Vị Cư sĩ lão thành 100 tuổi trải lòng với Giáo hội


Ở tuổi gần 100, cư sĩ Tống Hồ Cầm vẫn còn minh mẫn tiếp PV tại nhà riêng ở đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình, TP.HCM). Vẫn với sự nhiệt thành, bộc trực chứa chất dũng của một người huynh trưởng thuộc tổ chức GĐPT, ông chắt chiu kể nhiều cột mốc của Phật giáo VN gắn với cuộc đời mình. “Báo Giác Ngộ - tiếng nói chính thống của Giáo hội” - vị cư sĩ lão thành nhấn mạnh trong nội dung cuộc nói chuyện với PV.
 
Vị cư sĩ lão thành nhớ lại: “Năm 1953, tôi vào Sài Gòn. Sau đó, tôi cùng cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền vận động lập nên Hội Phật học Nam Việt có trụ sở ban đầu tại Khánh Hưng, rồi sau đó là Phước Hòa; đến khi chùa Xá Lợi (Q.3, TP.HCM ngày nay) thành lập thì Hội chuyển trụ sở qua đây (từ năm 1958)”.

Lục tìm lại những sự kiện quan trọng, cư sĩ Tống Hồ Cầm nói tiếp: “Sau khi thống nhất đất nước (1975), với mong muốn tập hợp các tổ chức, hệ phái Phật giáo ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, theo nguyện vọng của đa số Tăng Ni, Phật tử nên chư tôn đức đã tiến hành cuộc vận động thống nhất. Năm 1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo ra đời, do HT.Thích Trí Thủ, khi đó là Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVN Thống nhất làm Trưởng ban”.

Sau đó một năm, ngày 7-11-1981, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), Đại hội thống nhất các tổ chức Phật giáo lúc bấy giờ đã được tổ chức và Hội Phật học Nam Việt là thành viên, cùng với 8 tổ chức khác vào ngôi nhà chung mang tên GHPGVN.

Từ đó cho đến nay, thấm thoát đã 35 năm hình thành với 7 lần Đại hội. “Tôi tham gia Giáo hội ngay từ ngày thành lập và là Ủy viên Kiểm soát từ nhiệm kỳ I, tận mắt chứng kiến sự phát triển không ngừng của tổ chức mà mình là thành viên, nên rất hoan hỷ. Đó là nhờ sự lãnh đạo của quý Hòa thượng lớn, sự gia hộ của Tam bảo, sự đóng góp của Tăng Ni, Phật tử...”, cư sĩ khẳng định.


Báo Giác Ngộ số đặc biệt về Hội nghị thống nhất Phật giáo VN năm 1981

Trong vai trò là một trong những người tham gia thành lập Báo Giác Ngộ cuối năm 1975 (ra số đầu tiên vào ngày 1-1-1976), cư sĩ Tống Hồ Cầm cho biết, “trong quá trình vận động và thành lập GHPGVN cũng như qua các nhiệm kỳ và cho đến nay, Báo Giác Ngộ đã đóng một vai trò hết sức quan trọng. Báo Giác Ngộ, dù ban đầu là tiếng nói của Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM, là cơ quan ngôn luận của GHPGVN TP.HCM sau này, nhưng là kênh thông tin chính trong việc truyền thông các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, đồng thời phản ánh những tâm tư nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử đối với Phật giáo, nhằm giúp các cơ quan chức năng của Nhà nước điều chỉnh các chính sách về tôn giáo theo hướng cởi mở, tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân”.


“Báo GIÁC NGỘ - tiếng nói chính thống của Giáo hội từ ngày thành lập” - Ảnh: B.Toàn

Là người gắn bó lâu năm với cơ quan này, từ vai trò Trưởng Trị sự, rồi Phó Tổng Biên tập, cư sĩ khẳng định: “Báo Giác Ngộ nay đã 40 tuổi, ra đời trước khi GHPGVN được thành lập (1981), vẫn đang đảm đương sứ mệnh truyền thông của mình, góp phần tích cực trong việc xây dựng và củng cố chánh tín của số đông, góp phần xây dựng GHPGVN, làm chiếc cầu nối giữa Tăng Ni, Phật tử với Giáo hội một cách tốt đẹp”.

An Lạc