Trung Quốc: Phục chế thành công tượng Phật nghìn tay
Sau hơn bảy năm làm việc, quá trình khôi phục tượng Phật Quan Âm nghìn tay tại núi Bảo Đỉnh, huyện Đại Túc, thành phố Trùng Khánh đã bước vào giai đoạn hoàn thành. Dự kiến, vào ngày 13 tháng 6 – ngày di sản văn hóa Trung Quốc, mọi người sẽ được tận mắt chiêm bái bức tượng Phật hùng vĩ này.
Bức tượng cao 7,7 mét và rộng 12,5 mét, bên ngoài bức tượng được bao phủ một lớp vàng mỏng và được chạm khắc trong một hang động, có thể có niên đại vào thời Nam Tống (1127-1279). Theo các chuyên gia, đây là quá trình phục hồi đầy đủ và khoa học nhất trong hơn 800 năm qua.
Trải qua nhiều thế kỷ, bức tượng đã bị hư hại khá nhiều, màu của bức tượng đã bị phai, lớp vàng bao phủ đã bị bong tróc và xuất hiện nhiều vết nứt. Năm 2008, cơ quan quản lý Nhà nước về Di sản văn hóa đã đưa bức tượng vào danh sách các tác phẩm điêu khắc cần được bảo vệ và thành lập dự án khôi phục với sự tham gia của các chuyên gia cùng các tổ chức trong lĩnh vực phục hồi di tích lịch sử đến từ Trung Quốc và các nước khác.
Các chuyên gia đang kiểm tra những ngăn ẩn bên trong bức tượng.
Công đoạn bóc tách những lá vàng còn sót lại của bức tượng.
Các chuyên gia đã sử dụng kỹ thuật mạ vàng và sơn mài truyền thống của Trung Quốc kết hợp với nhiều phương pháp hiện đại khác như dùng tia X để kiểm tra bên trong bức tượng. Vì khí hậu ở Đại Túc, nên nhóm nghiên cứu đã thiết lập một hệ thống giám sát môi trường vi mô, đây là lần đầu tiên hệ phương pháp này xuất hiện tại Trung Quốc. Các chuyên gia đã sử dụng một chất bảo vệ bề mặt, là một hóa chất dạng kem có tác dụng bảo vệ và làm sạch bề mặt của bức tượng Phật.
Trong quá trình phục chế, một chi tiết nhỏ nhất cũng không được bỏ sót.
Chuyên gia từ khắp nơi trên cả nước kiểm tra bức tượng sau khi được phục hồi.
Tượng Phật nghìn tay đã được phục hồi thành công
Các nhà khoa học đến từ các học viện, đại học và bảo tàng Mỹ thuật của Trung Quốc đã tổ chức một cuộc kiểm tra kéo dài hai ngày và kết luận rằng bức tượng đã sẵn sàng để ra mắt dân chúng. Theo người đứng đầu của trung tâm đào tạo phục hồi di tích lịch sử của Viện di sản văn hóa Trung Quốc thì nhóm nghiên cứu đã chinh phục những khó khăn trong kỹ thuật và đạt được nhiều kết quả đáng kinh ngạc trong điều kiện địa lý và khí hậu phức tạp. Các nhà khảo cổ cũng đã tiến hành một cuộc điều tra và nghiên cứu các ngăn ẩn bên trong tác phẩm điêu khắc này và phát hiện ra những dòng chữ niêm phong ghi lại chính xác những nỗ lực phục hồi cách đây 200 năm. Những mảnh vỡ lấy ra từ ngăn ẩn chứa nhiều lá vàng và thạch cao có liên quan chặt chẽ đến quá trình phục chế bức tượng của những triều đại khác nhau. Những mảnh gốm còn sót lại có thể cung cấp thêm thông tin về Phật giáo và các hoạt động của con người thời đại ấy.