Học cung kính nhau


Tôi dùng từ cung kính chứ không dùng từ tôn kính. Tôn kính là nói đến nội tâm, thấy người kia thật sự đáng kính nên mình kính trọng họ từ nội tâm của mình. Còn cung kính thì có khi chỉ là nghi thức, là phép lịch sự tối thiểu dành cho nhau mà một người có giáo dục phải có.
 
Người tu đối với nhau nếu được tôn kính thì thật quý hóa, nhưng nếu không được như thế thì cũng nên giữ lễ cung kính nhau.
 
 
Có lần tôi đến một ngôi chùa nọ để thăm một người bạn. Khi bước vào chùa, tôi gặp vài vị thầy trẻ đang ngồi uống trà nói chuyện với nhau. Tôi chắp tay cúi đầu chào và thưa rằng tôi đến để gặp thầy A. Một vị thầy đáp “Mô Phật” rồi quay sang tiếp tục nói chuyện với mấy thầy kia. Tôi loay hoay tìm một chỗ nào đó ngồi chờ. Mấy vị thầy trẻ đó vẫn nói cười với nhau, mặc kệ tôi ngồi một mình cô đơn. Ngay cả ly nước cũng không được mời. Tức là ngay cả lịch sự tối thiểu khi khách đến chùa cũng không có. Tôi tự nhủ thôi thì mình cũng không quen thân gì mấy thầy đó nên họ không tiếp mình cũng không sao. Vì vị thầy bạn đi công chuyện chưa về kịp nên tôi phải chờ. Tôi ngồi đó được khoảng 10 phút thì có một chú làm việc bên chính quyền tới. Chú đó biết tôi nên đến chỗ tôi ngồi hỏi chuyện. Chú đó vừa ngồi xuống thì vị thầy kia chạy đến cung kính chào và hỏi chú đó uống cà-phê không để thầy ấy làm. Tự nhiên tôi cảm thấy đắng lòng. Tôi đắng lòng không phải vì “quê”, cũng không phải vì ganh tỵ với chú ấy mà tôi đắng lòng vì người tu ngày nay dường như không học được phép cung kính nhau.
 
Lại một lần khác, có một vị sư cô dắt Phật tử đến chùa tôi thăm viếng. Tôi chắp tay cúi đầu chào cô nhưng cô không hề xá chào lại mà cứ thẳng lưng hiên ngang tiến bước làm tôi phải lùi lại và tránh qua một bên để không phải đụng nhau. Tôi biết sư cô ấy nhờ làm từ thiện và coi phong thủy nên Phật tử đều là doanh nhân và đại gia cho nên cô rất coi thường người khác, ngay cả chư Tăng.
 
Kể qua một số trường hợp như thế để thấy rằng một số người tu ngày nay không được học cách làm người tu đúng nghĩa. Có thể vị thầy của họ là người tu tốt nhưng do không có thời gian dạy đệ tử nên đệ tử không biết tu như thế nào. Cũng có thể vị thầy của họ cũng là người không tốt nên đã làm tấm gương không tốt cho đệ tử. Ví như vị sư cô kể trên, nếu có đệ tử thì cô sẽ dạy đệ tử điều gì? Hy vọng là không dạy giống như cô, tức là cho rằng mình có điều kiện để rồi chẳng coi ai ra gì.
 
Người tu đúng nghĩa phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy sự giác ngộ làm mục tiêu và lấy tính khiêm cung, tôn trọng người khác làm đức hạnh đối nhân xử thế. Người tu không vì bất cứ lý do gì mà cống cao ngã mạn. Ỷ tiền, ỷ quyền hay ỷ cái gì đó… hãy để cho người thế gian làm. Tu là xả bỏ và tiến tới vô ngã chứ không phải tích lũy và tô bồi cho cái ngã ngày càng to lớn. Lúc chưa đi tu thì còn biết cúi đầu, biết chắp tay, nhưng sau khi xuất gia rồi thì cứ như thể cá chép hóa rồng. Vừa cạo đầu liền nghĩ rằng mình đã chuyển phàm thành Thánh. Nhưng hỡi ơi, ngay cả phép lịch sự tối thiểu giữa người với nhau mà còn không biết thì làm Thánh với ai? Ngay cả tình đồng môn còn không có thì có thể giúp ích gì cho Phật pháp?
 
Trong đạo Phật có một chữ rất hay đó là “đạo tình”, tức là cái tình ở trong đạo, cái tình giữa những người tu với nhau. Cái tình ấy không dựa trên huyết thống, không dựa trên lợi ích mà là dựa trên lý tưởng. Đạo tình là cái tình của những người cùng chí hướng nên vô cùng thiêng liêng. Rất tiếc là ngày nay một số người do không được giáo dưỡng cẩn trọng hoặc do thiếu tu tập, cộng thêm sự tác động của lợi danh mà cái đạo tình ấy, giữa những người tu với nhau, cũng ngày càng phai nhạt. Thậm chí một số nơi, một vài người còn phân biệt đẳng cấp, làm khó dễ nhau. Thật đáng buồn thay!