Tính dung dị của người Việt
Mỗi dân tộc đều có một lối sống, quan niệm sống khác nhau. Nó được thể hiện qua cách cư xử trong cuộc sống hàng ngày và nó bàng bạc trong triết lý, sử sách, lời ca câu hát. Nay tôi xin trở về với kho tàng văn hóadân gian của dân tộc tức Tục Ngữ và Ca Dao để tìm hiểu những tính tốt mà những đức tính này không phải chỉ là nền tảng cho sự thành công của cá nhân người Việt mà còn giúp cả cộng đồng, đất nước chúng ta:
-Dễ dàng hòa nhập với cộng đồng thế giới.
-Theo kịp đà tiến hóa của nhân lọai, không bị lạc hậu.
-Giao hảo với các nước láng giềng, sẽ không gây chiến tranh tôn giáohoặc can dự vào những cuộc chiến tranh tôn giáo.
-Đất nước sống trong hòa thuận và không làm khổ nhau.
-Gia đình là tổ ấm tốt lành vì không bị ràng buộc bởi những qui tắc đạo đức và tín điều khắc nghiệt.
Cứ thử nhìn vào sự thành công của khối ba triệu người Vịệt hải ngọai trên mọi lãnh vực thì sẽ thấy. Ngòai sự thông minh, hiếu học, cần cù chịu thương chịu khó, chúng ta còn có những đức tính khác nữa làm nền tảng cho sự thành công. Giả dụ, chúng ta có đầy đủ những tính tốt nói trên, nhưng nếu truyền thống văn hóa và con người chúng ta bị ràng buộc bởi những tín điều hoặc qui tắc đạo đức khắc nghiệt khiến xung đột với dân bản xứ. Khi xung đột với dân bản xứ như vậy thì chúng ta chỉ còn nước quây quần trong cái “ốc đảo” của mình. Và như thế thì làm sao khá được?
Giả dụ trong huyết quản chúng ta có máu kỳ thị chủng tộc, giả dụ chúng ta khó chơi, không chan hòa, cởi mở với mọi người thì người Việt chúng ta có thành công như ngày hôm nay không? Hỏi tức là trả lời. Người Việt chúng ta chắc chắn không có những tính đó. Tôi dám bảo đảm rằng nếu người Việt chúng tasinh sống ở Ấn Độ sẽ kiêng cữ không ăn thịt bò để không làm tổn thương đến tín ngưỡng của dân bản xứ. Nếu có sống ở một nước Hồi Giáo như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ ...cũng sẽ không ăn thịt lợn để xúc phạm đến Hồi Giáo. Và hiển nhiên là người Việt đang sinh sống ở Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Đại Lợi, Canada…đã không ăn thịt chó để chứng minh mình cũng biết yêu mến súc vật như người ta. Tục lệ phóng sinh thả chim thả cá trong những dịp cầu siêu cho ông bà cha mẹ hay trong dịp Lễ Vu Lan là một cử chỉ rất đẹp chứng tỏngười Việt rất yêu mến Tự Do, không muốn ngay cả loài vật chịu cảnh tù đày “cá chậu chim lồng”. Có lẽ người Tây Phương nay tìm hiểu văn hóa Việt Nam cũng phải kính phục. Những đức tính tốt nói ở trên đó chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong ca dao, tục ngữ lưu truyền hơn 4000 năm nay, như:
1) Tính xuề xòa, dễ tha thứ qua câu tục ngữ “Chín bỏ làm mười”. Dĩ nhiên trong toán học, trong kinh tế, thương mại, ngân hàng, tài chánh thì 9 không thể là 10. Chẳng hạn, nếu chúng ta nợ nhà đèn 10 đồng, chúng ta viết chi phiếu trả 9 đồng, chắc chắn hóa đơn tính tiền tháng tới sẽ cộng thêm 1 đồng mà chúng tachưa trả. Nhưng trong cuộc sống, một người nợ ta 1000 đồng, vì nghèo túng hoặc vì vợ đẻ, con đau chỉ có khả năng trả 900 đồng thôi. Do tấm lòng tốt ta có thể xí xóa cho họ 100 đồng. Vậy với cái Tâm, bằng sự cảm thông giữa con người và con người mà 9 đã trở thành 10. Trong cuộc đời này, bao thảm họa, đổ vỡ, giết tróc xảy ra chỉ vì con người khó mà nhường nhịn nhau. Như vậy trong lúc tình hình căng thẳng, cãi cọ hơn thua nhau vì một vài lời nói, vì chút lợi lộc nho nhỏ, nếu có ai nhắc nhở ta hoặc ta nhớ tới câu “chín bỏ làm mười” chắc chắn mọi chuyện sẽ diễn ra vô cùng tốt đẹp.
