Hà Nội: Thuyết trình Chủ đề “Diễn biến kiến trúc chùa Việt”
TS.Tạ Quốc Khánh |
Buổi nói chuyện thu hút sự tham gia của hơn 50 thính giả ở nhiều độ tuổi và chuyên môn. Nhiều thính giả đã đặt câu hỏi trao đổi ở phần cuối của chương trình.
Trong khoảng thời gian 90 phút, ông đã dẫn dắt người nghe tới những vấn đề khái quát nhất của lịch sử kiến trúc chùa Việt:
Lịch sử, địa bàn phân bố, loại hình chùa Việt: Dưới thời Lý, các chùa đã xuất hiện nhiều ở đồng bằng Bắc Bộ, một số dấu tích cũng được phát hiện ở Tuyên Quang và Thanh Hóa. Sang tới thời Trần, không gian địa lý của các ngôi chùa từ đồng bằng châu thổ sông Hồng mở rộng hơn về cả phía Bắc, phía Đông và phía Tây. Thời Lê Sơ, dấu vết một vài ngôi chùa được tìm thấy ở Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Nội. Sang thời Mạc, các ngôi chùa được xây dựng nhiều ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình… Từ thời Lê Trung Hưng sang thời Nguyễn, các ngôi chùa của người Việt dần được xây dựng trên phạm vi cả nước. Về loại hình chùa, ở giai đoạn nào trong lịch sử cũng tồn tại hai loại hình: chùa do triều đình đầu tư xây dựng với quy mô lớn, có số lượng ít; và chùa do dân đóng góp xây dựng (chùa làng, chùa của dòng họ, chùa tư gia…) với quy mô nhỏ, xuất hiện phổ biến ở nhiều vùng miền.
Diễn biến kiến trúc ngôi chùa Việt: Vị trí – cảnh quan, bố cục mặt bằng, kết cấu kiến trúc
Về vị trí cảnh quan, chùa ban đầu thường được xây xa nơi dân cư, có cảnh quan đẹp, có thể là nơi trao đổi hàng hóa của vùng. Nhiều chùa được xây gần đình, đền tạo thành cụm tín ngưỡng, tôn giáo của làng. Muộn về sau, các chùa được xây dựng gần khu dân cư.
Về bố cục mặt bằng, ông lấy một số ví dụ về bố cục mặt bằng tiêu biểu của chùa Việt như chùa Dạm, chùa Bà Tấm, chùa hương Lãng, chùa Phổ Minh, chùa Dâu, chùa Thầy, chùa Bối Khê, chùa Đậu, chùa Keo…
Kết cấu kiến trúc: Về mặt cấu tạo kiến trúc, các công trình kiến trúc gỗ Việt Nam nói chung và ngôi chùa nói riêng có 3 phần cơ bản:
+ Phần nền móng: chỉ có móng rất đơn giản, bao gồm móng tường bao che và một số công trình có gia cố phần móng cột.
+ Phần thân: gồm kết cấu khung gỗ chịu lực và các kết cấu bao che, ngăn chia.
+ Phần mái: bao gồm kết cấu đỡ mái (dàn mái) và kết cấu mặt mái.
Đặc điểm vật liệu: kết hợp cả vật liệu tự nhiên và vật liệu nhân tạo trong xây dựng, vật liệu tự nhiên chiếm tỉ lệ lớn hơn. Mỗi công trình thường sử dụng một loại vật liệu chủ đạo cho một kiểu kết cấu chịu lực chính. Do đặc điểm của vật liệu tự nhiên nên khẩu độ công trình không lớn (khoảng 3 – 4m), chiều cao cũng vừa phải (4 – 6m cho một tầng).
Kĩ thuật xây dựng: sử dụng các quy trình kĩ thuật truyền thống, có sự bổ sung hoàn thiện theo thời gian. Kĩ thuật xây dựng hoàn toàn thủ công. Thiết kế xây dựng chỉ mang tính nguyên tắc. Hệ thống đo lường không thật sự chuẩn mực. Chất lượng vật liệu không đồng đều. Quy cách xây dựng mang tính tương đối.
Để chuyển tải một dung lượng thông tin lớn và phức tạp, ông cũng sử dụng một lượng ảnh lớn, cung cấp hình ảnh trực quan về tổng thể ngôi chùa, mặt bằng di tích, cấu kiện, vật liệu…
Nguyễn Đình Hưng