Tình người


Một buổi chiều muộn, khi xe chúng tôi đi qua một khu chợ nhỏ ở ngoại ô thành phố, chợt thấy một bà cụ ngồi bán mấy nải chuối.

- Bà bán bao nhiêu một nải, bà?

- Dạ thưa ông, đây là chuối xiêm nhà trồng, xin ông ba mươi ngàn. Dạ đây là chuối xiêm đen, hơi mắc một tí nhưng ngon lắm.

- Bà cho xin hai nải.

- Dạ thưa ông, nếu được xin ông mua nốt bốn nải luôn, tôi chỉ lấy một trăm ngàn. Ngồi từ chiều đến giờ đau lưng mà trời thì sắp tối rổi. Hơn nữa chuối này để lâu được, nấu chè hay làm chuối chiên đều ngon cả.

Thấy tôi không nói gì, bà nhanh tay gói cả bốn nải đưa cho tôi. Tôi trả tiền, cám ơn và lên xe ra về.


Ảnh minh họa của Thanh Tùng

Lên xe, thằng cháu nội nói ông nội bị dụ rồi, mua chi nhiều thế, ăn sao hết. Thế nào bà nội cũng la ông nội cho coi.

- Ờ ờ…, có thể ông nội bị dụ dỗ vì cách ăn nói rặt tính Nam Bộ của bà cụ, một tiếng dạ thưa, hai tiếng dạ thưa, ngọt như mía lùi, ai mà không xiêu lòng được.

Để ông nội kể cho nghe câu chuyện một người nghệ sĩ có tiếng kể lại. Trong khi ăn bún Huế, ông ta phải nhiều lần ngừng ăn để nghe cậu con trai bà chủ ngồi ở bàn tính tiền nói giọng Huế dạ, thưa, cám ơn mỗi khi tính tiền cho khách. Còn ông nội cũng có môt kỷ niệm đẹp về miền đất phương Nam. Hồi còn trẻ, sau thời gian lận đận vì sinh kế ở Huế, ông nội tìm đến Sài Gòn mong tìm miền đất hứa. Vừa đặt chân đến Ga Sài Gòn lúc ấy ở Công viên 23-9 bây giờ, ông nội gặp một bác xích-lô khá lớn tuổi. Thầy hai “dề” đâu tôi chở thầy hai “dề”. Ông nội ngạc nhiên hết sức vì nghe người lớn tuổi xưng mình là thầy, mà lại thầy hai, không phải thầy ba, thầy năm, thầy bảy… Mà lại “thầy” không phải “thợ” trong lúc mình đang thất nghiệp đi tìm việc làm. Chỉ với tình cảm lúc sơ ngộ đó mà ông nội gắn kết với vùng đất phương Nam cho đến bây giờ…  

Mỗi khi đọc báo thấy nhiều hình ảnh không đẹp trong cách cư xử giữa người và người hoặc ghê rợn hơn như chém giết nhau, văn hóa trên đường phố thật là thấp kém, xe cộ không ai nhường ai, mạnh ai nấy đi tạo ra cảnh hỗn loạn thường xuyên... Ngay như trong học đường cũng có học sinh đánh nhau, rạch áo xé quần vì những lý do lãng xẹt…

Trước những cảnh tượng đó, không ít người tỏ ra bi quan yếm thế, cho rằng bây giờ không còn một chút văn minh, xã hội xuống cấp không gì có thể ngăn cản được.

Phật giáo lạc quan tin tưởng con người vốn tốt vì ai cũng có Phật tính cho nên khẳng định khả năng chuyển hóa  nghĩa là có thể biến người xấu thành người tốt. Có ai hung dữ cho bằng chàng Vô Não (Angulimala)? Sau khi giết được 99 người còn thiếu một người nữa là đạt chỉ tiêu thì mẹ chàng đi tới. Chàng xông xáo chạy tới định giết thì Phật ở đâu hiện diện. Vô Não liền bỏ mẹ chạy theo Phật hạ sát Ngài. Chàng trai kia chạy như tên bay mà không kịp. Tức mình chàng kêu to: “Kìa ông Sa-môn, sao ông không dừng lại?” Phật ngoái lại đáp: “Này Vô Não, Như Lai dừng bước từ lâu rồi, chỉ có ngươi chưa chịu dừng bước đó thôi. Như Lai đã dừng bước trên con đường tội lỗi, Như Lai đã bỏ hết gươm giáo từ lâu rồi”. Nghe đến đó Vô Não tỉnh mộng điên cuồng, vất dao quỳ lạy trước Phật. Phật dắt Vô Não về tinh xá cho xuất gia làm Tỳ-kheo.

Trong sách nhỏ Bước đầu học Phật, HT.Thích Thanh Từ có nói tới hình tượng “nước đục, nước trong”.

“Nước mưa nguyên là trong, nhưng do bùn đất cuốn theo và hòa tan trong nước nên trở thành đục. Người trí muốn tìm nước trong chỉ cần lóng bụi đất trở thành nước trong. Nước trong không cố định trong, do duyên hợp thành nước đục; nước đục do duyên lóng thành trong. Nước đục không ngoài nước trong mà có; nước trong không thể bỏ nước đục mà tìm. Bồ-đề không cố định Bồ-đề, do duyên lóng sạch thành Bồ-đề. Bồ-đề không ngoài phiền não mà có, phiền não không ngoài Bồ-đề mà sanh. Bỏ phiền não chạy tìm Bồ-đề như người lưới cá trên không, bẫy chim đáy biển, rốt cuộc chỉ phí công vô ích…”, Hòa thượng viết.

Thế đã rõ. Gần đây truyền thông trong nước đưa tin ở Hà Nội có một quán ăn chay mà thực khách vào ăn thoải mái. Ăn xong tự tính tiền và tự bỏ tiền vào trong thùng để sẵn. Tôi liên tưởng đến hiện tượng những quán “bún mắng cháo chửi” mà báo chí một thời nói đến nhiều. Thì ra trong bức tranh xám xịt đó vẫn có những điểm sáng cho ta thấy một Hà Nội thanh lịch thấm đẫm tình người của người Tràng An!   

*

Khi xe về đến nhà thì trời tối hẳn, nhà đã lên đèn. Đứa cháu nội nhanh nhẩu đem khoe bịch chuối với bà nội. Không biết thằng bé nói gì, chỉ thấy bà tươi cười xoa đầu thằng bé. Từ nhà xe nhìn vào phòng khách thấy cảnh tượng ấy, tự nhiên tôi thấy ấm lòng chi lạ.