Tinh hoa Phật giáo thời Đinh và tiền Lê


Từ cố đô Hoa Lư đến Thăng Long- Hà Nội một nghìn năm qua là trang sử hào hùng của dân tộc với cuộc dời đô vĩ đại, xây nên Nhà nước Việt Nam trường tồn.

      Chúng ta không quên những ngày đầu dựng nước thời Đinh và tiền Lê. Thời đại anh hùng ấy, chưa đầy hai mươi năm, gặp nhiều khó khăn, nhưng đã cha ông ta vượt lên, xây thành đắp luỹ kiên cố về chính trị, văn hoá, tư tưởng, tâm hồn dân tộc Việt mà Phật giáo giữ vai trò Quốc đạo, trồng hoa thơm, trái ngọt cho hôm nay.

I . Bối Cảnh Chính Trị- Xã Hội thời Đinh và tiền Lê:

    Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 983, đã chấm dứt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc, xây dựng một Nhà nước độc lập từ đây.

      Nhà nước non trẻ, phải chống chọi với nhiều thế lực bên trong và bên ngoài. Ngô Quyền mất (939- 967). Loạn mười hai xứ quân. Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lên ngôi, lập nước Đại Cồ Việt (968- 980). Loạn cung đình, cha con Đinh Tiên Hoàng bị giết. Lê Hoàn lên ngôi (981- 1009). Lê Hoàn mất, cung đình loạn. Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi và dời đô về Thăng Long, xây dựng một nước Đại Việt hùng cường, phát triển đến ngày nay.  

        Cuối thời Bắc thuộc Phật giáo đã lan rộng khắp mọi miền cả “An nam đô hộ phủ” (tức đất nước ta). Đã xuất hiện một lớp cao tăng người Việt (trong đó nhiều người đã học ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Dương) hiểu biết, tinh thông chữ  Hán, Phạn, đóng góp cho sự xây dựng và bảo vệ đất nước, được nhân dân coi trọng, là những trí thức thời đại.

        Khi đất nước độc lập, tầng lớp Thiền sư- người trí thức thời đại được vua chọn làm điểm tựa về tinh thần, văn hoá, tư tưởng, cùng vua xây dựng và quản lý đất nước.

         Những trung tâm Phật giáo lớn ra đời. Trung tâm Đại La với chùa Khai Quốc, đến giữa thế kỷ X là nơi tu hành của Thiền sư Vân Phong. Học trò của ông là Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu- trở thành người “giúp nước Việt” thời Đinh Tiên Hoàng & tiền Lê.

        Thời Đinh & tiền Lê, một trung tâm Phật giáo được xây dựng tại kinh đô Hoa Lư mà những ngôi chùa cổ trong hang núi còn thơm hương khói đến ngày nay.

        Cảnh điêu linh, loạn lạc mười hai sứ quân thúc đẩy người dân tìm đến Phật giáo. Và những tướng lĩnh, vua quan, cũng cầu mong bình an, sám hối mà tìm đến Phật. Nam Việt vương Đinh Liễn, con trai Đinh Tiên Hoàng, sau khi giết em ruột mình, đã cho dựng ở Hoa Lư một trăm cột kinh bằng đá, cầu vong hồn em siêu thoát, cầu cho mình giữ được chức tước, bổng lộc lâu dài, và ăn năn sám hối…

        Đinh Tiên Hoàng sau khi lên ngôi đã công nhận Phật giáo giữa triều đình, qui định các cấp bậc tăng đạo song song với các cấp bậc quan lại văn võ, cùng lo việc nước. Nhà sư Ngô Chân Lưu được cử làm Tăng thống- chức quan đứng đầu Phật giáo, được ban hiệu là Khuông Việt đại sư (933- 1011). Trương Ma Ni được cử làm Tăng lục, dưới chức Tăng thống…

  1. Tinh hoa Phật giáo thời Đinh & tiền Lê

   Một câu hỏi đặt ra:

      Tại sao Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành lại chọn Phật giáo làm quốc đạo?

     Nhiều ý kiến đã trả lời câu hỏi này. Nhưng theo chúng tôi, có một lý do rất gần và rất thực là các Thiền sư đã tỏ rõ vai trò, nhân cách người trí thức thời đại. Họ học Phật Thích Ca Mâu Ni, thông thái, quảng đại, nhìn xa, trông rộng, thấu lẽ vô thường, thấu kiếp người “sắc sắc, không không” nên hết lòng yêu nước, yêu dân, thương người, sẵn sàng đóng góp trí tuệ siêu việt của mình vào việc dựng nước.

       Họ hiểu đời người là giả tạm, nên không tranh giành, ham hố quyền lực, của cải, ngôi báu, cũng không phụng thờ một cá nhân nào, không sở hữu và bám víu bất cứ điều gì. Họ tâm nguyện tìm phương cách sống có ích cho cộng đồng trong kiếp người ngắn như hơi thở, sống an nhiên tự tại và giải thoát vòng sinh tử luân hồi.

       Bởi thế, vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, tin cậy họ, nương tựa vào họ để xây dựng cung đình và Nhà nước phôi thai, mà không sợ họ tranh giành quyền lực.

      Có thể chứng minh nhân cách rực rỡ và trí tuệ siêu việt của họ qua Khuông Việt đại sư và các Thiền sư thời Đinh và tiền Lê.

       Khuông Việt đại sư- người có trí tuệ siêu việt hay sách Phật thường gọi là trí tuệ Bát Nhã, bản lĩnh vững vàng, tầm nhìn vượt xa thời thế. Được Vua Đinh trọng đãi, Ngài tận tâm phụng sự việc nước.

