Thấy gì qua các ngôi cổ tự là "Di tích quốc gia"?


Kỳ 1: “Nghe những tàn phai”

Nhắc đến hai từ “di tích”, chúng ta hẳn sẽ nghĩ về những gì cổ kính, thiêng liêng, mang đậm tính chất lịch sử đáng trân trọng. Cũng vậy, chùa di tích là nơi tồn tại những cơ sở căn bản và tiêu biểu, không chỉ về kiến trúc mỹ thuật, mà còn góp phần làm nền tảng cho đời sống tín ngưỡng - tôn giáo của một vùng đất. Bởi lẽ đó, những di tích chùa cổ lại càng nên được nhìn nhận trên một góc độ cao hơn, đó là “văn hóa”.

Tuy nhiên, cho đến nay, những ngôi cổ tự được công nhận là di tích cấp quốc gia tại TP.HCM có đang thật nhận được sự quan tâm đúng với danh hiệu cao quý đó?

Những di tích kêu cứu

Thực tế khảo sát cho thấy, rất nhiều ngôi già-lam được xem là “di tích” trên cả nước nói chung và tại địa bàn TP. HCM nói riêng, đã và đang đau đớn chịu cảnh tàn phai dưới nhiều tác động khác nhau. Điển hình nhất phải nhắc đến chùa Giác Viên (tọa lạc tại số 161/35/20 Lạc Long Quân, P.3, Q.11), một trong những di tích là đề tài “nóng”nhất của dư luận suốt những năm vừa qua.


Mặt sau chánh điện chùa Giác Viên hiện nay - Ảnh: Bảo Toàn

Tại đây không chỉ lưu giữ những giá trị nghệ thuật độc đáo về điêu khắc tượng thờ mang tính hiện thực, hay chạm lộng trên bao lam với đường nét được dân gian hóa đặc sắc, mà còn là nơi có quần thể kiến trúc chùa cổ và tháp Tổ đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, với một bề dày lịch sử tôn giáo rõ nét. Nhận thấy điều đó, năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định công nhận chùa Giác Viên là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.

Theo thời gian “do kiến trúc chùa được trùng tu những năm đầu thế kỷ XIX, nên đã mất đi đường nét cổ kính, nhưng vẫn còn lại bộ khung gỗ sườn mái và hệ thống tượng thờ, hoành phi, bao lam có giá trị nghệ thuật” - trích Di tích lịch sử văn hóa TP. HCM, Nxb Trẻ, 1998.

Hiện nay, kiến trúc chùa vẫn là mặt bằng dạng chữ Tam (gồm 3 dãy nhà: chánh điện, nhà trai và giảng đường), bố trí theo quy cách “tiền Phật, hậu Tổ”, vẫn mái ngói bánh ít, sườn kiểu tứ tượng…; tuy nhiên, giờ đây thật khó để du khách đặt chân đến cổ tự Giác Viên và hình dung được một di tích kiến trúc - nghệ thuật như thế. Thay vào đó, hiện ra trước sự ngỡ ngàng của mọi người là một Giác Viên xập xệ, với hàng mái ngói bị xô lệch, rơi vỡ; xà nóc thủng dột; những hệ thống kèo cột mối mọt nghiêm trọng, được bó tạm bằng những vỏ xe gắn máy hoặc dây thép, hay lấy thang chống đỡ qua ngày; những dãy nhà Đông lang - Tây lang, nhà trù đã hoàn toàn sụp đổ và bị bỏ hoang. Còn chưa kể đến những ngày mưa, nước ngập lênh láng cả chánh điện.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước ở chùa. Thứ nhất là do đất chùa nằm ở vị trí khá trũng, dễ ứ đọng nước. Sau cũng phải kể đến những công trình thoát nước của Khu du lịch Đầm Sen và của nhà nước trước đây tính toán chưa tốt, dẫn đến việc thoát nước chậm vào ngày mưa lớn. Nhưng hiện nay, tình trạng này đã được khắc phục khá nhiều” - HT.Thích Thiện Xuân, một trong những vị thuộc Ban quản tự chùa Giác Viên cho biết.


