An lạc cho mình, an lạc cho cộng đồng
* MINH THU - Trưởng phòng Nhân sự Indochine Palace tại Huế
Bà ngoại của tôi, một nàng Tôn Nữ xứ Huế, năm nay ngoài 80 tuổi, thường kể tôi nghe về lời chúc thân thuộc của những Phật tử thuần thành ngày xưa, gồm 5 chữ: “Thân tâm thường an lạc”. Thật ra tôi biết đây là một điều khó vô cùng. Thân người bất tịnh, mà tâm lại vô thường, làm sao an lạc nổi. Nhưng khó mới chúc nhau để ráng đạt đến ước nguyện tưởng chừng như giản đơn đó; dễ rồi chúc làm chi nữa.
Bao năm tháng qua, mỗi khi con người sân si nổi lên, tôi thấy mình bị cuốn hút theo một vòng xoáy đầy những nỗi khổ niềm đau, bị kéo đi kéo mãi, tỉnh giác lắm cũng nghĩ là như ở trong giấc mơ, biết mình ở trong mơ nhưng không làm chi được, vẫn cứ là một vai diễn nhiệt thành trong những giấc mơ đời ấy. Nói vui là, ‘đồng chí’ Nghiệp dắt mình đi đâu, mình cứ lò dò đi theo đó.
Sau này trong những lúc nguy nan, tôi tìm được một nơi nương náu đầy an ổn, tôi thành tâm niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, và kỳ diệu thay tôi đã thấy mình không bị nhấn chìm trong cơn sóng gió ba đào. Nhất tâm đảnh lễ Ngài, biết đâu sẽ đến một ngày ánh sáng soi rọi suốt thân tâm, và tự khắc sẽ tìm được một niềm an lạc. Tôi đã có sơ đồ và đang đi đến đó.
* CHÁNH PHONG - Thiết kế nội thất theo tinh thần tối giản, người sáng lập OM DÉCOR
Là một người lựa chọn con đường tu tập ở giữa đời thường, và lẽ dĩ nhiên, khi ở đời thường thì những nghiệp quả đến rất nhanh, với tần số vô cùng dày đặc. Ứng dụng những giáo lý của Đức Phật là cẩm nang để giải thích và chấp nhận mọi thứ, nhưng khi muốn tìm sự an lạc trong mỗi hoàn cảnh, dù khó khăn hay bi đát nhất tôi chỉ sử dụng một thứ duy nhất, đó là “yêu thương”.
Khi ai đó làm bạn sân hận, hay đẩy bạn vào bước đường cùng, câu hỏi trong đầu tôi hiện ra “tôi có đủ yêu thương để tha thứ, hay đứng vào hoàn cảnh của họ để hiểu không?”. Khi tình yêu thương đủ đầy, tôi bỏ qua, và chấp nhận với niềm hạnh phúc vì đã không để những mảng tối, và cái tôi sân hận trỗi dậy. An lạc là cái “quả” bạn được hưởng sau đó. An lạc cũng được tìm thấy ngay cả khi bệnh tật, tôi vẫn luôn trải lòng “yêu thương” của mình trong thiền định, đi đến những vị trí trên cơ thể làm tôi đau đớn, thể hiện tình yêu thương, biết ơn, vỗ về đến mức vi tế, cơn đau dần vơi đi theo tình yêu mà tâm đã phóng chiếu vào cơ thể mình.
Yêu thương không có bóng dáng của sự ích kỷ luôn là chân lý, là cách giải quyết cho mọi vấn đề trong cuộc sống. Lẽ dĩ nhiên, an lạc cũng được xây dựng từ nền tảng đó. Khi muốn biết ai đó có thực sự an lạc hay không, tôi chỉ cần biết họ có đủ tình yêu thương chưa. Vì tình yêu thương là thứ dễ thấy và dễ cảm nhận nhất. Nên để có an lạc, tôi thực hành yêu thương mỗi ngày. Tôi cũng mong những người sống chung quanh tôi cũng cùng tôi thực hành điều đó.
* THÁI THANH MỸ - Bác sĩ, Giám đốc Nha khoa Amy
“Làm thế nào để mỗi người tự tìm thấy an lạc trong mỗi hoàn cảnh của mình?”. Đây quả là một câu hỏi hóc búa. Từ khi được hỏi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Làm việc cũng nghĩ, đi thăm bạn cũng nghĩ, ăn tiệc cũng nghĩ… nhưng đều là nghĩ không ra một câu trả lời trọn vẹn. Quả thật, tôi là người bận rộn, vừa làm chuyên môn vừa làm quản lý, vừa làm kinh doanh. Có đôi khi tôi không biết là mình đã sắp xếp thời gian như thế nào để có thể làm hết những việc trong đời.
Vậy mà sáng nay, bước chân vô lớp yoga, trong không gian chật như nêm của lớp Astanga buổi sáng, tự nhiên tôi lại nghĩ ra. Thật ra, cứ sống đơn giản, sống thật, sống đúng với những gì mình nghĩ, mình cảm nhận, như cách mình sống với yoga vậy, là sẽ an lạc trong cuộc sống.
