Tùy biến và cái tôi



Ngày xưa có một chàng trai trẻ, trước kia khi bố mẹ anh chưa qua đời, anh cùng bố mẹ sống trên núi, vì thế không biết gì về cuộc sống bên ngoài, hơn nữa cũng không có sự giao lưu với ai khác. Sau khi bố mẹ mất, chàng trai quyết định xuống núi một phen.

Sau khi xuống núi, chàng trai phát hiện thấy mọi người đều rất khác với mình, họ đều ăn nói rất bỗ bã. Khi còn sống trên núi, anh không hề cảm thấy tính cách dịu dàng của mình có gì không thỏa đáng. Nhưng sau khi xuống núi, có người chế nhạo anh, nói anh là “đồ đàn bà”.

Để thoát khỏi biệt danh này, anh cũng bắt đầu học cách nói năng thô lỗ, ăn uống nhồm nhoàm, áo quần xộc xệch, lôi thôi. Càng ngày anh càng trở nên tùy tiện, có người còn chê anh “thô lỗ”, “dã man”, thấy vậy anh lại phải cố gắng sửa đổi, kiềm chế hành vi của mình.

Tóm lại, vì chạy theo những lời đánh giá của mọi người nên anh không ngừng cố gắng thay đổi bản thân, thậm chí ngay cả công việc cũng thường xuyên thay đổi, nhưng kết quả là không những anh không nhận được sự đồng tình của tất cả mọi người mà trái lại, thậm chí anh còn nhận được thêm càng nhiều lời góp ý, một số lời góp ý thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau, điều đó khiến chàng trai vô cùng khổ não, khó xử. Hơn nữa, việc không ngừng cố gắng thay đổi bản thân cũng khiến anh cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

Để tìm được lối thoát cho cuộc sống, giải tỏa nỗi khổ trong lòng, chàng trai quyết định nghe theo lời khuyên của một ông lão, đi tìm vị Thiền sư để xin lời chỉ dạy. Vị thiền sư đón tiếp chàng trai đáng thương này một cách thân tình và hỏi: “Chuyện gì khiến con khổ não như vậy?”

“Bạch thầy, xin Người hãy giúp con xua đi nỗi khổ não trong lòng! Giờ lòng con đang rối bời, con không biết nên làm thế nào. Con đã nghe theo lời khuyên của mọi người, nhưng vẫn không thể khiến tất cả mọi người đều hài lòng. Trong lòng con lúc này đang chất chứa đầy mâu thuẫn, cuộc sống và nội tầm của con đều trở nên lộn xộn. Xin Người hãy giúp con thoát khỏi những khổ não này ạ!”

Thiền sư nghe chàng trai nói xong, không nói gì mà đưa anh tới một căn phòng nhỏ cũ kĩ ở hậu viện. Trong căn nhà ấy chỉ có một chiếc bàn, trên bàn đặt một cốc nước, dường như đã rất lâu rồi không có ai tới đây, trên bàn phủ đầy bụi. Sau khi vào phòng, Thiền sư chỉ nhìn cốc nước mà mỉm cười không nói. Chàng trai cũng hướng theo ánh mắt của Thiền sư nhìn cốc nước. Hai người cứ ngồi nhìn cốc nước như vậy một lúc lâu, dường như chàng trai đã ngộ ra được điều gì.

Lúc ấy, vị Thiền sư bèn hỏi: “Cái cốc này đã được đặt trong phòng cả ngày trời, có vô số bụi bẩn rơi vào trong đó, nhưng nước vẫn trong như vậy, con hãy nói xem là vì sao vậy?”
Chàng trai nghĩ một lúc, rồi xúc động nói: “Bạch thầy, con hiểu rổi ạ. Bởi vì bụi bẩn đểu lắng xuống đáy cốc nên nước mới trong như vậy”.

Thiền sư bèn dạy: “Trong cuộc sống, con sẽ phải tiếp xúc với nhiều thứ khác nhau, những thứ này cũng giống như bụi bẩn rơi vào cốc, còn trái tim của con giống cốc nước, con càng dao động thì càng làm cho nước vẩn đục. Nếu con có thể lắng đọng những thứ đó, khiến trái tim của con tĩnh lại, thì nước trong lòng con sẽ trong vắt như cốc nước này vậy”.

