Mâm ngũ quả ngày Tết
Qua việc thờ cúng tổ tiên, người dân Việt luôn muốn nhắc nhở những thế hệ đi sau về sự tri ân cội nguồn để từ đó mạ vàng lòng mình sống sao cho tốt hơn, đẹp hơn theo đúng lời giáo huấn, căn dặn của thế hệ đi trước.
Ngày mới đầu năm Di Lặc sinh,
Với nhiều hạnh tốt tâm an lành
Chúng con thành kính dâng lên Phật
Cầu nguyện bình an khắp chúng sinh
Một điều thú vị là ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta trùng với truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Đó là ngày Tết Phật Di Lặc vào mùng Một Tết. Thuyết nhà Phật cho rằng Di Lặc là vị Bồ tát trong hiện tại và cũng là vị Phật trong tương lai. Vì vậy, các phật tử trong ngày Tết thường chúc nhau “Ngày xuân tươi vui” hay “Kiết tường như ý” cũng lấy từ hình ảnh vị Bồ tát có nụ cười tươi tắn ấy.
Đặc biệt, trong kinh Vu Lan (Ullambana Sutra) cũng có nhắc đến việc chuẩn bị mâm ngũ quả, dưới hình thức “trái cây năm màu” để cúng dường chư Tăng, mà theo quan niệm nhà Phật “trái cây năm màu” tượng trưng cho ngũ căn: tín, tấn, niệm, định và huệ.
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên mà chúng ta có được những đặc sản về hoa quả vô cùng phong phú và đa dạng. Người dân Việt Nam bao đời nay vẫn lưu giữ truyền thống chọn năm loại quả tinh túy, gần gũi nhất với cuộc sống thường nhật để xếp thành mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ gia tiên trong những ngày lễ nói chung và dịp Tết nói riêng. Dù mỗi vùng miền có những loại quả khác nhau nhưng triết lý chung thì luôn đồng nhất.
Việc bày mâm ngũ quả xuất phát từ lý thuyết về ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, những yếu tố tạo nên vũ trụ và sự vận hành của nó. Thông thường, ngũ quả gồm năm loại quả có các màu khác nhau như: chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam, tượng trưng cho mong ước: Phú (giàu có) – Quý (sang trọng) – Thọ (sống lâu) – Khang (khỏe mạnh) – Ninh (bình yên).
Quả Phật thủ đôi khi cũng được dùng để thay bưởi. Phật thủ có dáng riêng, không phẳng phiu, không tròn trặn mà vẫn đem lại sự đa dạng về hình khối. Vỏ phật thủ màu vàng đậm, xốp rất ăn ý với màu xanh của chuối. Tiếp đến là cam, với những khối tròn nhỏ hơn bưởi nhưng số lượng nhiều hơn. Màu da cam ửng đỏ được phân bố đều giữa hai vòng vàng và xanh. Nhỏ bé hơn cam là những quả quất, màu tươi rực rỡ, đặt vào chỗ nào là chỗ ấy hửng sáng. Với dáng tròn xinh, quất len lỏi vào các khe của chuối, cam và bưởi làm chặt thêm bố cục, hòa sắc được phân bố đều, cân đối, hình dáng thay đổi.
Với triết lý sống “Uống nước nhớ nguồn”, người dân Việt luôn muốn hiến dâng những thành quả của mình lên tổ tiên, không chỉ các thứ bánh ngon mà còn cả các loài hoa thơm trái ngọt để bày tỏ tấm lòng thành. Mâm ngũ quả là nơi kết tinh những giá trị tốt đẹp ấy với những sản vật được cúng dâng vào các ngày lễ nói chung và trong dịp Tết nói riêng.
Việc thờ cúng tổ tiên trong văn hóa của người Việt không phải là sự mê tín mà nó đã dung hòa với triết lý Phật giáo. Đây là việc làm giúp người còn sống bày tỏ tấm lòng hiếu đạo, nghĩa tình với người đã khuất. Chúng ta có thể nhận ra triết lý luân hồi của người Việt Nam rất sâu sắc. Người đang sống trong hiện tại và người đã khuất dường như đang nối kết với nhau theo một dòng chảy. Chúng vẫn luôn hiện tiền và tiếp nối nhau, không ngưng nghỉ…
Qua việc thờ cúng tổ tiên, người dân Việt luôn muốn nhắc nhở những thế hệ đi sau về sự tri ân cội nguồn để từ đó mạ vàng lòng mình sống sao cho tốt hơn, đẹp hơn theo đúng lời giáo huấn, căn dặn của thế hệ đi trước. Đạo hiếu – một trong những phẩm chất tốt đẹp mỗi người cần có trong xã hội đã thể hiện trọn đầy thông qua bàn thờ tổ tiên của gia đình Việt. Và nó cũng không đi ngược với giáo lý tứ ân trong nhà Phật. Đức Phật đã dạy sống trên đời, phàm là con người phải luôn biết khắc ghi và đền đáp bốn ân lớn. Đó là ân Tam Bảo, Sư trưởng; ân quốc gia, xã hội; ân cha mẹ và ân chúng sinh vạn loài.
Thầy tổ là hiểu theo nghĩa nhà Phật, còn dưới góc nhìn của người thế tục khi mở rộng ra thì nó cũng đồng nhất với tổ tiên, ông bà của mình. Bởi nếu không có họ thì làm sao chúng ta có mặt ở trên cuộc đời này? Ông bà tổ tiên chính là người thầy đầu tiên trong cuộc đời của mỗi người. Như vậy, việc thờ cúng tổ tiên là một sự thi triển sâu sắc và toàn vẹn giáo lý tứ ân trong đạo Phật.
Có thể nói, sự hiện diện của mâm ngũ quả trong những nghi lễ nói chung và ngày Tết nói riêng là vô cùng cần thiết và quan trọng. Bởi nó là lời tri ân nghĩa tình nhất của mỗi người muốn gửi trao tới ông bà, tổ tiên của mình. Vì vậy, việc thờ cúng tổ tiên bao đời nay vẫn luôn là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Ngoài ý nghĩa tâm linh, bàn thờ tổ tiên còn là nơi thể hiện cốt cách và nét thẩm mỹ tinh tế của gia chủ khi trang trí nhà cửa trong dịp Tết đến, xuân về. Đây thật sự là nét đẹp cần được các thế hệ người Việt lưu giữ và trân trọng.