Phật tử phải kiên quyết từ bỏ rượu bia


Tôi đi dự đám tiệc và thấy có nhiều Phật tử ăn chay nhưng uống bia. Thức ăn cũng là tàu hủ, rau củ được chế biến nhưng thức uống lại là các loại bia. Tôi thắc mắc thì có người trả lời rằng: “Đức Phật chế giới không uống rượu chứ không có cấm uống bia”. Tôi không biết người này nói như thế để biện hộ cho việc phạm giới hay thật sự không hiểu ý nghĩa của giới không uống rượu thực chất là “không dùng các chất say”.

Có người lại lý giải theo cách khác: “Bia nhẹ hơn rượu, độ cồn thấp và không gây say xỉn như rượu. Hơn nữa, bia đâu phải là thực phẩm mặn chế biến từ loài động vật”…

Thiển nghĩ, mấy ngàn năm trước nếu có bia và các loại ma túy thì Đức Phật cũng nói đến và đưa vào giới luật. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu đúng về ý nghĩa tác dụng của giới không uống rượu là để tránh tình trạng lạm dụng rượu bia, tiêu thụ nhiều độc tố làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, suy giảm thể chất, tinh thần, lu mờ trí tuệ. Rượu bia nói riêng và các chất gây say gây nghiện nói chung còn khiến con người không tỉnh táo sáng suốt, không thể kiểm soát, làm chủ bản thân, rối loạn cảm xúc, tư duy và hành vi ứng xử, từ đó dễ phạm sai lầm, tội lỗi và gây ra nhiều tai nạn cho chính mình lẫn người khác, thiệt hại tài sản, sức khỏe, tính mạng.

Đương khi xã hội xem việc lạm dụng rượu bia là một tệ nạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, thì lý nào người Phật tử lại không kiên quyết nói không với rượu bia? Người Phật tử hiểu rõ về tác hại của rượu bia và các chất gây hại, lẽ nào lại không tránh? Cái tập quán, thói quen say sưa nghiện ngập không chỉ gây hại cho đời này kiếp này mà còn ảnh hưởng đến những đời kiếp sau. Trong hiện tại, thế hệ cha ông có quan niệm, lối sống liên quan đến rượu bia như thế nào thì con cháu cũng đi theo vết bánh xe đó.

Về phương diện truyền thống, di truyền, con cháu sẽ thừa hưởng phần lớn khí chất và đời sống văn hóa tinh thần, sự giáo dục của ông cha. Điều này các ngành di truyền học, y học, tâm lý học, giáo dục học…đều chứng minh như thế.

Riêng Phật giáo, trong kinh điển và giới luật của người xuất gia lẫn tại gia, Đức Phật dạy không được uống rượu, vì cái hại lớn nhất của rượu là làm mất giống trí tuệ. Trí tuệ là điều kiện cần của đời sống an lạc hạnh phúc, và là mục tiêu hướng đến sự nghiệp giác ngộ, giải thoát. Trong Sa di Luật nghi, giới không uống rượu viết: “Thà uống nước đồng nấu chảy, thận trọng không phạm vào rượu”. Kinh Trung A-hàm có nói: “Phàm người uống rượu có 6 điều lỗi: 1. Mất của, 2. Sinh bệnh, 3. Gây gổ, đánh nhau, 4. Mang tiếng xấu, 5. Khởi tâm sân, si, 6. Trí tuệ ngày càng lu mờ.

Trong kinh Phân biệt thiện ác sở khởi, Đức Phật chỉ rõ chi tiết về nhiều tác hại do rượu mang lại cho cá nhân, gia đình và xã hội: “Với người thế gian ưa uống rượu say phạm 36 lỗi”. Nên hạn chế bia rượu là việc cần thiết để giảm thiểu tình trạng bất ổn xã hội do hành vi của người say rượu gây ra, đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho chính mình và các thế hệ con em.    

Nhất là người Phật tử cần kiên quyết bỏ rượu bia. Bởi rượu bia là nguyên nhân dẫn đến hậu quả lu mờ tâm trí (si mê), đánh mất lòng từ bi (do sân hận). Khi uống bia rượu vào, người Phật tử không còn sáng suốt, dễ bị kích động, mất bình tĩnh, không kiểm soát được hành vi, ngôn ngữ và dễ dàng phạm giới, tạo các nghiệp bất thiện.

Say rượu bia có thể dẫn đến phạm các giới sát (đánh đập, hành hung người và vật). Phạm giới dâm (tà dâm, dâm loạn với vợ người, với ruột thịt, họ hàng thân thuộc, với những phụ nữ không phải là vợ của mình). Phạm giới vọng ngữ (chửi bới, mắng nhiếc, nói lời hung ác, xúc phạm, làm tổn thương người khác), đánh mất tư cách đạo đức. Người Phật tử nghiện rượu bia sẽ không phát triển được những giá trị đạo đức và tâm linh, không thành tựu được trí tuệ đưa đến an lạc, giải thoát trong đời sống hiện tại cũng như tương lai.