Vì mê nên bất hiếu
Bàn tay mẹ - Ảnh minh họa
Cha mẹ sinh con không coi ngày coi tháng, mà nếu có coi (một số trường hợp chủ động sinh mổ) thì cũng coi ngày nào tốt cho con, chứ không coi cho mình. Nhưng khi chôn cất cha mẹ thì con cháu coi ngày rất kỹ, coi ngày nào tốt cho bản thân. Họ không coi ngày nào tốt cho hương linh cha mẹ mà chỉ coi ngày nào họ không bị xui xẻo, có thể làm ăn phát đạt mà thôi. Có người đến chùa hỏi thầy rằng mẹ họ đang thở oxy ở bệnh viện, nhờ coi bà mất ngày giờ nào sẽ tốt. Ông thầy trừng mắt nhìn họ hỏi: “Để mấy người rút ống oxy hả?”. Và dĩ nhiên thầy không coi.
Có người không muốn để tang vì sợ ảnh hưởng không tốt đến công việc làm ăn. Tôi biết một bà cụ có mười người con và rất nhiều cháu chắt. Một đời bà lam lũ nuôi con cháu, nhưng đến khi bà qua đời, có một số từ chối để tang bà với lý do công việc làm ăn của họ đang thuận lợi, sợ để tang e là sẽ có gì thay đổi không tốt. Có trường hợp con cháu xin xả tang ngay sau khi đám tang vừa hoàn mãn. Có người cố gắng đến 49 ngày. Nghe mà ngậm ngùi!
Thật tình tôi không hiểu từ đâu và lúc nào người ta lại có quan niệm cho rằng để tang ông bà cha mẹ là điều có thể ảnh hưởng xấu đến công việc làm ăn. Người xưa sau khi cha mẹ mất phải dựng lều bên mộ phần để canh mộ suốt ba năm. Trong suốt thời gian cư tang, người thọ tang không màng đến việc làm ăn, không trang sức cũng như không được tham gia vào các cuộc vui chơi giải trí, mà phải chí thành chí kính tưởng nhớ đến người đã khuất. Có người nói rằng tục lệ để tang ba năm là của Nho giáo - Trung Quốc, không phải của Phật giáo - Việt Nam nên có thể bỏ. Nếu cho rằng tục để tang ba năm là của Trung Quốc không nên theo thì việc coi ngày giờ tốt xấu cũng là của Trung Quốc sao lại tin quá như vậy? Phải chăng xuất phát từ lòng ích kỷ, cái gì có lợi cho mình thì cho là đúng, còn cái nào bất lợi thì cho là sai.
Riêng tôi cho rằng, dù Nho hay Phật, dù Trung Quốc hay Việt Nam thì đạo Hiếu đều nên được đề cao. Vì công lao cha mẹ như trời như biển, dù có cố gắng hết sức mình cũng chưa thể gọi là đã đền đáp được ơn sâu. Người xưa thận trọng nên thủ tục cũng rườm rà, nhưng nền tảng đạo đức nhờ vậy mà được giữ gìn chu đáo. Người nay cho mình là tân tiến, châm chước mọi điều, cho nên nền tảng đạo đức mới ngày càng suy đồi, ai cũng chỉ biết nghĩ cho bản thân. Để đền đáp công ơn cha mẹ, dù ta có phải chịu cảnh cơ hàn cũng cam, cớ sao lại sợ ảnh hưởng đến việc làm ăn mà cam làm người bất hiếu. Hơn nữa, việc để tang ông bà cha mẹ là việc làm đạo đức của người uống nước biết nhớ nguồn, đâu thể cho là nguyên nhân của làm ăn không khá, vậy còn những người vong ơn bội nghĩa thì lại có thể làm ăn khá được ư?
Ngày má tôi qua đời, một số anh chị tôi, nếu theo sách vở coi ngày thì không được có mặt lúc liệm. Nhưng họ vẫn có mặt và tham gia vào việc tẩn liệm với ý nghĩ rằng, chỉ cần mình làm tròn đạo hiếu, sống đúng đạo làm người, làm con thì dù có xui xẻo cũng chấp nhận. Nhưng rồi họ có bị gì đâu. Ngược lại, họ còn được con cháu noi theo gương hiếu mà kính thương họ vô cùng. Bởi vì:
Nếu mình hiếu với mẹ cha
Thì con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiếu làm gì hoài công.
Còn tôi, đã bao nhiêu năm kể từ ngày má qua đời, tôi vẫn chưa xả tang và luôn mang theo chiếc khăn tang ấy bên mình. Bởi tôi nghĩ, hiếu đạo là việc mà người con phải làm suốt cả cuộc đời, đến chết mới thôi.
Đạo Phật chủ trương nhân quả nghiệp báo. Việc xem ngày tháng tốt xấu chưa chắc đúng. Người Âu Mỹ có coi ngày giờ đâu mà họ vẫn làm ăn tốt đẹp đâu ra đó. Mà dù ngày tháng có đúng nhưng tạo nghiệp xấu hay thiếu phước thì cũng không giúp được gì. Chúng ta chỉ vì một tín niệm mơ hồ mà bỏ cái đạo làm người, làm kẻ bất hiếu vong ơn. Cái nhân xấu như vậy thì làm sao có kết quả tốt cho được.
Xem ngày tháng tốt xấu không được dạy trong kinh Phật, nhưng các Tổ dùng phương tiện ấy để cho người dân có cớ đến chùa, nhân đó giáo hóa họ tu hành. Là những người tu, hơn ai hết, quý thầy cô hiểu rõ những lời Đức Phật dạy về nhân quả. Hơn nữa, lợi ích vật chất không phải là mục tiêu quan trọng nhất của người biết tu, dù là cho xuất gia hay tại gia. Dạy người ta sống có đạo đức, biết ơn, trọng tình nghĩa và xây dựng một xã hội lành mạnh mới là điều mà người con Phật cần nên làm vậy.
- Kỹ năng sống: Làm việc ra sao để có hiệu quả cao?
- Hãy sống lương thiện và trân quý hiện tại
- Khi đi lễ chùa, nên cầu và không nên cầu điều gì không phải ai cũng biết. Sau đây là 9 điều nên tránh cầu khi bạn lên chùa.
- Phát nguyện ăn chay mà không trọn bây giờ phải làm sao?
- Đức Phật dạy buông bỏ 4 thứ không tồn tại vĩnh cửu trong đời này