Tượng Phật Đồng Dương pho tượng đồng cổ và đẹp nhất Đông Nam Á.
Pho tượng là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng, tạo hình của người Chăm hơn 1.000 năm trước. Năm 2012, tượng Phật Đồng Dương được công nhận là bảo vật quốc gia. Tượng đã được trưng bày ở các nước như Mỹ, Pháp, Áo, Bỉ với giá bảo hiểm lên đến 5 triệu USD.
Tượng phật Đồng Dương được một học giả người Pháp tìm thấy ở Đồng Dương vào năm 1911. Tượng nặng 120 kg, cao 119 cm, chỗ dày và rộng nhất 38 cm. Tượng mang phong cách nghệ thuật Amaravati, ngoài hình dáng cân đối, hài hòa, kỹ thuật tạo y phục rất tinh tế, mềm mại làm toát lên vẻ đẹp uy nghiêm, huyền bí của Đức Phật cũng như thể hiện nhiều diệu tướng trong số 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tùy hảo của Đức Phật. Với kỹ thuật đúc đặc biệt, đạt trình độ cao, những nghệ nhân Chăm-pa còn thể hiện thành công ba diệu tướng của Đức Phật trong pho tượng này: “thân kim sắc” (tức ánh sắc vàng) - diệu tướng thứ 14 và 15 - có sức tỏa hào quang minh tịnh; diệu tướng thứ 16 - da mịn, trơn bóng như hoa sen buổi sớm.
Tượng Phật Đồng Dương liên quan đến một giai đoạn Phật giáo ở Chămpa phát triển hưng thịnh nhất, đó là thời kỳ thuộc triều Indravarman II, còn gọi là “Vương triều Đồng Dương” hay “Vương triều Phật giáo”. Nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu pho tượng này bởi giá trị nghệ thuật và yếu tố giao lưu văn hóa Ấn Độ khá đậm nét trên tác phẩm. Tượng Phật Đồng Dương là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của Văn hóa Chăm Pa, được nhiều nước trên thế giới lựa chọn để trưng bày giới thiệu về văn hóa Việt Nam, là điểm nhấn quan trọng trong các cuộc triển lãm.Hiện bảo vật quý giá này đang được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.