2) Không khắc nghiệt, không cực đoan qua câu nói “Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”. Khi chúng ta cay nghiệt quá thì thế nào cũng tạo ra “oan trái” oán hận và người đời sẽ tìm cách trả thù. Một ông vua hà khắc thì tiếng oán than sẽ “thấu trời đất” nếu có dịp dân chúng sẽ đứng lên lật đổ họăc giết ông vua đó. Trong gia đình cũng vậy, nếu cha mẹ khắc nghiệt con cái sẽ bỏ đi hoặc sống trong địa ngục. Giáo sĩ dạy tín đồ những tín điều cực đoan, khi vào đời tín đồ sẽ đụng chạm với các tôn giáo khác và như thế xã hội, đất nước sẽ vô cùng căng thẳng và có khi phải chia cắt để biến thành hai, ba quốc gia cùng chủng tộc, cùng ngôn ngữ, cùng văn hóa, cùng lịch sử nhưng chỉ khác tôn giáo mà không thể sống chung với nhau và có khi coi nhau như kẻ thù “bất cộng đái thiên”! Hiện nay cả thế giới đang phải đối đầu với những tư tưởng, tín điều cực đoan hoặc văn hóa quá phóng túng. Chẳng hạn như phụ nữ Âu Châu, Hoa Kỳ thì quá phóng túng. Càng hở hang nhiều thì càng nổi tiếng và kiếm tiền càng nhiều. Trong khi đó thì phụ nữ Hồi Giáo lại buộc phải ăn mặc phủ kín từ đầu tới chân. Hai thái cực này đụng chạm với nhau và đưa tới chiến tranh - bề ngòai là chiến tranh tôn giáo nhưng thực chất là xung đột về những giá trị văn hóa, đạo đức. Tại sao con người lại không thể tìm tới một giải pháp Trung Dung/Trung Đạo (Middle Way) vừa vừa phai phải? Theo tôi, thế giới Hồi Giáo, nếu chính quyền là một chính quyền thế tục (không bị khống chế bởi tu sĩ) thì từ từ họ sẽ cởi mở cho phụ nữ, nhưng con đường phóng túng và sa đọa của Tây Phương và Hoa Kỳ thì giống như chiếc xe lao xuống dốc mà không có thắng. Ngày nay, tại Hoa Kỳ các cô người mẫu ăn mặc gần như phơi cả bộ phận sinh dục ra.
3) Chừng mực, không bức bách ai, không quá đáng qua câu nói “Khó người khó ta, dễ người dễ ta” hoặc “Già néo đứt dây” “Cắm sào sâu khó nhổ”. Qua những câu nói này chúng ta có thể tin chắc rằng trong cuộc sống hằng này, ông/bà nào tính tình cởi mở, dễ dãi thế nào cũng có nhiều bạn. Còn ông/bà nào khó chịu, khắt khe thì chỉ có “ma” nó chơi với mình. Trên trường quốc tế cũng thế. Một quốc gia có nhiều nước tới làm ăn buôn bán là một quốc gia giàu mạnh. Nếu mình đặt ra nhiều luật lệ khắt khe quá thì thế giới họ cũng trả đũa lại. Cuối cùng thì đất nước sẽ bị cô lập. Một đất nước bị cô lập thì không chết thì cũng bị thương. Cho nên mọi thứ trên cõi đời này cứ “vừa vừa phai phải” là tốt nhất.
