Thịt nhân tạo từ thực vật, trào lưu ẩm thực mới ở Hồng Kông


Doanh nhân trẻ David Yeung với thương hiệu thịt giả Omnipork.

Nhu cầu thịt chế tạo từ thực vật ở Trung Quốc ngày càng tăng, đã tạo nên hàng chục công ty khởi nghiệp chuyên lĩnh vực này. Các công ty hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ cũng tham gia làn sóng này.


Bệnh tả heo châu Phi càn quét hơn nửa đàn heo ở Trung Quốc (khoảng hơn 300 triệu con), khiến lượng thịt heo, bò và gà nhập khẩu tăng mạnh. Tốc độ tiêu thụ thực phẩm của quốc gia đông dân nhất thế giới đã đẩy giá các loại thịt tăng nhanh, gây tác động mạnh đến kinh tế thế giới.

Trào lưu thịt nhân tạo

Planet Green là nhà hàng chay ở Thâm Quyến, bắt đầu đưa ra các loại burger với thịt làm từ thực vật với giá 88 tệ, khoảng 290.000 đồng, trong khi giá một phần burger ở các chuỗi thức ăn nhanh chỉ 10 – 50 tệ. Từ khi giới thiệu sản phẩm mới, Planet Green đã bán trên 10.000 burger các loại thịt mới chỉ trong ba tháng đầu. “Ngon bất ngờ, tôi cứ nghĩ đó là thịt thật”, một cô gái trẻ ở độ tuổi 20, nhận xét.

Chuỗi đồ chay Green Common ở Hong Kong cũng đưa thịt nhân tạo giả vào menu. Một trong những món ngon nổi tiếng ở đây là New Hakata Ramen, với loại thịt heo nhân tạo tên Omnipork, làm từ đậu nành, đậu xanh, nấm và gạo – hương vị khác biệt và hấp dẫn so với thịt heo thật.

Planet Green là nhà hàng chay ở Thâm Quyến, bắt đầu đưa ra các loại burger với thịt làm từ thực vật với giá 88 tệ, khoảng 290.000 đồng, trong khi giá một phần burger ở các chuỗi thức ăn nhanh chỉ 10 – 50 tệ. Từ khi giới thiệu sản phẩm mới, Planet Green đã bán trên 10.000 burger các loại thịt mới chỉ trong ba tháng đầu.

Right Treat, một startup Hong Kong chuyên về thịt nhân tạo, mất hơn hai năm để tạo ra sản phẩm mới. Công ty bắt đầu bán Omnipork đến các nhà hàng ở Hong Kong vào năm 2018, và nay sản phẩm của họ có mặt tại khoảng 1.000 điểm ăn uống. Họ dự định sẽ bán ở đại lục cuối năm nay.

Trung bình một người Trung Quốc tiêu thụ 74 ký thịt mỗi năm, gồm thịt heo, gà hoặc bò, tăng 30% trong 15 năm qua. Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu thịt lớn nhất thế giới. Đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi đã tàn phá đàn heo nước này, khiến giá thịt heo tăng gấp đôi trong năm qua.

Thương hiệu thịt nhân tạo Omnipork được phát triển từ loại đạm thực vật được hoà với hương vị và độ mềm như thịt heo bằm thật. Ảnh: CNBC.

Thịt nhân tạo hiện mắc hơn thịt thật khoảng 50%. Nhưng các công ty Trung Quốc đang cố gắng tìm cách giảm giá thành.

Phương Tây để ý

Trong khi đó, các công ty phương Tây đang để mắt đến thị trường Trung Quốc. Beyond Meat của Mỹ muốn mở rộng thị phần ở đại lục, qua hợp tác với Green Common của Hong Kong.

Thành lập năm 2015 với số vốn 147 triệu USD và qua đợt chào bán cổ phiếu công khai vào giữa năm nay, Beyond Meat hiện được định giá trên 9 tỷ USD. Nick Cooney, một trong những nhà đầu tư chủ chốt của Beyond Meat, đang đưa mô hình thành công ở Hoa Kỳ sang Trung Quốc, thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm mới thành lập Lever VC. “Chúng tôi thật sự hứng thú với các công ty chế tạo thịt nhân tạo phù hợp với truyền thống ẩm thực địa phương. Cơ hội thị trường ở đất nước này thật to lớn”, Cooney phát biểu.

Theo tổ chức phi lợi nhuận Good Food Institute, công nghệ thịt chế biến từ thực vật của Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng trên 14% mỗi năm, trong vòng năm năm qua, và đạt doanh số 910 triệu USD trong năm 2018. Con số này vượt quá doanh số bán lẻ thịt nhân tạo, chỉ đạt 767 triệu USD ở Hoa Kỳ.

Theo số liệu của OECD, Trung Quốc chiếm 1/3 lượng thịt tiêu thụ toàn cầu, trong đó thịt heo chiếm hơn 50%. Bệnh tả heo đã đẩy nguồn cung thịt heo và số lượng tiêu thụ xuống mức thấp kỷ lục trong năm năm qua. “Nguồn cung đạm động vật của Trung Quốc hầu như sụp đổ. Bệnh tả như chất xúc tác, thúc đẩy thị trường đạm thực vật tăng trưởng”, David Yeung nhận xét.

