Quán Âm hay Quan Âm


HỎI: Tôi thường niệm danh hiệu Đức Bồ-tát Quán Thế Âm. Được biết trong kinh sách Phật giáo, có sách viết Quán Thế Âm (Quán Âm), có sách viết Quan Thế Âm (Quan Âm). Xin hỏi quý Báo, danh hiệu nào đúng?
 
(TRẦN HÒA, tranhoa19...@gmail.com)
 

Ảnh: Lưu Minh Tuấn
 
ĐÁP: Bạn Trần Hòa thân mến!
 
Quán Âm hay Quan Âm là cách gọi khác nhau của 觀音 (lược xưng của 觀世音, Phạn ngữ: Avalokitesvara). Chữ 觀 (Guan) có hai âm Quan và Quán. Quan có một số nghĩa là xem, nhìn, quan sát. Quán có nghĩa là xem xét kỹ lưỡng, quán chiếu thâm sâu, quan sát tường tận. Quan là nghe, nhìn thông thường của giác quan; nhận biết về một cái gì đó. Quán thiên về tuệ giác, thấy rõ như thật bản chất của các pháp như nó đang là; thấy nghe với tuệ giác vô thường, vô ngã. Quán Thế Âm là lắng nghe, quán xét sâu sắc âm thanh khổ đau cầu cứu của thế gian để cứu độ. Quán Tự Tại là quán chiếu sâu sắc thân năm uẩn không có tự tính nên được tự tại, vượt thoát khổ ách.
 
Như vậy, mặc dù hiện nay xưng tán danh hiệu Quan Âm hay Quán Âm đều được, tùy thói quen của mỗi người. Nhưng xét theo ngữ nghĩa thì Quán Âm (Quán Thế Âm) hợp với hạnh nguyện của Ngài hơn.