4) Thích nghi với hòan cảnh mới, tình thế mới, thời đại mới qua câu nói “Ăn theo thuở, ở theo thì “. Không thủ cựu, không cứng nhắc. Đây là châm ngôn làm nền tảng cho sự ứng xử trong mọi hòan cảnh. Ngoài ranó còn là sự tự chế, kiềm hãm những sở thích của mình khi sở thích đó không thích hợp ở một môi trường khác. Ở sao cho đẹp lòng người chứ không phải để thỏa mãn lòng mình là cách sống thông minh và tốt đẹp nhất. Chỉ sống cho mình, chỉ biết có mình, không cần biết những gì xảy ra chung quanh là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân phóng túng cũng nguy hiểm như chủ nghĩa cực đoan. Ở Việt Nam, quan niệmGia Đình, Làng, Nước tưởng chừng như những hàng rào trói buộc, nhưng thực chất nó lại là một thứ nhắc nhở về trách nhiệm khiến chúng ta không thể không thể không nghĩ đến người khác. Khi nghĩ đến người khác, khi nghĩ tới phong tục tập quán của người, văn hóa của người, tôn giáo của người mà thích nghi thì đó gọi là “Ăn theo thuở, ở theo thì ”. Quan niệm “phá chấp” của Phật Giáo thật phù hợp với tâm tính của dân tộc Việt Nam.
5) Phê phán đầu óc bảo thủ cứ mãi tiếc thương, tôn thờ những gì thuộc quá khứ mục nát, hư hỏng qua câu nói “Bảo hòang hơn vua.” Thái độ “Bảo hòang hơn vua” sẽ làm cản bước đi lên của lịch sử, phân hóa xã hội và bất ổn chính trị khi đất nước vẫn còn những người cứ mãi nuối tiếc một chế độ, một chính quyền thối nát đã bị lật đổ, đào thải. Hiện nay trong và ngoài nước vẫn còn một thiểu số nuối tiếc dĩ vãng mục nátdo được hưởng đặc quyền đặc lợi nhưng tuyệt đại đa số thì muốn chôn vùi quá khứ để nhìn về tương lai. Chúng ta phải hiểu rằng tìm hiểu và kế thừa lịch sử và nuối tiếc dĩ vãng là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn tìm hiểu về Cuộc Trịnh - Nguyễn Phân Tranh là chuyện cần thiết để rút ra bài học đoàn kết đất nước nhưng thương nhớ Chúa Nguyễn ở Đàng Trong hoặc Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài là nuối tiếc dĩ vãng.
6) Khoan dung, nhẹ tay, nặng về răn dạy hơn là trừng phạt qua câu nói “Giơ cao đánh khẽ “ và “Chém đằng sống chứ ai chém đằng lưỡi.” Điều này đã thấm vào máu thịt dân tộc Việt Nam, không phải chỉ ở hàng thứ dân mà ở cả vua quan nữa, điển hình như đức nhân từ của Vua Lý Thánh Tông và Vua Lê Thánh Tông qua Bộ Luật Hồng Đức. Sử Việt chép rằng khi Vua Lý Thánh Tông ngồi xử án ở Điện Thiên Khánh năm 1064 đã chỉ vào Động Thiên Công Chúa đang đứng bên cạnh mình và phán với triều thần, “ Trẫm yêu thương thần dân của trẫm cùng nhiều như yêu thương con gái trẫm. Họ phạm tội vì họ không biết (luật) và trẫm có nhiều tình thương cho họ. Từ nay trở đi, trẫm muốn tất cả các tội phạm, nặng hay nhẹ, đều phải được xét xử với sự khoan hồng.”
