tuvicongiap.xyz, vansu.net, xemtuong.net, phongthuyso.vn, tuvikhoahoc.com…
Bói toán và tin vào bói toán là một trong những hình thức mê tín dị đoan vẫn chưa được đẩy lùi trong xã hội. Nếu trước đây muốn xem bói phải đến tận nơi gặp “thầy”, thì hiện tại chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính là có thể nhận được lời phán của “thầy” qua các ứng dụng online.
Với phương thức quảng cáo rầm rộ với đủ mọi “dịch vụ tâm linh” được xem miễn phí như: tử vi, chọn ngày đẹp, xem tuổi, gọi vong, ngoại cảm tìm mộ, tìm người thất lạc, thậm chí livestream (phát sóng trực tiếp) để lên đồng, bói toán…, các trang web, tài khoản mạng xã hội chuyên về xem bói, tử vi thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn lượt truy cập, theo dõi.
Điều đáng nói là các “dịch vụ tâm linh” online đang bị những kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan, lừa đảo tiền bạc từ trao đổi, mua bán bùa chú, vật phẩm tâm linh mang màu sắc mê tín dị đoan và đánh cắp thông tin cá nhân.
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cảnh báo người dân cần thận trọng khi tiếp cận thông tin, tránh bị lừa bởi các chiêu trò mạo danh nhà chùa khi trên mạng xuất hiện nhiều trang thông tin giả mạo các chùa lớn như Yên Tử, Phật Tích, Bút Tháp… kêu gọi người dân thực hiện cúng dường, cầu an qua ví điện tử MoMo.
Theo nhiều nhà quản lý văn hóa, sở dĩ tình trạng kinh doanh không hợp pháp liên quan vấn đề tâm linh bùng phát là do lợi nhuận rất lớn của hoạt động này. Thói quen thực hiện nhu cầu tâm linh và hành vi thỏa mãn nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân cũng góp phần khiến việc kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, những quy định của pháp luật về vấn đề này còn chưa đầy đủ, tạo kẽ hở khiến những người kinh doanh dịch vụ tâm linh online ngày càng có nhiều chiêu trò “lách luật” tinh vi.
Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, những người đặt kỳ vọng vào các “giá trị hư vô” không chỉ làm tổn hại kinh tế cá nhân và gia đình, mà còn làm nảy sinh tâm lý hoang mang, ỷ lại, trông chờ vào vận may từ bùa phép dẫn đến những hậu quả khó lường. Đáng sợ hơn, khi không đạt được tham vọng, họ có thể sẽ trở nên mê muội, ích kỷ.
Đặc biệt nguy hại khi không ít kẻ lợi dụng niềm tin của con người không chỉ để trục lợi về mặt kinh tế, mà còn để gieo rắc những điều kỳ quái, gây hoang mang trong cộng đồng hoặc muốn được nổi tiếng.
Do vậy, cái gọi là “dịch vụ tâm linh” đang thực sự là một vấn nạn nguy hiểm, cần phải được cảnh tỉnh trên bình diện xã hội. Nhà nước cần phải xử lý nghiêm khắc những đối tượng có hành vi sai phạm để bảo đảm nhu cầu tâm linh của người dân được thỏa mãn một cách lành mạnh, lương thiện.
Để ngăn chặn hành vi lợi dụng vấn đề tâm linh, trước hết, về mặt pháp luật, cần kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi lợi dụng yếu tố tâm linh để trục lợi bất chính.
Trên thực tế, pháp luật đã có các quy định cụ thể về tội hành nghề mê tín, dị đoan và xử phạt các hành vi lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi, với mức phạt lên đến 100 triệu đồng, hoặc phạt tù đến 3 năm.
Tuy vậy, các cơ quan chức năng chưa xử lý triệt để và quyết liệt với các hành vi mê tín dị đoan trên mạng xã hội, nên vẫn còn “dư địa” cho đối tượng xấu lợi dụng hoạt động “dịch vụ tâm linh” trái pháp luật.
Thiết nghĩ, việc bài trừ mê tín, dị đoan chỉ thành công khi mỗi người dân có tư duy tích cực, có hành động đúng đắn và lối sống lành mạnh, giữ cho mình sự tỉnh táo để nhìn nhận đúng bản chất về các hoạt động tâm linh lành mạnh, không tin theo bói toán vô căn cứ để mê muội, tiền mất tật mang.
Hoàng Lâm/ Biên Phòng