Những chiếc ly nhựa
GN - Tôi đã tham dự nhiều lễ đám ở các chùa, nhận thấy một điều liên quan đến bảo vệ môi trường, nay xin nói ra mong có sự đồng cảm, để giữ gìn Trái đất chúng ta đang sống.
Ảnh minh họa
Khoảng mười mấy năm nay, ly nhựa trở thành phổ biến, thì ngoài xã hội sử dụng rộng rãi, trong chùa cũng không ngoại lệ. Tôi đi dự những đám tang của chư Tăng, đám thất, rồi lễ Vu lan, lễ Phật đản… nói chung là rất nhiều lễ đám trong một năm. Lễ đám ít thì 300-500 người, đám lớn thì 1.000-2.000 người, và tất nhiên, ai cũng uống nước. Khu pha chế trao cho khách một ly nước trà đá, hoặc hột é, hoặc sâm lạnh, rau câu, sữa đậu nành v.v…
Chiếc ly ấy bằng nhựa, loại uống xong bỏ luôn, rất rẻ tiền và tiện lợi. Chính lý do rẻ tiền và tiện lợi, không cần rửa ráy, nên các chùa hầu như đều dùng. Uống xong, bỏ vô thùng rác, chẳng mấy chốc mà thùng rác đầy vun lên. Mà mỗi người đâu có uống một lần, họ đi dự lễ đám mấy tiếng đồng hồ, tất nhiên phải uống 2-3 lần. Nhân lên với số lượng ly, quả là một con số khổng lồ. Mới đây, tôi đi dự đám tang một vị Hòa thượng, cả ngàn người đến viếng, nhìn đống ly nhựa thải ra mà lòng tôi băn khoăn, ray rứt. Bởi tôi nhìn thấy một núi rác khổng lồ trải trên mặt Trái đất, và hàng trăm năm không phân hủy xong.
Chợt nghĩ, thế giới đang kêu gọi bảo vệ môi trường, hạn chế đồ nhựa, thì người Phật tử càng phải đi đầu làm gương. Những hàng quán bên ngoài cực chẳng đã họ phải dùng ly nhựa cho khách mang đi, mà giờ đây chúng tôi còn phải cố gắng mang theo bình nước để giảm thiểu số ly nhựa ấy. Còn hàng quán nào khách ngồi cố định tại bàn, thì đã chú trọng xài ly thủy tinh, hoặc ly nhựa có thể rửa tái sử dụng nhiều lần. Một quán cà-phê tên tuổi là H. còn xài ly nhựa loại dùng một lần, lập tức bị cộng đồng cư dân chụp hình và phản ảnh lên mạng xã hội. Ý thức người dân giờ đã cao hơn trước. Vì vậy người Phật tử chúng ta cũng không thể chủ quan xem thường dư luận.
Đối với nhà chùa, là nơi khách đến ăn uống ổn định tại chỗ, thì nên sử dụng ly thủy tinh cho sạch, hoặc nếu sợ bể thì dùng ly nhựa loại tốt, có thể rửa và dùng lại hàng trăm lần chưa hư. Rất đông người đến phụ việc, chỉ cần hai ba người lo rửa ly là xong. Chỉ cần đề cao tinh thần bảo vệ môi trường thì mọi người sẽ hưởng ứng, sẽ giúp chuyện rửa ly. Nhớ ngày xưa khi chưa có ly nhựa này thì nhà chùa cũng xài ly thủy tinh thôi, đâu có sao. Vậy mà bây giờ lại không làm được như xưa, lạ vậy?
Vấn đề nằm ở ý thức và giáo dục ý thức thôi. Chư tôn đức nên giáo dục vấn đề bảo vệ môi trường cho Phật tử tiếp thu, và chư tôn đức kiên quyết thực hiện, ra lệnh thực hiện trong các cuộc lễ đám, thì Phật tử nào dám cãi. Chúng ta không nên để người ngoài nhìn vào Phật giáo của mình với ánh mắt khó chịu.
Câu chuyện thả hoa đăng nhựa vừa qua là một kinh nghiệm. Người ngoài họ không nói dịu dàng đâu, mà họ quay cả clip đưa lên mạng rồi ý kiến rất nhiều, chúng ta không đỡ nổi. Phật giáo được người ta cảm tình rất nhiều, nhưng cũng chịu áp lực rất nhiều khi có sự cố. Bởi người ta tôn trọng mình, cho nên mình càng phải làm gương. Tôi là Phật tử nhiều năm gắn bó với Phật giáo, tôi mong chúng ta ngồi lại với nhau để nói thẳng thắn và làm cho hoàn thiện, đó mới là thái độ “yêu Phật giáo”. Chứ sự im lặng cho khỏe, im lặng cho khỏi mích lòng, thì chưa chắc là lòng yêu kính thật sự.