7) Không cầu tòan, không buộc ai phải giống mình, không buộc ai phải tin điều mình tin, theo những gì mình thích, tôn thờ những gì mình tôn thờ qua câu nói “ Bàn tay có ngón dài ngón ngắn” và “Cha mẹ sinh con Trời sinh tính”. Quả đúng như vậy. “Bàn tay có ngón dài ngón ngắn” trong gia đình và xã hội cũng đều như vậy cả. Giả dụ mình là người thông minh, nhưng đừng nghĩ ai cũng thông minh như mình. Mình giỏi giang nhưng không phải ai cũng giỏi giang như mình. Mình giàu có, sang cả nhưng không phải ai cũng giàu có, sang cả như mình. Nếu hiểu được như thế thì sẽ cảm thông, chan hòa với mọi người. Thấm nhuần tư tưởng này thì ngòai xã hội tìm cách giúp đỡ kẻ kém thông minh, thiếu may mắn. Còn trong gia đình thì không ép buộc con cái phải sống theo ước vọng của mình bởi vì “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.”
8) Chớ có tự thị, chớ có ỷ y, phải thận trong khi phê phán, chê cười người khác qua câu nói “Cười người chớ có cười lâu. Cười người hôm trước hôm sau người cười”. Câu châm ngôn này thật chí lý và giống như câu “Bảy mươi chưa què chớ khoe mình lành” bởi vì phàm là con người thì ai cũng mắc phải lỗi lầm. Hiểu được như thế thì phải hết sức thận trọng khi phê phán, chê cười người khác. Nếu có phê phán thì cũng nên nhẹ nhàng chứ đừng đao to, búa lớn, bé xé ra to, thêu dệt thêm vào đó - bởi vì ông bà chúng ta nói rằng “Một lời nói là một đọi máu”. Một lời nói nhẹ nhàng, an ủi giống như được tắm ở giòng suối mát. Một lời chửi rủa, mắng nhiếc giống như dao đâm vào da thịt, như mũi tên tẩm thuốc độc, như lửa hắt vào mặt. Một lời vu oan giá họa khiến người ta có thể lâm vòng tù tội. Một lời vu khống, chụp mũ nếu viết ra thành sách, quảng bá sâu rộng khiến tổn thương đến danh dự không phải chỉ bản thân người nào đó- mà còn cả gia đình người ta nữa và lưu lại đời sau. Trong một xã hội văn minh, không có gì ghê gớm cho bằng verbal abuse tức là mắng chửi người ta. Mình cứ tưởng một lời nói sẽ qua đi như gió thỏang chăng? Thưa không! Một lời chửi rủa, mắng nhiếc, thóa mạ sẽ theo đuổi chúng ta mãi. Dường như nó cắn vào làn da, sớ thịt làm cho chúng ta tủi hổ, nuôi dưỡng trong lòng rồi từ đó sinh ra thù hận, báo oán. Một xã hội tốt lành không phải chỉ là ăn sung mặc sướng, luật pháp công minh, xã hội công bằng mà con người cần phải đối xử dịu dàngvới nhau. Nặng lời, chửi rủa, nhục mạ, bêu riếu nhau thì dù có ngồi trên đống vàng, đống bạc cũng chỉ là ngồi bên lò lửa mà thôi.
