Muốn thành việc lớn, đừng quên tiểu tiết


Người có học thức rộng, văn hóa cao không bao giờ quên tiểu tiết. Chính ở những tình huống nhỏ nhặt, khí chất và phong thái của một người mới được thể hiện ra rõ ràng nhất. Dưới đây là câu chuyện trải nghiệm của một vị giảng viên đại học.

Tôi là một giảng viên đại học có tiếng, về học thức, bằng cấp lẫn kinh nghiệm…, tôi đều được đồng nghiệp và các em sinh viên nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Tôi cũng khá tự hào về bản thân, cũng có một chút đắc ý về sự thành công trong sự nghiệp của mình.

Tuy nhiên, những trải nghiệm khó quên trong một chuyến đi gần đây đã khiến tôi phải giật mình hổ thẹn…

Kẻ khiếm nhã giữa thành La Mã

Khi tới La Mã du lịch, tôi đã tìm đến hai con phố chuyên bán đồ cổ. Tôi vào xem từng cửa hàng một. Sau khi chọn được một cửa hàng nhỏ xinh xắn, tôi bèn vùi đầu xem những đồ điêu khắc và văn vật nhỏ nhắn. Rồi tôi hỏi giá ông chủ. Đó là một ông lão lớn tuổi tóc bạc trắng. Nhưng khi tôi đụng đến món đồ nào ông lão cũng đều lắc đầu quầy quậy, nói rằng không bán.

Tôi thắc mắc: “Sao lại không bán ạ?”. Ông bèn nghiêm nghị nói: “Đây là cửa hàng của tôi. Cậu bước chân vào mà không thèm chào hỏi tôi lấy một câu nào, cứ tự tiện nhìn ngó, sờ mó hết thứ này tới thứ khác. Một lúc sau cậu mới hỏi tôi có bán hay không, thì tôi nói rằng tôi không muốn bán. Đơn giản là thế!”.

Tôi rất ít khi xấu hổ nhưng lúc đó mặt tôi đỏ như mặt trời, cả tai cả cổ cũng đỏ gay gắt. Tôi lúng túng như con gà mắc tóc.

Hồi nhỏ tôi hay bị người lớn mắng mỏ. Lý do là tôi ngang bướng, ương ngạnh, khó ưa, thích trèo tường, đập đồ, lại không lễ phép. Không hẳn là tôi không tốt, thực ra là tôi thiếu hiểu biết. Đến tuổi thanh niên choai choai, tôi cũng không biết đến khái niệm lễ phép là gì. Tính cách khá ngang ngạnh, thậm chí là thô lỗ, lại còn ngông cuồng, ngạo mạn.

Nhưng sau khi ngụp lặn giữa dòng đời, qua nhiều thăng trầm, tôi đã dần học được cách khiêm nhường và tôn trọng người khác. Vậy mà một người đàn ông từng trải đã 54 tuổi như tôi, ở La Mã, một đất nước thấm nhuần văn hóa phục hưng này, vô tình lại trở thành một kẻ vô cùng khiếm nhã. Ông chủ cửa hàng đã khiến tôi bừng tỉnh.

Chuyện dở khóc dở cười trong nhà vệ sinh

Một lần khi tôi vừa bước vào cửa nhà vệ sinh thì bắt gặp một thanh niên mặt mũi sáng sủa, còn khá trẻ, chừng 22 tuổi. Cậu bất chợt chạy tới đứng trước mặt tôi, mắt sáng rõ, vẻ mặt hân hoan, hét lên: “Thầy có phải thầy Khiêm không ạ? Em nghe danh thầy đã lâu giờ mới được gặp mặt. Em muốn một chụp bức hình kỷ niệm với thầy ạ”.

Tôi rất lúng túng. Bởi lúc ấy tôi quả thực không thể kìm nén nổi ‘nhu cầu thiết yếu’ của mình nên chỉ cười trừ, bước vội vào phòng vệ sinh. Tôi mở cửa bước ra, vặn vòi nước rửa tay, bất chợt quay sang vẫn thấy cậu ấy đứng nguyên tại đó. Thật chẳng lịch sự chút nào, lẽ ra cậu ấy nên đợi tôi ở ngoài mới đúng!

