"Như voi chúa giữa trận"


Sự cố xảy ra ở chùa Kỳ Quang 2 gần đây làm cho Phật giáo lại thêm một phen ồn ào. Những người có trách nhiệm tại chùa hiện đang khắc phục sự cố với diễn tiến tích cực. Qua vụ việc này, ta có thể nhìn nhận, chiêm nghiệm và rút ra được nhiều bài học rất bổ ích về cuộc sống, ở cả trong đạo lẫn ngoài đời.
 
Đầu tiên là việc một số người lên án Hòa thượng trụ trì Thích Thiện Chiếu khi thấy hũ cốt một nơi mà tên và hình một nẻo. Nếu bỏ qua “thuyết âm mưu” cho rằng họ cố tình mạ lỵ Hòa thượng như vậy để hạ uy tín của ngài vì mục đích riêng tư nào đó, thì việc mạ lỵ người khác khi chỉ mới thấy sơ qua sự việc đã là một việc làm vội vã, mà đạo Phật gọi là thiếu chánh niệm.
 
Trong cuộc sống có những việc thấy vậy chứ không phải vậy. Ngày xưa Khổng Tử chính mắt nhìn thấy Nhan Hồi ăn vụng cơm mà còn chưa thấy hết sự thật, khiến về sau khi biết được chân tướng của sự việc rằng Nhan Hồi chỉ vớt lớp bụi tro trên mặt nồi cơm, đã phải ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không đúng sự thật!”.
 
Đối với chuyện các hũ cốt ở chùa Kỳ Quang 2, khi sự việc xảy ra, chúng ta phải tìm hiểu xem đâu là sự thật. Khi chưa biết rõ sự vụ đã dùng lời lẽ nặng nề chỉ trích một người tu hành tuổi đáng ông bà cha mẹ mình như vậy cho thấy cách nhìn nhận sự việc của những người chửi đó cũng chưa được “chuẩn”.
 
Chuyện đâu còn có đó! Hũ cốt dù không còn bảng tên nhưng vẫn còn ở chùa chứ đâu có mất đi. Nếu nhận diện được thì tốt, còn vạn bất đắc dĩ không nhận diện được thì có thể thờ chung với bá tánh trong chùa. Biết đâu khi chúng ta làm ồn ào như vậy thì người thân đang nhìn mình mà cười rằng: “Các con cháu thật vô minh. Ta ở chùa để nghe kinh kệ tu hành chứ có phải để nương hũ cốt đó đâu mà lại rối lên như vậy”.
 
Điều đáng nói ở đây là thái độ nhu hòa của Hòa thượng trụ trì trước những lời mắng chửi. Ngài không phân bua mà im lặng nhận hết trách nhiệm, lỗi lầm về mình. Hành xử của Hòa thượng làm cho tôi liên tưởng đến sự đối lập của ông Lê Tùng Vân ở “tịnh thất” Bồng Lai trước đây, giữa một người tu thật và một người tu giả. Người tu thật luôn nhẫn nhục trước nghịch cảnh và nhận hết lỗi về mình, còn người tu giả khi gặp chuyện thì chối quanh và la hét phản kháng một cách thô bạo. Tôi không biết nhiều về Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, nhưng qua sự nhẫn nhục của ngài trước nghịch cảnh như vậy thật sự đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều, rằng giữa cuộc đời bề bộn này, vẫn còn đó những bậc tu hành, mà đạo hạnh của họ đủ để làm động lực cho ta tiến bước trên con đường đạo.
 
Điều đáng quý nữa ở đây là ngoài một số người làm khó chùa Kỳ Quang 2 và mắng chửi Hòa thượng thì hầu hết người dân đều tỏ ra thông cảm về sự cố ngoài ý muốn cũng như thể hiện sự quý kính và yêu thương ngài. Họ nhận thức được công lao của Hòa thượng trong quá trình xây dựng và phát triển ngôi chùa Kỳ Quang 2 cũng như tấm lòng của ngài trong việc chăm lo các trẻ mồ côi, phục vụ xã hội. Đây thật sự là một nguồn khích lệ lớn lao cho Hòa thượng nói riêng và Phật giáo nói chung trong công việc hoằng pháp lợi sinh, rằng lương tâm và đạo đức của con người vẫn còn đó, cái gì thật sự tốt đẹp sẽ được người ta nhận ra và quý trọng; rằng hãy làm việc tốt, dù trong âm thầm, vẫn không bị bỏ quên.
 
“Như voi chúa giữa trận
Hứng chịu cung tên rơi
Chịu đựng mọi phỉ báng
Những kẻ ác ở đời”.
 
Đó là lời Đức Phật đã dạy trong kinh Pháp cú (số 320). Những bậc chân tu không lay động trước những lời phỉ báng hay nỗi oan ức. Các ngài luôn vượt qua nghịch cảnh để tu luyện nội tâm và phụng sự cuộc đời. Thực tế luôn chứng minh rằng cái gì chân thật thì bất hư, chân lý như ngọc sáng, càng cọ xát với cuộc đời càng tỏa sáng vậy.