Một góc mặt trước chùa bị hư hại nghiêm trọng - Ảnh: Bảo Toàn

Ngoài sự xuống cấp do tác động của khí hậu, sự thoái hóa của các chất liệu, kết cấu theo thời gian… các di tích chùa cổ còn đang chịu sự xâm hại lớn từ phía con người. Tiến vào hai cột trụ (chống tạm phía sau bằng một khúc gỗ để không bị sụp ngã) được cho là cổng chùa Giác Viên, khách hành hương không khỏi bàng hoàng trước cảnh tượng trơ trọi, đổ nát. Đi sâu vào một con hẻm trên đường Lạc Long Quân, những tưởng khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh vốn có của một ngôi già-lam sẽ hiện ra trước mắt, thì đổi lại, những cuộc nhậu nhẹt, bài bạc, những ánh nhìn không mấy thiện cảm dọc đường đi cũng đủ làm người ta phải dè chừng.

Vào khu vực tháp Tổ, nơi lưu giữ hài cốt những vị Tổ sư, trụ trì nhiều đời của chùa, đáng ra phải là chốn tôn nghiêm thì lại trở thành nơi tập kết rác thải; giẻ lau, áo quần, giày dép… cũng vô tư “nằm phơi nắng” giữa trời, vừa làm mất đi mỹ quan chốn thiền môn, vừa thiếu tôn kính đối với các bậc Tổ sư đã viên tịch. Về vấn đề này, HT.Thích Thiện Xuân nói rõ: “Rất nhiều hộ dân quanh chùa, lấn đất rồi định cư luôn, họ sinh hoạt và vứt rác bừa bãi vào khu tháp Tổ. Thậm chí, hồi trước khu vực này có rào rất trang nghiêm, vậy mà họ ngang nhiên cắt phá. Ban đêm thì xe rác lén vào đổ rác, xà bần, chùa không kiểm soát được. Nhiều lần cũng báo lên công an, chính quyền, nhưng cũng chẳng tác dụng”.

ĐĐ.Thích Từ Phát, Ban quản tự chùa Giác Viên, chia sẻ thêm: “Cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ chính quyền. Vì chùa mình cũng chưa có tường rào, nên nhiều xe chở rác, hay các hộ dân cứ tự do vào vứt rồi đốt rác. Các thầy lên tiếng thì họ cự lại, có khi còn kéo nhau chửi bới, thái độ rất hung hăng, mình cũng không dám nói nữa”. Hiện nay, tình trạng hơn 30% đất di tích bị lấn chiếm làm nhà ở kiên cố, gây mất vệ sinh môi trường và trật tự an ninh khu vực trước cổng chùa vẫn đang còn diễn ra rất phức tạp.

Ý thức bảo vệ “của chung”

Việc những ngôi già-lam được treo danh hiệu di tích cấp quốc gia lại bị xâm hại một cách nặng nề như vậy, thậm chí một vài nơi còn đang dần trở thành “phế tích” nếu không kịp thời “cấp cứu”, nguyên nhân là do đâu?


Tây lang bị sụp đổ, hoang phế - Ảnh: Bảo Toàn

Được hỏi về vấn đề này, HT.Thích Thiện Xuân chia sẻ: “Chùa Giác Viên có xin trùng tu khi mới bị hư chút ít thôi, từ năm 2001, khi vị trụ trì cũ chưa mất. Tới nay, về văn bản vẫn chưa thấy có hồi đáp cho việc mình xin ra sao. Còn nói miệng thì quận, rồi Sở Văn hóa - Thể thao có nhận sẽ xin cấp phép. Vì chùa mình là chùa di tích nên phải xin ý kiến Bộ, UBND TP chứ không tự ý làm được. Nói vậy rồi họ làm thinh, tới giờ đã gần 15 năm, quý thầy xót đó, nhưng cũng không dám sửa chữa gì”.