9) Người Việt chúng ta thích làm lành, sợ làm ác và sợ quả báo qua câu nói “ Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” và “Có đức mặc sức mà ăn”. Mà Đức ở đây là gì ? Đức, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là làm những gì tốt lành cho người khác. Cứ thử tưởng tượng một người chuyên dùng của cải của mình để xây trường học, xây chùa, nhà thương, cô nhi viện, học bổng cho học sinh nghèo, cứu người họan nạn, giúp đỡ kẻ vô gia cư thì uy đức của vị này như thế nào? Chắc chắn vị này sẽ được mọi người kính nể. Trộm cướp có lẽ cũng không dám tới xâm phạm. Kẻ côn đồ, lưu manh muốn phá phách cũng sẽ tìm chỗ khác. Khi đi ra ngòai đường thì được mọi người chào hỏi, khi chết có khi sử sách ghi công. Con cháu đời saucũng được hưởng tiếng thơm. Không những thế mà quỷ thần còn kính nể “Đức trọng quỷ thần kinh.” Chính vì vậy mà người Việt mình rất lo “Tu nhân, tích đức”. Ngòai ra khi đã có Đức rồi thì có thể thóat qua nhiều hoạn nạn, cải số trời – tưởng chết mà sống, nghèo hóa thành giàu, thi rớt hóa thi đậu qua câu truyền tụng“Đức năng thắng số” mà chúng ta có thể tìm thấy trong rất nhiều chuyện cũ tích xưa.
10) Người Việt, theo truyền thống có một quan niệm rất dung dị về tôn giáo cho nên không bao giờ tôn thờ một Thần Linh Tối Thượng hoặc Độc Thần. Cho dù Ông Trời có là một vị có uy quyền ghê gớm đi nữa thì uy quyền này cũng đã được người Việt san xẻ cho Đất. “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi”. Một mình Ông Trời không đủ khả năng để “nổi cơn gió bụi” mà cần phải có Đất nữa. Khi chúng ta làm điều gì mà không cần ai biết, chúng ta nói “Có Trời biết, Đất biết”. Khi đau khổ chúng ta kêu lên “Trời Đất ơi!”. Và sau này khi đạo Phật du nhập vào đất nước ta, khi khấn nguyện điều gì chúng ta nói “Xin Trời Phật chứng giám.” Vì ông Phật không phải là thần linh tối thượng mà chỉ là Một Vị Giác Ngộ cho nên khi đưa ông Phật vào vị tríngang với Trời, Đất, người Việt chỉ muốn đưa thêm yếu tố Nhân vào trong lý thuyết Tam Tài: Thiên NhânĐịa. Theo quan niệm này, Trời mà không có Đất thì Trời cũng vô dụng. Đất mà không có Trời thì Đất chỉ là một khối khổng lồ tối thui. Có Đất, có Trời mà không có Người thì Đất Trời đó chỉ là một hành tinh chết. Theo triết lý Tam Tài thì ba yếu tố Thiên-Nhân-Địa không yếu tố nào lấn lướt yếu tố nào, mà phải phối hợphòan mỹ để có cuộc sống tốt đẹp.
-Khí hậu, mưa gió sấm chớp, nóng lạnh thuộc về Trời.
-Động đất, lụt lội, cây cỏ, sông hồ, suối, biển, rừng, núi, muông thú thuộc về Đất.
-Cầy cấy, điều hòa khí hậu, quần tụ để phát triển, hạnh phúc hay khổ đau, đạo đức, chiến tranh hay hòa bình thuộc về Nhân (con người). Tuy con người rất yếu đuối so với Trời và Đất nhưng không phải lúc nào cũng phải cúi đầu tuân phục Trời, Đất mà có thể “cải số Trời” , “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” (Kiều). Khi Ông Trời làm điều gì quá cay nghiệt, con người có quyền phàn nàn, than trách “Trách Con Tạođành hanh quá đỗi.” (Cung Oán Ngâm Khúc). Câu chuyện Bánh Giày, Bánh Chưng thời Hùng Vương cho thấy từ thuở ban sơ lập quốc, người Việt đã coi Trời và Đất là hai vật tối linh, biểu tương cho sự vận hànhcủa Vũ Trụ và cuộc sống của con người. Khi Đạo Phật du nhập vào Việt Nam thì yếu tố “Phật” tức “Nhân” trở nên hoàn thiện và giao hòa, trường tồn với Trời-Đất.
