Làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn
Tôi nghĩ thế, vì tôi thấy, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn có thể bắt đầu bằng những việc nhỏ tí tẹo thường ngày, như ngủ dậy cuốn mền mùng cho gọn, quét cái nhà và sân cho sạch, lau bụi kệ sách và nếu có bàn thờ Phật thì thay nước, cắm hoa, thay chân nhang...
Ăn xong nhớ bỏ rác vào sọt hay vào bao theo quy định. Đi ra đường, đang chạy xe đừng có khạc rồi phun cái vèo mà hổng cần biết người chạy sau. Đừng vượt đèn đỏ và quẹo nhớ xi-nhan. Tắm bớt lại vài phút để tiết kiệm nước và ra khỏi nhà vệ sinh thì tắt đèn để tiết kiệm điện. Đi chùa đừng đốt nhang quá nhiều, thấy có người đốt rồi thì mình khỏi cũng được...
Bao nhiêu là hành vi nhỏ sẽ tạo thành thói quen ứng xử tốt ở bên trong lẫn bên ngoài ngôi nhà mình. Sự ngăn nắp cũng theo quy luật “nhất thiết duy tâm tạo”, theo đó, người nào ngăn nắp bên trong chắc chắn sẽ có sự kỹ lưỡng bên ngoài một cách tự nhiên mà không cần cố gắng gì cả.
Nâng niu một mầm xanh, biết quý trọng thiên nhiên cũng là cách làm cuộc sống tốt hơn
(Ảnh minh họa)
Tôi thấy trên mạng lưu hành một clip khá thú vị về hiệu ứng dây chuyền - bắt đầu từ hành vi vứt cái lon nước đã uống hết ra ngoài và từ đó gây ra bao nhiêu hệ lụy khác như xe đang chạy hốt hoảng gặp nạn, tông vào người sửa điện khiến vòng tròn quấn dây cáp trôi ra đường... Cuối cùng là nổ tung cả một tòa nhà lớn, chỉ vì hành vi vứt cái lon bậy bạ ban đầu.
Do vậy, thay đổi thế giới hay làm đẹp cuộc sống này chính là thấy trong cái duyên ban đầu rất đơn giản (như là không vứt lon bừa bãi) đã có thể tránh gây ra thảm họa (là nổ cả tòa nhà) như ví dụ kể trên.
Cuộc sống theo quy luật duyên sinh diệt, nếu ta điều chỉnh được ý-ngữ-thân theo hướng tốt dù chỉ một chút nhưng hiệu ứng có thể rất lớn. Và ngược lại. Vì thế, trong đạo Phật, vẫn thường nhắc, đừng coi thường ngọn lửa nhỏ, vì có thể làm cháy cả khu rừng. Cũng thế, đừng chê việc lành bé vì biết đâu sẽ chuyển hóa được nhiều người, lan tỏa sự tích cực đến với số đông...