Chúng ta quả thật không cần phải nhìn ra xung quanh, nhìn vào người khác quá nhiều. Điều duy nhất cần tập trung, chính là cơ thể chính mình, nội tâm chính mình. Thế giới xung quanh xoay chuyển không ngừng, bám víu, dính mắc vào nó chỉ làm bản thân thêm khổ. Đối với tôi, để đạt được những điều tốt đẹp với yoga, chỉ có hai điều quan trọng nhất: Bạn và Thầy của bạn. Thầy sẽ dẫn đường với kinh nghiệm, còn bạn sẽ thực hành để chứng nghiệm. Mỗi ngày, bạn đổ bao nhiêu mồ hôi trên thảm tập, bạn chịu bao nhiêu đau đớn, chỉ có bạn tự mình đối diện, tự mình nỗ lực, tự mình chiến đấu, tự mình vượt qua mà thôi.
Bạn rốt cuộc sẽ không thể làm được tất cả những tư thế khó như người khác. Nhưng có hề gì. Chỉ cần bạn đã sống đúng, sống trọn vẹn với những gì bạn nhìn thấy, bạn suy nghĩ, bạn cảm nhận. Vậy là đủ rồi. Với tôi, an lạc chính là đây.
* HOÀI VIỆT - Đồng Sáng lập Công ty Green & Young
Theo tôi, để tìm thấy sự an lạc trong mọi hoàn cảnh của mình, cần phải có một sức khỏe tốt, một trí óc sáng suốt, một thái độ sống tích cực, và một tấm lòng vị tha.
Có được sức khỏe tốt thì chúng ta mới có thể làm việc tốt để nuôi sống và tạo ra giá trị cho bản thân, cho gia đình và đóng góp giá trị cho xã hội. Một trí óc sáng suốt để ta nhìn mọi sự việc đúng với bản chất, giúp ta có những quyết định phù hợp, vừa tốt cho mình và tốt cho đời. Sống tích cực giúp chúng ta không nản chí, không chùn bước trước những khó khăn của hiện tại, giúp ta vượt qua những sóng gió. Và trên hết, để tìm thấy sự an lạc, đó là phải có lòng vị tha, cũng có thể gọi đó là lòng từ bi ở một nghĩa cao hơn. Vị tha giúp ta xóa bỏ nhiều hiềm khích, sống nhẹ lòng hơn, được thanh thản hơn. Nói tóm lại, tâm thân trí bình ổn, đó là lúc ta tìm thấy an lạc.
* HOÀNG OANH - Giáo viên yoga
Trong đời sống con người có rất nhiều điều không vừa ý, làm cho chúng ta lúc nào cũng phiền muộn, khổ đau, bồn chồn, tự ti và thất vọng. Vậy, làm thế nào để mỗi người tự tìm thấy an lạc? Đây là câu hỏi mà tất cả chúng ta luôn đi tìm lời giải đáp cho chính mình.
Như chúng ta biết, theo lời Phật dạy, nếu muốn được an lạc trong mọi hoàn cảnh, thì trước tiên chúng ta phải luôn tin vào nhân quả, phải hiểu và quán về sự vô thường thì dù mọi việc có đến với mình, là tốt hay xấu ta cũng sẽ được bình thản mà đón nhận. Tiếp theo, đó là phải tự thân sống biết đủ, biết mở tâm bao dung thay cho lối sống vị kỷ. Đem yêu thương chia sẻ cùng với những người khốn khó. Một khi ta biết yêu thương, giúp đỡ mọi người thì điều này sẽ làm cho tâm ta an tịnh và vững chãi hơn trước mọi hoàn cảnh, đây cũng là một phần nằm trong nhân quả đã ảnh hưởng ngược lại đối với tâm chúng ta.
Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là khi đứng trước một sự việc cứ làm hết khả năng của mình. Cho dù kết quả có như thế nào tâm chúng ta cũng không phải hối tiếc và chỉ tập trung vào giây phút hiện tại. Không cần phải gợi lên những ký ức không vui và chôn vùi chính mình trong đó. Chúng ta phải học cách làm quen với những việc này và chấp nhận chúng một cách vui vẻ, phải chuyển hóa trạng thái an lạc trong nội tâm thành một thói quen tự nhiên, nhưng để làm được điều này cần phải có một sự thực tập hàng ngày. Đặc biệt hơn nữa, nếu có thể, hãy bắt đầu thực hành các bài tập về sự chú tâm như thiền định. Đó cũng là phương pháp mang đến cho tôi sự bình an trong mọi hoàn cảnh.
Con người, bằng cách tạo ra sự an bình trong thế giới nội tâm, chúng ta có thể mang nó ra thế giới bên ngoài và điều đó sẽ lan tỏa tích cực đến những người sống quanh ta, từ đó tạo nên một cộng đồng an lạc.