Thiền sư Việt Nam- Người trí thức thời đại
Hình tượng “Thiền sư- người trí thức thời đại” xuất hiện ở Việt Nam rất sớm.
Đầu thế kỷ III, Khương Tăng Hội đã truyền bá Thiền học tại Việt Nam, trước khi Thiền sư Tỳ-Ni- Đa- Lưu- Chi, người Ấn Độ, đến chùa Pháp Vân (chùa Dâu) vào năm 580.
Thiền của Khương Tăng Hội là An Ban Thiền, tức là phép tu Thiền niệm hơi thở ra, thở vào do chính Phật Thích Ca Mâu Ni truyền dạy cho các đệ tử khi ngài còn tại thế.
Khương Tăng Hội là ông Tổ Thiền học Việt Nam
Cha mẹ Tăng Hội sinh quán ở Khương Cư (xứ Udơbếch), di cư sang Ấn Độ, rồi sang buôn bán và lập nghiệp tại Giao Châu. Tăng Hội sinh ra trên đất Giao Châu. Mười tuổi, cha mẹ đều mất, Tăng Hội xuất gia học Phật ở Giao Châu, tu tập tinh tiến. Ông thông minh, tính tình chân thật, chăm học kinh điển, giỏi cả Phạn ngữ và Hán ngữ. Khương Tăng Hội thông hiểu tam tạng, lục kinh, toán, số, thiên văn, văn chương và chính trị.
Khương Tăng Hội dịch nhiều kinh chữ Phạn ra chữ Hán và viết tựa kinh An Ban Thủ Ý, biên tập chú sớ các kinh khác.
Sau một thời gian hành đạo ở Giao Châu, biết miền Giang Đông- Trung Quốc chưa có đạo Phật, Khương Tăng Hội đến Kiến Nghiệp, thủ đô nước Ngô vào năm 247 cất một túp lều tu và mở trường giảng Phật.
Vua Ngô Tôn Quyền thấy Ngài đức độ, thông thái, uyên bác, nhiều phép lạ, giáo hoá dân sống thiện, lấy làm tín phục và xây dựng ngôi chùa Kiến Sơ, thỉnh Ngài về dạy đạo Phật, làm cho Phật giáo nơi đây thịnh hành. Ngài tịch khoảng năm 280.
Sách “Lương Cao tăng truyện” của Huệ Hạo (Trung Quốc) đánh giá cao Khương Tăng Hội: “Một người trác tuyệt và có đặc tài, học thức và cởi mở, tính tình chân thực, thích nghiên cứu. Ông giảng Tam tạng kinh điển thật rõ ràng, khảo sát lục thư với tinh thần vô cùng khoáng đạt, đọc nhiều sách thiên văn, và cả những sách không thuộc nội điển… giỏi công xảo và là một thiên tài văn chương”.
Khương Tăng Hội là hình mẫu “Thiền sư- Người trí thức thời đại” đầu tiên của Việt Nam, được vua trọng dụng và nhân dân tin kính.
Sau Khương Tăng Hội, các Thiền sư Việt Nam với phương pháp tu Thiền, đã sản sinh nhân cách Thiền sư- người trí thức, góp phần vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và xây nền văn hoá dân tộc.
Có thể kể ra rất nhiều tên tuổi các Thiền sư- người trí thức buổi đầu như: Thích Đạo Thiền, Thích Huệ Thắng, Pháp Hiền, Cảm Thành, Thiện Hội, Trưởng lão La Quí… đều là những bậc khai sáng xã hội, giúp vua điều hành vận nước. Họ luôn hiện rõ bản lĩnh người trí thức. Trưởng Lão La Quí (852- 936) di chúc:
Trị minh vương tắc xuất
Ngộ ám tối tắc tàng
Dịch:
“Gặp vua sáng thì hiện
Thấy vua tối nên ẩn”
Nhân cách “Thiền sư- người trí thức thời đại” đã xuất hiện nhiều vào thời Đinh và tiền Lê, là Tinh hoa Phật giáo qua các mặt văn hoá, tư tưởng, chính trị, cùng vua dựng nước và giữ nước, sản sinh ra những nhân vật Phật giáo trí thức- Tinh hoa dân tộc.
Thiền học- Phép tu siêu việt
Nghiên cứu tinh hoa Phật giáo toả sáng từ các Thiền sư- người trí thức thời Đinh và tiền Lê, chúng tôi nhận thấy mấy đặc điểm sau:
Một là, các vị Thiền sư giác ngộ đạo Phật. Đó là một đạo sống, con đường sống, một triết lý sống. Đạo Phật đã dạy con người phương thức sống và suy nghĩ, một lối thực hành trong đời sống cá nhân, để diệt khổ, tiến tới giác ngộ và giải thoát.
Hai là, các Thiền sư học Phật, tu theo Phật, thấu lẽ vô thường, tự thực hành giải thoát khỏi xiềng xích của dục vọng, diệt tham, sân, si, sống an lạc, tự tại, xoay lại tìm mình, tu thân theo Bát chính đạo: Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định, Chính kiến, Chính tư duy.
Ba là, Thiền học- Phép tu siêu việt.
Theo các nhà nghiên cứu Phật học, Trung tâm Phật giáo Luy Lâu- Giao Chỉ hình thành sớm nhất khu vực lãnh thổ quốc Hán. Phật giáo Luy Lâu ảnh hưởng Phật giáo Ấn Độ năng động, không cố chấp, không giáo điều, bình đẳng, nhiệt tình. Đạo Phật thích ứng phong tục, tập quán, lịch sử, chính trị của các quốc gia mà nó du nhập. Phật giáo Luy Lâu hoà hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thần của cư dân lúa nước.