Tuy vậy, trào lưu chuyển đổi sang ăn chay ở Trung Quốc chưa lớn mạnh như ở các nước phương Tây. Thị trường thịt giả này hiện chỉ là thị trường ngách, chưa có đột phá về chế tạo để tạo ra hương vị và thớ thịt mịn – điều tiên quyết để giành cảm tình của người thích ăn thịt.

Albert Tseng, nhà đồng sáng lập của công ty khởi nghiệp Dao Foods, hy vọng sẽ thay đổi điều đó. Công ty của Tseng cùng với quỹ đầu tư New Crop Capital ở San Francisco, đang phát triển công nghiệp đạm thay thế và tìm kiếm cơ hội ở Trung Quốc.

“Có nhiều công ty chế biến món ăn đạm thực vật tại Trung Quốc trong ba bốn thập kỷ qua. Nhưng họ chỉ tập trung vào 2 – 3% dân số ăn chay theo đạo Phật. Nhiều công ty giờ đã nhận ra những gì mà Beyond Meat hay Impossible Foods đang làm, và họ tin rằng họ có thể tiếp cận thị trường thịt mới này”, Tseng nhận xét.

Dao Foods kết nối các doanh nghiệp có năng lực sản xuất với nhau. Đây là những doanh nhân thế hệ mới, am hiểu thị trường tiêu dùng trẻ của Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ và bảo vệ môi trường. Nhưng đối với Tseng, thị trường thịt chế tạo từ thực vật của Trung Quốc đi sau Hoa Kỳ sáu hoặc bảy năm. “Nhưng chúng ta đều biết rằng Trung Quốc sẽ tăng tốc rất nhanh”, Tseng nhận định và chỉ ra rằng người Trung Quốc vốn có truyền thống uống trà, nhưng giờ đây họ tiêu thụ cà phê thuộc hàng đầu thế giới.

Am tường văn hoá

Nhưng để đột phá được thị trường lớn nhất thế giới đang có khuynh hướng “khó tính” hơn, cần có sự am tường văn hoá ẩm thực Trung Hoa. Green Common trở thành nhà phân phối nước ngoài đầu tiên của Beyond Meat vào năm 2015, và nhanh chóng giới thiệu sản phẩm Omnipork.

“Đối với người Hoa, thịt heo là thực phẩm chính, là nguyên liệu nền cho mọi món ăn”, Yeung giải thích. Nhà doanh nghiệp trẻ nói món dumpling nhân tôm trong các món dimsum hay món mì cay Dandan của Tứ Xuyên, đều có thịt bằm trong đó, dù rằng nguyên liệu không được nhắc đến trong món ăn.

Với quan sát đó, Omnipork được phát triển từ loại đạm thực vật được hoà với hương vị và độ mềm như thịt heo bằm thật.

“Các công ty lớn của Hoa Kỳ như Beyond Meat tập trung nghiên cứu các sản phẩm dành cho thị trường phương Tây, vì thế các loại thịt kèm với burger của họ rất ngon. Trong khi đó, chúng tôi lại sáng tạo các sản phẩm sử dụng cho các món châu Á, như xúp hoành thánh chẳng hạn”, nhà sáng lập Right Treat David Yeung cho biết.

Right Treat dự định sẽ sớm tiến sang các thị trường châu Á khác, như: Thái Lan, Đài Loan và Nhật Bản, đưa Omnipork có mặt ở 15.000 điểm ăn uống vào cuối năm nay hay tết Nguyên đán.

“Chúng tôi sẽ đẩy nhanh sản lượng bằng cách làm việc với các nhà thầu khác trên thế giới”, Yeung phát biểu. Ông chủ trẻ cũng nhấn mạnh rằng làm chủ công nghệ sản xuất có ý nghĩa quan trọng, hơn là sự xuất hiện rộng khắp và nguồn tài chính dồi dào. Yeung nói rằng “rất cởi mở” với các hình thức huy động vốn, miễn là các hình thức này “sẽ giúp công ty tăng trưởng và tạo ra các loại thực phẩm thân thiện môi trường”.

“Chúng tôi không cố sức thuyết phục ai cũng phải ăn chay. Mục tiêu của chúng tôi là giảm thiểu tiêu thụ thịt động vật càng nhiều càng tốt, để bớt áp lực cho môi trường thiên nhiên của chúng ta”, Yeung nói.

Nhu cầu thế giới với thịt nhân tạo có thể tăng 80% và đạt giá trị hơn 21 tỷ USD trong giai đoạn 2018 – 2025. Các nhà đầu tư và các công ty sản xuất tin rằng: cũng như trong lĩnh vực công nghệ cao, ngành chế tạo thịt từ thực vật là đường đua song mã dành cho các công ty Hoa Kỳ và Trung Quốc mà thôi!Mối quan tâm với thịt nhân tạo gia tăng, cũng tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu của Yantai Shuangta Food tăng gấp ba so với đầu năm. Tập đoàn chế biến thịt lớn nhất Trung Quốc – WH Group – có giá cổ phiếu tăng 20%. Các tỷ phú Hoa Kỳ và Trung Quốc đều bỏ vốn vào các tập đoàn hái ra tiền này. Nhà sáng lập Microsoft Bill Gates có cổ phần trong cả Beyond Meat và đối thủ Impossible Foods, trong khi tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành có cổ phần lớn ở Impossible Foods.


Nguyên Thảo (theo TGHN)