Hiện nay cả nhân lọai đang tiến vào giai đọan Toàn Cầu Hóa. Mà Tòan Cầu Hóa chỉ có được, ngòai vấn đềgiao thương, các quốc gia cần có mối giao hảo với nhau. Trong khi giao hảo như thế thì không thể tránh khỏi những luồng giao lưu về tư tưởng, tôn giáo và văn hóa. Chẳng hạn như Đạo Protestant (Tin Lành), Đạo Thiên Chúa (Ca-tô Giáo La Mã) cùng phong tục tập quán của Âu Châu, Hoa Kỳ sẽ vào Á Châu, Iraq, Afghanistan, Iran v.v… và đạo Phật, Hồi Giáo cùng phong tục tập quán sẽ vào Hoa Kỳ và Âu Châu. Tín điều và qui tắc đạo đức cực đoan sẽ làm cản trở cho tiến trình Tòan Cầu Hóa và có nguy cơ đưa tớinhững cuộc xung đột xã hội, xung đột tôn giáo. Mới đây nhất nước Pháp đã trải qua một cuộc xung đột về văn hóa khi nữ sinh Hồi Giáo (Hồi Giáo chiếm khỏang 10% dân số Pháp) đi học ăn mặc theo lối truyền thống của phụ nữ Hồi với khăn trùm đầu. Trong khi đó thì nam sinh Pháp lại đeo những thập giá quá lớn khiến trường học Pháp có nguy cơ trở thành môi trường chia rẽ. Tổng Thống Jacques Chirac đã giải quyếtvấn nạn này bằng cách vận động quốc hội thông qua một đạo luật cấm nữ sinh Hồi Giáo đội khăn khi đi học và nam sinh Pháp đeo chữ thập quá lớn. Rồi mới đây nhất tại Hoa Kỳ, một phụ nữ da trắng cải đạosang Hồi Giáo khi xuống hồ tắm đã mặc nguyên bộ quần áo phủ kín từ đầu tới chân với lý do đạo đức Hồi Giáo không cho phép phụ nữ ăn mặc hở hang. Nhưng ông chủ hồ tắm lại không đồng ý và cho rằng ăn mặc như vậy mà xuống hồ tắm làm mất vệ sinh. Áo tắm hai mảnh (Bikini) thì được, cho nên đã mời bà này lên. Người phụ nữ sau đó đã đi kiện với lý do bị kỳ thị. Dĩ nhiên chuyện này đã qua nhưng nó là dấu hiệu mở đầu cho thấy - có thể có một cuộc xung đột về qui tắc đạo đức phát xuất từ tôn giáo mà hơn 200 năm qua Hoa Kỳ không bao giờ có.
Chẳng cần phải học Đông học Tây, chẳng cần phải đợi ai đến “khai sáng văn minh”. Chỉ cần đào xới lại gia tài tục ngữ ca dao do ông bà để lại, người Việt chúng ta cũng đủ khả năng ứng phó với đời.
Dung dị, cởi mở, chan hòa, chín bỏ làm mười trong cuộc sống; không quá khích, không cực đoan trong đạo đức và tôn giáo là những tính tốt lành nhất và đang là những tiêu chuẩn đạo đức của thời đại để thế giới có thể sống trong hòa bình, trong tình huynh đệ. Tất cả những đức tính tốt lành đó đều có trong con người Việt Nam. May thay! Chúng ta nên nhớ rằng “Vỏ quýt dày, móng tay nhọn”. Các tôn giáo cực đoan, các nền văn hóa cực đoan sẽ đối đầu với tôn giáo và văn hóa cực đoan và sẽ tự hủy diệt lẫn nhau. Chắc chắn chúng ta không muốn điều đó xảy ra trên đất nước Việt Nam.
Trích từ sách: Đạo phật đất nước cuộc sống tâm linh (hiện có bán trên mạng Amazon)