Tay cậu lăm lăm chiếc chiếc máy ảnh, sớm đã chuẩn bị lên hình. Đôi tay chắc khỏe của cậu như hai gọng kìm kéo tôi ra một góc, giữ tôi như khúc gỗ, rồi toét miệng cười, chụp tách một tiếng. Mặt tôi méo xệch, tôi trở tay không kịp thì cậu ấy đã chụp xong rồi. Cảnh dở khóc dở cười như vậy xảy ra với tôi không chỉ một lần. Mấy cô cậu thanh niên hễ gặp mặt tôi là giữ chặt lại, chụp xong kiểu ảnh là bỏ đi. Sau đó lại rất mãn nguyện khoe với bạn bè rằng: “Xem này! Tôi chụp ảnh với thầy Khiêm rồi đấy nhé!”.

Hồi nhỏ, người lớn không cho phép chúng tôi đối xử với họ như vậy. Nhưng bây giờ nó lại trở thành chuyện cơm bữa trong các trường đại học. Những thói quen của lớp trẻ có lẽ cần phải nhìn lại lại một chút. Nói nặng nề hơn thì việc này chính là thể hiện sự thiếu tu dưỡng của con người.

Kỳ thực sự tu dưỡng không phải là thấu hiểu những đạo lý thâm sâu, to tát, mà được thể hiện ngay trong những thói quen sinh hoạt thường ngày, cũng là những tiểu tiết mà rất nhiều người chúng ta xem nhẹ.

Dưới đây, xin mạn phép được viết ra là những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày, hy vọng rằng chúng ta đừng xem nhẹ chúng. Bởi tuy nhỏ nhặt thôi nhưng có thể toát lên sự tu dưỡng của một người.

1. Khi nhận truyền đơn trên phố, nếu không thể nhận được thì hãy đáp lại họ bằng nụ cười, và tỏ lòng cảm ơn.

2. Khi nhân viên phục vụ bê đồ ăn ra bàn hoặc khi trả tiền tại quầy thu ngân hãy nói lời cảm ơn với họ.

3. Khi ra vào khu chung cư hay những nơi công cộng hãy giữ cửa giúp người khác để tiện cho họ ra vào, đặc biệt là những người có dắt theo trẻ nhỏ hoặc tay cầm đồ.

4. Giữ thang máy để người khác ra trước.

5. Khi đi qua đường hãy nghiêm túc chấp hành tín hiệu đèn xanh đèn đỏ. Nếu tắc đường thì hãy nhường lối cho người đi bộ. Ăn cơm không nên chép miệng, gõ mâm, gõ bát, không lật giở đồ ăn, không chọn đồ ăn, không bỏ mứa.

6. Lịch sự với bảo vệ, lễ tân và nhân viên phục vụ. Khi nhận được sự hỗ trợ của họ tối thiểu cũng phải gật đầu, mỉm cười với họ. Bởi lẽ họ thường là những người dễ bị coi thường nhất.

7. Không nói tục.

8. Ở nơi công cộng, hãy để ý âm lượng, giọng nói và hành động của mình có ảnh hưởng tới người khác hay không.

9. Không dò la chuyện riêng tư của người khác. Không truy hỏi người khác nguyên nhân vì sao. Khi nói chuyện nơi công cộng, cố gắng tránh những chủ đề tế nhị như tình hình gia đình, phương thức sống, thu nhập.

10. Khống chế cảm xúc của mình, khi xảy ra chuyện không lập tức đáp lại bằng những lời hằn học, hãy bình tĩnh, nhẫn nại.

11. Khi uống canh đừng để phát ra tiếng, dù là canh nóng.

12. Khi lái xe dưới trời mưa cần giảm tốc độ, hoặc đi chậm lại nếu thấy có người già, trẻ con, thú cưng ở phía trước.

13. Khi rời khỏi thư viện hay nơi công cộng hãy nhẹ nhàng xếp ghế trở lại vị trí ban đầu.

14. Khi đưa dao, kéo, hay những đồ vật có đầu sắc nhọn, hãy để mũi dao, mũi kéo hướng về phía mình.

15. Con gái khi đứng ngồi ở nơi công cộng cần khép hai chân lại, hoặc xếp sang một bên. Nếu mặc váy thì khi ngồi xuống cần để ý đến váy, tránh lộ liễu.

