Ngày gia đình Việt Nam, 28-6: Học Phật để trong ấm ngoài êm



1. Bạn sắp cưới. Sau khi chụp hình cưới và công bố “toàn thiên hạ” là mình sắp cưới, bạn cho biết luôn: sẽ tổ chức đám cưới chay (tức là chỉ đãi bạn bè bằng tiệc chay, không rượu bia, chỉ nước lọc và nước ngọt, trà đá nếu có yêu cầu).

Tất nhiên, để có quyết định đó, phải bàn với gia đình hai bên và được đồng thuận nhờ hai gia đình đều là con Phật, lại thâm tín Tam bảo nên nghe con mình còn trẻ mà phát tâm như vậy không ủng hộ sao được.

Mình hỏi bạn: Rứa còn bạn bè, biết họ có vui vẻ đi dự? Bạn hoan hỷ cho biết: Do bản thân hai vợ chồng bạn thường ăn chay, đi chùa, ai cũng biết điều đó nên ai cũng tôn trọng quyết định đó. Bạn còn kể, khi mình ăn chay đã thành “thương hiệu” thì tiệc tùng ở đâu, ai mời mình cũng đều tôn trọng đặt thêm một phần chay, đơn giản thôi, giữa bàn tiệc có thêm đĩa mì xào chay là đủ rồi, ai cũng vui…

Nghe bạn kể mình cũng hoan hỷ theo vì biết, với nền tảng từ việc học Phật của hai bạn cùng truyền thống kính tín Tam bảo của hai gia đình và khởi đầu hôn nhân bằng tâm lành ý thiện đó, chắc gia đình nhỏ của bạn đã gieo được thêm phước, thêm thọ.

2. Một người bạn đạo khác của tôi, cô biết đạo gần 20 năm qua. Đó là quãng thời gian mà theo cô, có nhiều biến chuyển trong gia đình lẫn công việc làm ăn. Cô kể, trước khi biết Phật thì buôn bán đủ thứ, kể cả sinh mạng các loài chúng sinh khác, rồi còn tìm cách kiếm lời thêm bằng cách lắt léo khi cân, hô giá cao ăn lời lớn… “Giờ nghĩ lại, thấy mình ghê quá, mà nghĩ lại, thấy mình cũng may quá, nhờ học Phật mà hiểu được nhân-quả nên dừng sớm việc không lành”.

Giờ cô vẫn buôn bán nhưng là bán thực phẩm chay, trái cây và hoa quả, lời ít nhưng lòng thanh thản. Ở chợ, thấy ai nghèo khó cô đều giúp, mỗi tháng đều đem trái cây, hoa lên chùa cúng dường để phụ thầy đỡ tiền mua. Rồi thấy ai bán cá đồng còn sống cô đều “thầu” rồi đem thả, “người ta chưa biết thì mình mua đem thả, biết đâu lâu ngày dài tháng họ cũng ngộ ra như mình ngày xưa”, cô tâm niệm vậy nên thương và làm cả chục năm qua.

Đặc biệt, sau nhiều năm kiên trì thay đổi bản thân, khuyến khích chồng thì giờ chồng cô không những không càm ràm chuyện cô làm việc thiện vì “tiếc tiền” như xưa mà còn cùng cô trì chú, biểu “má mi làm phước con mình hưởng”… Rồi con gái út của cô, cảm đạo Phật và con đường sáng do từ nhỏ được cô hướng ăn chay, đi chùa nên ba năm trước đã phát nguyện xuất gia. Cô bảo: đó là hạnh phúc lớn nhất không chỉ riêng mình mà những người thân mình nữa. Theo cô, làm người, nếu không biết Phật pháp, không tin nhân quả là tội lắm, sẽ làm việc ác mãi mà không biết không hay, tới khi nhận quả xấu thì có hối cũng muộn rồi…

3. Học Phật, với người tại gia thì phát nguyện thọ Tam quy Ngũ giới. Nương tựa Tam bảo (Phật - Pháp - Tăng): bậc Toàn giác, con đường sáng và đoàn thể đẹp. Năm giới hay năm nguyên tắc đạo đức: không sát sanh - tôn trọng sự sống mọi loài, không trộm cắp - tôn trọng tài sản của người khác, không tà dâm - tôn trọng tiết hạnh bản thân và người khác, không nói dối - tôn trọng sự thật và không sử dụng chất gây nghiện - tôn trọng sức khỏe thân và tâm, giúp tinh thần vững chãi sáng suốt.

Với sự nương tựa và học tập, thực hành những điều trên, người con Phật sẽ dần hoàn thiện nhân cách của mình, mỗi người sẽ trở nên sáng đẹp cả bên trong lẫn bên ngoài. Cái đó là “tu thân”. Khi chính mình đủ bình an, vững chãi, có trí tuệ và đầy yêu thương, mỗi lời nói, việc làm của mình sẽ trở nên đúng đắn, có năng lượng lành và mát mẻ, làm cho (trước tiên) người thân mình chuyển hóa tốt đẹp; sau đó có thể góp tay làm cho cuộc sống tươi sáng hơn.

Trong thời hiện đại, con người có nhiều mối lo vì nhiều thứ như chiến tranh, khủng bố, sự tụt hậu, tội phạm hung hãn… Nhưng, suy cho cùng, để bức tranh xã hội nhá nhem như vậy có phần “lỗi” từ chính mỗi người: khi chúng ta cũng đang chạy theo guồng quay đó, ai cũng làm vậy mình “phải” làm vậy; nếu chúng ta dám mạnh mẽ tách mình ra để đi ngược lại - ai cũng nhậu để thăng tiến thì mình chọn cách nhẹ nhàng hơn, ai cũng “ông ăn chả bà ăn nem” thì mình “ông ăn chả bà ăn… chay” thử xem…

Kiến tạo bình an lớn phải bắt đầu từ bình an nhỏ nhất: tự thân mỗi người. Do vậy, cốt lõi trong xây dựng hòa bình xã hội chính là ở chỗ mỗi người phải tu (sửa) bản thân theo hướng tốt, và hướng đó chính là học Phật, ứng dụng lời Phật trong hành xử với đời, với người, trước tiên với người thân-thương của mình.

Một tiệc cưới chay, một lễ hằng thuận để phát nguyện xây dựng gia đình trên tinh thần giữ giới là một cách bảo hộ bản thân, hạnh phúc của mình. Từ bỏ một công việc kiếm tiền dễ nhưng bất thiện cũng chính là chọn con đường sáng, dừng gieo hạt giống xấu. Hoan hỷ và kiên trì hướng người thân mình đi cùng đường tốt với ta, chọn người bạn đời cùng lý tưởng với gốc rễ tâm linh sâu dày, đó cũng là cách làm cho trong nhà mình ấm, mọi mối quan hệ bên ngoài được êm và hạnh phúc từ đó có mặt trong mỗi sớm mai mình thức dậy dù hôm đó phải đối diện với hoa trái thế nào…


Lưu Đình Long / Vườn hoa Phật giáo