        Ngài nhìn rõ qui luật chuyển động xã hội và những rối loạn tất yếu của triều đình buổi đầu trứng nước.

        Đinh Tiên Hoàng bị giết, loạn cung đình. Lê Hoàn thay ngôi, các tướng lĩnh trung thành của vua Đinh đều chống lại Lê Hoàn, nhiều người bỏ triều  chính, không hợp tác, có người chết theo vua Đinh…

       Khuông Việt đại sư đứng cao hơn thời cuộc. Ngài không phục vụ cá nhân ông vua nào, mà đem trí tuệ và tình thương của mình phụng sự nhân dân, đất nước. 

       Vua Đinh chết. Khuông Việt lại ra sức giúp Lê Đại Hành dựng nước và giữ nước. Bao nhiêu việc binh, việc nước, Lê Đại Hành đều cùng sư bàn thảo. Vua cử sư làm ngoại giao, tiếp sứ nhà Tống. Khuông Việt đại sư làm những bài thơ giao hảo, nâng tầm vua Lê Đại Hành ngang vua Tống và tỏ tình cảm hữu hảo với nước lớn, tránh binh đao.

       Tuy lo việc nước, được vua tin yêu, nhưng Khuông Việt đại sư không ham quyền lực, của cải. Ngài một lòng hướng về Phật pháp. Sư viện lẽ già yếu xin từ quan về quê dựng chùa Phật Đà trên núi Du Hý, làng Cát Lợi, quận Thường Lạc tu tập, học giả bốn phương tụ hội rất đông.

Năm 79 tuổi, trước khi ngồi kiết già thị tịch, sư đọc bài kệ:

Mộc trung nguyên hữu hoả
Hữu hoả, hoả hoàn xanh
Nhược vị mộc vô hoả
Toản toại hà do manh.
(Trong cây sẵn có lửa
Có lửa, lửa lại sanh
Nếu bảo cây không lửa
Cọ xát làm gì sanh)

        Đại sư Khuông Việt hiểu qui luật của vạn vật, con người và thời cuộc ở tầm siêu thức. Ngài đã sống và hành động trên cái tầm hiểu biết cao đó, để phục vụ Tổ quốc, nhân dân. Ngài biết vươn lên đỉnh cao trí tuệ và tình thương, sống có ích cho đồng loại trong kiếp luân hồi ngắn ngủi.

       Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (915- 990) được gọi là “bác học, hay thơ và có tài vương tá, hiểu rõ việc đời” đã giúp vua Lê Đại Hành vận trù kế hoạch dựng nước rất đắc lực. Lê đại Hành hỏi vận nước, sư trả lời bằng một bài kệ:

Quốc tộ như đằng tạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh
         
Dịch:
Vận nước như mây quấn
Trời Nam hưởng thái bình
Vô vi trên điện các
Chốn chốn hết đao binh

       Rất tiếc, chẳng có vị vua nào thực hiện nổi phương châm “Vô vi trên điện các” mà Thiền sư Đỗ Pháp Thuận nhắn gửi.

      Thiền sư Vạn Hạnh- làng Cổ Pháp, gia đình đời nối đời thờ Phật. Ngài thông thái khác thường, 21 tuổi xuất gia, thông Tam học và nghiên cứu Bách luận, vẫn xem thường công danh, phú quí. Sư Vạn Hạnh có khả năng tiên tri, mỗi lời ngài nói, dân chúng đều cho là lời sấm ký.

       Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), Hầu Nhân Bảo (tướng Tống) kéo sang đánh nước ta. Lê Đại Hành mời sư đến hỏi, sư đáp “trong ba, bảy ngày thì giặc ắt lui”. Quả đúng như lời sư đoán.

      Lê Đại Hành chết. Lê Ngoạ Triều ở ngôi quá tàn bạo, mọi người đều oán ghét. Sư Vạn Hạnh biết thời thế suy tàn. Ngài không ngoảnh mặt trước cơn bĩ cực của xã hội. Bằng tình thương và trí tuệ, sư Vạn Hạnh vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi qua những lời sấm ký. Thiền sư Vạn Hạnh- người trí thức sống trong thời đại rối ren, đã sáng suốt nhìn xa rộng, nuôi dạy và giúp Lý Công Uẩn thành một đức vua anh minh, tầm nhìn Thiên niên kỷ, để Việt Nam có một Thăng Long- Hà Nội nghìn năm tuổi.

        Năm 1018 Sư Vạn Hạnh tịch. Ngài để lại bài kệ nổi tiếng, là triết lý sống cho con dân Việt muôn đời:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thạnh suy vô bố uý
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô

(Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi thu đượm hồng
Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy như cỏ hạt sương đông)

       Triết lý sống của Thiền sư Vạn Hạnh như ngọn đăng truyền sang các Thiền sư thời Lý- Trần và muôn đời sau, để văn hoá Việt Nam có Triết lý nhân sinh Phật giáo Lý- Trần, Thiền Trúc Lâm Yên Tử với đội ngũ các Thiền sư- người trí thức thời đại, mở mang văn hoá, trí tuệ, dựng xây đất nước.

      Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập Thiền Trúc Lâm Yên Tử, lấy đó làm nền tảng tư tưởng, triết lý sống căn bản của người Đại Việt, xây nên văn hiến Đại Việt, để “Non song muôn thuở vững âu vàng”.

                                       

Mai Thục