Song rất may cho chúng ta, Phật giáo không rơi vào thần quyền, bởi các nhà sư Ấn Độ đầu tiên sang Luy Lâu đã truyền dạy Thiền như Ma Ha Kỳ Vực. Ngài giảng trước đám đông: “Giữ miệng, nhiếp thân, ý, cẩn thận, chớ phạm ác, tu hành mọi điều thiện, như vậy độ được đời”.
Kỳ Vực nhấn mạnh sự thực hành Thiền định “Tám tuổi tuy đọc, trăm tuổi không hành thì đọc ích gì. Mọi người ai cũng kính trọng người đắc đạo, nhưng không biết làm để tự mình đắc đạo. Đáng thương thay! Lời ta tuy ít, nếu người nghe theo, làm lợi sẽ rất nhiều”.
Thế kỷ III. Giao Châu xuất hiện dòng Thiền Khương Tăng Hội. Khương Tăng Hội phiên dịch chú giải nhiều kinh sách tiếng Phạn sang tiếng Hán. Trong đó có hai bộ được Chavannes dịch ra tiếng Pháp. Hai bộ này Khương Tăng Hội minh hoạ sáu hạnh Ba- la- mật của Bồ Tát: hạnh bố thí, hạnh trì giới, hạnh nhẫn nhục, hạnh tinh tấn, hạnh Thiền định và hạnh trí tuệ.
Hạnh Ba- la- mật nghĩa là đến bờ bên kia, đến đích hoàn thiện.
Trong các bộ kinh do Khương Tăng Hội dịch, có những bộ kinh có ảnh hưởng lớn đến Thiền học Việt Nam.
Bộ kinh “Bát thiên tụng Bát Nhã” sớm được Khương Tăng Hội dịch ở Giao Châu cho thấy chủ đề “chân không” có ảnh hưởng rất lớn đến Thiền học Việt Nam, đặc biệt Phật giáo Lý- Trần.
Khương Tăng Hội còn chú giải cuốn “An Ban thủ ý” dạy phép đếm hơi thở ra, vào để điều tâm. Đây là phép tu Thiền siêu việt của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được Khương Tăng Hội- ông tổ Thiền sư Việt Nam, truyền sang các Thiền sư Việt, ngót hai nghìn năm qua, để họ đạt tới trí tuệ Bát Nhã, trở thành những trí thức thời đại, khai mở và phát triển văn hiến Việt Nam.
Đây cũng là phép bí truyền phương Đông. May mà ngày nay, phép “thở” này đang được truyền bá rộng rãi ở Việt Nam, châu Á, phương Tây và toàn cầu (Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết nhiều sách dạy cách Thiền thở- dịch ra nhiều thứ tiếng).
Sau này các dòng Thiền vào Việt Nam đều chú trọng tu định, qua Thiền định mà trí tuệ Bát Nhã bừng sáng.
Phái Thiền Tì- Ni- Đa- Lưu- Chi với tư tưởng vượt lên cái “không” và “hữu” rất coi trọng việc tu định, tham Thiền. Thiền sư Quán Duyên, học trò của Lưu Chi, sau khi Thầy tịch đã “thẳng vào Từ Sơn, tu tập Thiền định, hình như cây khô, vật ngã đều quên, người đến học không đếm xiết. Thiền học phương Nam, nhờ thế mà thịnh”.
Thế kỷ IX. Dòng Thiền Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc sang với tư tưởng “Chân lý không ở đâu xa, ở ngay hiện tiền, trong bản thân mỗi con người”. “Tâm tức Phật”.
Thiền sư Vô Ngôn Thông với phương pháp “đốn ngộ”, giác ngộ đến bất ngờ, trong phút chốc, lúc Thiền định, ánh sáng của trí tuệ Bát Nhã loé lên. Không nhiều lời vô ích.
Thiền định giúp con người tập trung tư tưởng, ý nghĩ không tán loạn, sẽ nhìn thấy sự vật với con mắt sáng suốt, đầu óc tỉnh táo, trí tuệ Bát Nhã bừng sáng và đến một trình độ tu tập nhất định, có thể đạt được quyền năng “siêu nhiên”, “phép lạ”.
Thiền định trong hơi thở giúp con người nối hai bờ tâm lý và sinh lý, trở về với chính mình trong phút giây hiện tại, tiếp xúc với cảnh giới màu nhiệm của cuộc sống. Mỗi bước đi như nở hoa sen, tâm hồn an nhiên tự tại, thêm yêu người yêu vạn vật thế gian, cảm nhận được hạnh phúc, yêu thương xoá dần những tham, giận, si mê…
Phép Thiền thở để điều tâm, Phật Thích Ca Mâu Ni dạy chúng ta trên hai nghìn năm nay, tưởng dễ mà rất khó, nếu ai đó không chịu thực hành.
Những Thiền sư Việt Nam đã biết Thiền định theo Phật ngay từ thủa đất nước sơ khai, đạt tới trí tuệ siêu việt, ngôn ngữ siêu việt, làm được những việc siêu phàm, được vua và dân tôn làm người trí thức thời đại.
Điều này đã được chứng minh và lý giải qua các nhân vật Tinh hoa Phật giáo thời Đinh và tiền Lê mà chúng tôi gọi là hình tượng “Thiền sư- người trí thức thời đại”.
(Trích tham luận “Thiền sư- người trí thức thời đại” tại hội thảo khoa học “Phật Giáo Thời Đinh và Tiền Lê Trong Công Cuộc Dựng Nước và Giữ Nước” của nhà văn Mai Thục)