Chàng trai trẻ chợt trở nên trầm ngâm, vị Thiền sư lại nói tiếp: “Vốn dĩ con có trí tuệ, chẳng qua là bị mê hoặc bởi những điều giả tạo trong cuộc đời này mà thôi. Vốn dĩ con rất tốt, chỉ cần là chính mình là đủ rồi, hà tất phải chạy theo suy nghĩ của người khác để tinh thần dao động làm gì. Bây giờ hãy khép tay của con lại, lấy lại sự yên bình ban đầu của tâm hồn, để lắng nghe tiếng lòng của con!”

Chàng trai im lặng, nghĩ ngợi rất lâu, anh nhớ lại bản thân mình ngày xưa. Hồi ấy tính cách anh ôn hòa, đối xử lễ độ với mọi người, tuy có người chê cười anh là “đồ đàn bà”, nhưng cũng có rất nhiểu người yêu quý anh. Ngược lại, sau khi cố gắng thay đổi bản thân để trở thành một người thô lỗ thì số người yêu quý anh càng ngày càng ít đi. Hơn nữa, khi chưa thay đổi, anh cảm thấy cuộc sống của mình rất nhẹ nhàng, thanh thản và vui vẻ.

Rất lâu sau, cuối cùng chàng trai thốt lên: “Con xin đa tạ thầy đã chỉ dạy ạ! Con nghĩ con đã biết mình sai ở đâu rồi”.

“Tĩnh tâm lại, hãy giữ đúng cái tôi chân thực nhất, nỗi phiền muộn trong lòng con tự nhiên sẽ hóa giải”.

Sự cạnh tranh trong xã hội hiện đại ngày càng trở nên khốc liệt, ai cũng đều hi vọng có được sự đồng tình của nhiều người, vì thế chúng ta thường cố gắng sắp đặt mọi việc rồi sau đó “diễn” cho gia đình, bạn bè và cho cả những người ngoài xã hội cùng xem, nhưng lại quên đi mất chính bản thân chúng ta, đánh mất bản ngã. Đến khi “diễn” đã quen rồi thì cũng là lúc chúng ta quên mất cái tôi chân thực của mình. Thế là trái tim ta trở nên rối bời, phiền muộn, hoang mang, không thể tĩnh tâm lại được.

Xuất hiện tình trạng trên, suy cho cùng là bởi vì thế giới tâm hồn của chúng ta thiếu mất sự “tĩnh”. Nội tâm yên tĩnh thì tâm trí mới có thể sáng suốt; nội tâm yên tĩnh mới có thể giữ vững được cái tôi; nội tâm yên tĩnh mới có thể nhìn rõ cũng như giữ được cái tôi một cách chân thực nhất.

Khi nghe lời phê bình hay góp ý của người khác thì chúng ta không nên cuống lên lo lắng, mà trước tiên hãy kiểm tra lại xem có đúng là mình đã làm không tốt hay không, sau đó dựa vào năng lực thực tế và suy nghĩ của bản thân để cố gắng làm lại một cách tốt nhất trong khả năng của mình. Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng nhiều khi những gì ta làm vẫn không được người khác đánh giá cao, có những người vốn không có thiện cảm với chúng ta mà không cần lí do cụ thể, vì vậy chúng ta cũng không cần vì họ mà buồn phiền và ép mình phải thay đổi.

Chúng ta cần nhớ rằng: Sự ghét bỏ của người khác không đáng sợ, mà điều đáng sợ là cảm giác tự chán ghét mình. Người khác không thích mình không quan trọng, quan trọng là bạn đã cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình. Duy trì sự yên bình trong tâm hồn, dùng trái tim yên bình để làm nên “cái tôi” tốt nhất, yên lặng một chút, tận hưởng một chút, bạn sẽ phát hiện ra rằng thực ra mình vốn rất tốt. Để giữ được tâm hồn yên bình thì cách tốt nhất là hãy để mọi tạp niệm trong lòng lắng xuống, cư xử khiêm tốn. Chỉ cần kiên trì, nhất định bạn sẽ có được thế giới tâm hồn yên bình, giữ được cái tôi chân thực nhất.