Sự việc kêu gọi trùng tu chùa Giác Viên bắt đầu lan rộng có thể nói là từ năm 2009, sau khi những bài báo với nhan đề “Di tích quốc gia quá nhếch nhác”, “Xót xa ngôi chùa cổ đổ nát”, hay “Cứ nói trùng tu suốt 10 năm chẳng thấy”… xuất hiện trên nhiều trang báo khác nhau, cho thấy đã có sự quan tâm mạnh mẽ từ phía dư luận đối với vấn đề quản lý các di tích, nhất là các di tích kiến trúc - nghệ thuật chùa cổ nói chung và cổ tự Giác Viên nói riêng.

Đăng trên Thanh Niên  (số ra ngày 4-8-2014), Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP. HCM cho biết: “Hiện lãnh đạo TP.HCM, Q.11 và Sở đã lên kế hoạch trùng tu chùa. Mọi phương án đang được họp bàn”, về phía Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM - Giám đốc, ông Trương Kim Quân giải thích rằng, vì kinh phí thực tế khi trực tiếp tiến hành khảo sát là quá cao nên khó được duyệt (từ vài tỷ lên đến 50 tỷ), đồng thời vẫn lấp lửng: “Sở đang làm công văn gửi UBND TP.HCM duyệt dự án. Hiện cũng chưa biết là năm nay có thể trùng tu chùa được hay không”.

Trước sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận thì đến cuối năm 2015, sự việc mới được lắng xuống khi Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận ký Quyết định số 5700/QĐ-UBND ngày 6-11-2015, phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo chùa Giác Viên (dự tính hoàn thành trong 2 năm), với kinh phí lớn nhất từ trước đến nay, hơn 51,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính đến hiện tại, tức tháng 3-2016, vẫn chưa có động thái nào từ cơ quan chức năng trong việc khởi công công trình này. Về phía nhà chùa: “Hiện vẫn chưa nhận được giấy thông báo chính thức, nhưng Ủy ban có cử người xuống giải thích, do cần đặt mua gỗ tốt, nguyên vật liệu đúng tiêu chuẩn để trùng tu chùa theo nguyên bản, nên phải mất nhiều thời gian chờ đợi. Vì vậy, sớm nhất là tháng 6 và trễ nhất là tháng 9 năm nay mới khởi công được” - HT.Thích Thiện Xuân cho biết.

Qua đó, việc ban ngành hữu quan bị chất vấn trong khâu quản lý là khó tránh khỏi. Vì sao, sự việc như vậy diễn ra với một di tích cấp quốc gia lại phải đợi đến 15 năm sau mới được xem xét và giải quyết? Và nếu thanh tra, trùng tu ngay thời điểm sớm nhất, chứ không đợi báo chí phản ánh nhiều rồi mới tiến hành “khảo sát dân tình”, thì liệu có xảy ra việc “cổng chùa Giác Viên chỉ còn trơ hai cột trụ mục nát” không? Bên cạnh trách nhiệm từ chính quyền các cấp, việc kêu gọi ý thức bảo vệ “tài sản chung” của người dân và cả người trực tiếp cai quản di tích cũng là vấn đề cần hết sức cân nhắc. Đồng thời, những phức tạp trong quy trình báo cáo, tiếp nhận và xử lý về việc trùng tu di tích theo pháp luật cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự xuống cấp nghiêm trọng của các di tích, đặc biệt là các di tích kiến trúc - nghệ thuật.


Chùa Giác Viên bị ngập nước vào mùa mưa - Ảnh chụp tháng 11-2015 (Tư liệu thanhnien.vn)


Hệ thống điện mắc nối cẩu thả, ẩn chứa nguy cơ chập cháy - Ảnh: Bảo Toàn

 Giao Hảo

-------------------------

* Mời bạn đọc đón xem tiếp kỳ 2 trên vhpgvn ra ngày thứ 5 tuần này, 1-9: Gần như niềm tuyệt vọng- Bị ràng buộc bởi các quy định pháp lý đối với một di tích cấp quốc gia, trong lúc với sự tác động của thiên nhiên và cả sự xâm phạm của con người, các di tích đang bị “tàn úa” theo thời gian. Những vị giáo phẩm trực tiếp quản lý ở các di tích và chuyên gia về Luật nói gì về thực trạng quản lý các di tích hiện nay?