16. Khi đi bộ thì đi sang lề đường, nhường phần đường bên trong cho người khác. Đặc biệt là con trai, khi đi qua đường nên để con gái đi bên trong để bảo vệ họ.

17. Khi đeo tai nghe thì không nói chuyện với người khác. Nếu muốn nói chuyện thì hãy tháo tai nghe ra.

18. Dù là con trai hay con gái cũng luôn mang khăn giấy theo mình.

19. Khi đỗ xe hãy chừa lại lối đi cho xe cộ và người khác.

20. Khi nói hãy nhìn vào mắt người khác và mỉm cười.

21. Nếu ho hay hắt hơi thì hãy che miệng lại.

22. Không tùy tiện bình luận người khác. Hãy tôn trọng sự khác biệt của họ dù có những điều khiến bạn cảm thấy khó hiểu. Rốt cuộc thì bạn không biết được người khác đã phải trải qua những gì.

23. Ở ga tàu, bến xe đông người hãy bỏ ba lô xuống. Hãy giúp người khác cất hành lý trên máy bay hay tàu hỏa.

24. Không tự ý sờ vào đồ của người khác, hãy tôn trọng sự riêng tư của họ, đùa vui một cách vừa phải.

25. Khi gặp phiền toái hãy nghĩ cách giải quyết, đừng oán trách hết người nọ tới người kia.

26. Khi người khác đang nói chuyện đừng tùy tiện ngắt lời.

27. Khi nghe nhạc tại nơi công cộng không mở loa ngoài.

28. Khi bên cạnh có người quen, đừng cúi đầu chơi di động. Khi ăn cơm không nghịch điện thoại.

29. Không vứt rác bừa bãi, khạc nhổ lung tung.

30. Khi nhận quà của người khác hãy thể hiện sự trân trọng và biết ơn.

31. Muốn vào nhà vệ sinh công cộng hãy gõ cửa trước. Nếu không thấy ai trả lời thì mới được đẩy cửa vào. Có một vài nhà vệ sinh bị hỏng khóa, nếu đẩy cửa vào luôn đôi khi bạn sẽ rất bối rối. Có một vài nhà vệ sinh có không gian khá hẹp, chỉ cần đẩy cửa là sẽ đập vào người đang ngồi bên trong.

32. Không nhìn chằm chằm vào người tàn tật.

33. Khi họp mặt gọi đồ ăn hãy suy nghĩ tới khẩu vị của mọi người, hỏi xem có ai bị dị ứng thứ gì không, có ăn được đồ lạnh, đồ sống không.

34. Khi người khác đang lúng túng hãy giải vây cho họ một cách phù hợp.

35. Khi từ chối, hãy nói thẳng một chút, nhưng cần lịch sự, có hòa khí, không làm người khác tổn thương. Đừng ám hiệu gì không tốt, hãy mang tới hy vọng có thể thành công cho người khác.

Kỳ thực, từ xưa đến nay, có rất nhiều người vì “quên tiểu tiết” mà hỏng việc lớn, nhưng cũng có người vì một ý tưởng nhỏ mà trở thành vĩ nhân. Đời người chính là một dãy các việc nhỏ xếp lại cùng nhau, nếu kịp thời tích lũy, nắm vững kinh nghiệm thì những việc nhỏ tưởng chừng “vụn vặt” ấy lại có thể giúp ta hoàn thành đại nghiệp.

Vậy nên, chúng ta hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, từ những điều xung quanh mình, làm đến nơi đến chốn, thể hiện sự tu dưỡng của mình bạn nhé!

(Suy ngẫm – mnmcn)