Truyện ngắn: Phước báu tụng kinh
Phước báu tụng Kinh
Thời xưa, trải vô số kiếp có một ngôi chùa lớn; trong chùa có hơn ngàn vị Sa-môn ở đó tu học. Hằng ngày có vài trăm chú Sa-di khuất thực để cúng dường chúng Tăng. Thầy dạy mỗi chú một ngày phải cúng một đấu gạo và phải học thuộc một bài kệ.
Có một chú Sa-di vào phố thị khất thực, chú vừa đi vừa nhẩm học bài kệ. Trong phố có một vị Hiền giả, thấy Sa-di vừa đi vừa nhẩm học bài kệ, Hiền giả đảnh lễ, hỏi:
–Đạo nhân vừa đi vừa nói gì vậy?
Chú Sa-di ấy thưa rằng:
–Tôi vừa đi khất thực để cúng dường chúng Tăng, vừa phải học thuộc một bài kệ.
Hiền giả lại hỏi:
–Nếu chú không vướng bận việc gì cả thì tụng thuộc bao nhiêu kệ.
Thưa rằng:
–Có thể thuộc hơn mười bài kệ.
Lại hỏi:
–Chú phải khất thực bao nhiêu ngày?
Chú thưa:
–Trong chín mươi ngày phải cung cấp chín mươi đấu gạo.
Hiền giả thưa với Đạo nhân:
–Chú hãy trở về chùa yên tâm lo học kinh kệ, tôi sẽ giúp cho chú cung cấp số gạo đó.
Chú Sa-di nghe Hiền giả nói vậy rất vui mừng. Hiền giả liền đem chín mươi đấu gạo cúng dường. Chú mang về thưa thầy, rồi nộp cho chúng Tăng xin đóng cửa học kệ, tụng kinh. Trải qua ba tháng, chú ấy đã học thuộc một ngàn bốn trăm bài kệ, chú thưa với thầy:
–Con học kệ đã xong. Bây giờ, con xin đến nhà thí chủ tụng những bài kệ đó để nhờ kiểm tra lại.
Thầy hoan hỷ chấp nhận. Đến nhà Hiền giả, chú thưa:
–Nhờ thí chủ trợ duyên nên tôi được yên ổn, tụng kinh, học kệ. Nay việc học kệ đã xong, tôi đến đây xin đọc để đạo hữu nghe.
Chú Sa-di đọc kệ, văn cú lưu loát, không vấp váp trở ngại. Hiền giả nghe qua rất vui vẻ, cúi đầu đảnh lễ, thưa:
–Nguyện cho tôi đời sau thông minh, hiểu biết rộng rãi, thấu đáo, nghe nhiều không quên.
Nhờ làm việc phúc đức nên vị Hiền giả này đời đời sáng suốt, hiểu biết, nhớ dai, đến khi gặp Phật ra đời được làm đệ tử tên là A-nan. Thường làm thị giả cho Đức Thế Tôn, đặc biệt riêng ngài là vị đệ tử biện thuyết thông suốt, nghe nhiều vào bậc nhất.
Thầy dạy:
–Hiền giả thời ấy nay là Đại đức A-nan.
Luận rằng: Ai chú tâm khuyến khích, hỗ trợ cho người tu học, là được công đức lớn, nếu người ấy có ý chí hoặc cầu nguyện gì đều được thành tựu. Đó là nương vào phước báo mà được vậy.
Phía Nam núi Tu-di có một cây đại thọ cao bốn ngàn dặm. Các con chim to loại Bát-xoa nương ở trên cây mà cây vẫn bình thường, không chuyển động. Chỉ có một con chim thân hình rất nhỏ, loại thuần âm, bay đến đậu trên cây kia, cây liền bị dao động. Chim to Bát-xoa nói với thọ thần:
–Không biết tại sao thân ta rất nặng, thường nương ở đây mà cây vẫn bất động, còn con chim nhỏ kia mới vừa bay đến, chưa ngủ qua đêm mà lại làm cây chấn động?
Thọ thần nói:
–Chim kia tuy nhỏ nhưng nó từ đáy biển lớn mà đến. Hằng ngày chỉ ăn toàn đá quý, kim cương. Đá kim cương này va chạm vào các vật khác, các vật kia đều bị phá hoại. Vì vậy cho nên khi chim kia đến đậu, ta rất sợ hãi, không thể tự yên.
Kinh nêu thí dụ này, ý muốn nói: Nếu có người phàm hiểu rõ ý nghĩa sâu sa của một câu kinh, miệng đọc tụng, tâm nghĩ nhớ thì ba độc, bốn ma, tám vạn cửa trần cấu, thảy đều không thể tự yên, huống gì người tu hành rộng thâu thập các pháp giải thoát để làm cầu đò cho tất cả chúng sinh.
Nguồn: Kinh Tuyển tập Thí dụ, Quyển 1, bài số 14