Lào: Đoàn công tác khảo sát và nghiên cứu các ngôi chùa VN tại tỉnh Khăm Muộn và Xa Vẳn Na Khẹt
Tiếp tục hành trình chuyến đi khảo sát và nghiên cứu các ngôi chùa Việt Nam tại Lào. Ngày 3/9, Đoàn Trung ương GHPGVN, đồng hành có đại diện Liên minh Trung ương PG Lào, Ban Tôn giáo Chính Phủ, Viện nghiên cứu Tôn giáo, Đại sứ quán và Ban điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào đã đến tỉnh Khăm Muộn và tỉnh Xa Vẳn Na Khẹt.
Tại Khăm Muộn, Đoàn đến thăm Văn phòng Liên minh Phật giáo tỉnh. Đón tiếp có Hòa thượng Bounthai Chathaphaichith – Chủ tịch Liên minh Phật giáo tỉnh, cùng chư Tăng làm việc tại đây hoan hỹ đón tiếp phái đoàn Trung ương GHPGVN và các ban ngành chính quyền Việt Nam đến thăm.
Thay mặt đoàn, HT.Thích Bửu Chánh – ủy viên TT HĐTS, phó TT Ban văn hóa TƯ đã gởi lời chúc an lành đến chư Tôn đức Liên minh Phật giáo tỉnh, đồng thời cảm ơn sự quan tâm của Phật giáo tỉnh đã giúp đỡ cho chùa Bồ Đề – Việt Nam và cộng đồng người Việt thuận lợi để sinh sống và sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo theo truyền thống văn hóa Việt Nam, và hòa nhập cùng văn hóa Lào.
Tiếp tục, Đoàn đến chùa Bồ Đề để thăm Hội người Việt đang sinh sống tại TP. Thà Kẹt, tỉnh Khăm Muộn. Đón tiếp Đoàn có đại diện Cục Tôn giáo Dân tộc thuộc Bộ nội vụ Lào, Ủy ban xây dựng mật trận tỉnh, Hội người Việt TP.Thà Kẹt và gần 200 Phật tử chùa Bồ Đề đã ân cần tiếp đón.
Tại đây, Đoàn đã dâng hương cúng Phật và tụng kinh cầu nguyện tại chánh điện chùa Bồ Đề dưới sự chủ trì của chư Tôn đức Trung ương GHPGVN và PG Lào. Sau đó, Đoàn có buổi gặp gỡ, thăm hỏi và tìm hiểu đời sống sinh hoạt cộng đồng người Việt tại đây. Thông qua đó, mọi người trong đoàn cũng hiểu phần nào về lịch sử hình thành chùa Bồ Đề.
Được biết, Chùa Bồ Đề được thành lập từ 1938, do Hòa thượng Trung Quán đi du hóa tại Lào có cơ duyên thành lập nên, từ đó giao cho Hội người Việt tại đây chăm sóc cho đến ngày hôm nay. Chùa có diện tịch hơn 4000m2, bao gồm trường Mầm Non, Tiểu Học và Trung học đươc xây dựng trong chùa từ năm 1982 để dạy học cho người Việt kiều và cả người Lào. Chùa đang trong giai đoạn trùng tu lại chánh điện và chưa người Trụ trì.
Hơn 80 năm chùa Bồ Đề có mặt TP.Thà Kẹt, Chùa là nơi gìn giữ và bảo tồn nền văn hóa dân tộc Việt nơi đất Lào, cũng điểm tựa tinh thần cho hơn 1250 người Việt đang sinh sống tại đây. Qua nhiều hế hệ, mọi người nơi đây luôn sống đoàn kết, thân thiện và hòa nhập với nền văn hóa bản sứ nhưng vẫn giữ nét truyền thống văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam.
Chùa Pháp Hoa nằm tại huyện Seno, tỉnh Xa Vẳn Na Kẹt, với diện tích gần 1500m2, được thành lập từ 1986. Lúc đầu chùa là ngôi miếu nhỏ, sau này được chư Tăng từ Việt Nam qua hoằng pháp và mở rộng trở thành một ngôi chùa cho cộng đồng người Việt tại đây có nơi sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng. Được biết, tại huyện Seno có 70 gia đình là người Việt kiều.
Từ năm 2001, trong một lần du hóa nơi đất Lào, ĐĐ.Thích Thiện Đức ghé thăm chùa Pháp Hoa. Cũng kể từ đó, tín đồ Phật tử nơi đây có sự quý mến và mong Đại đức ở lại tiếp quản Trụ trì để hướng Phật tử nơi đây tu học theo đúng chánh pháp. Sau 18 năm trụ trì, Đại đức Thiện Đức cho trùng tu lại chùa Pháp Hoa được trang nghiêm như hiện nay.
Tại chùa Bồ Đề và chùa Pháp Hoa Seno, chư Tôn đức trong đoàn ân cần thăm hỏi sức khoẻ và đời sống của cộng đồng người Việt tại đây. TT.Thích Thọ Lạc – ủy viên Thư ký HĐTS, Trưởng Ban văn hóa TƯ đã thay mặt GHPGVN khái quát sơ bộ nội dung và chương trình của chuyền đi “Khảo sát và nghiên cứu các ngôi chùa Việt Nam tại Lào” cho Hội thảo khoa học sắp đến của Ban văn hóa TƯ kệt hợp cùng Viện nghiên cứu Tôn giáo. Cùng đó, Thượng tọa trưởng đoàn cũng đón nhận những tâm tư và nguyện vọng của Hội người Việt TP. Thà Kẹt và tỉnh Xa Vẳn Na Kẹt. Từ đó kiến nghị lên chính quyền nhà nước Lào, cũng như Trung ương GHPGVN và Liên minh Trung ương PG Lào giúp đỡ.
TT.Thích Minh Quang – Ủy viên HĐTS, Trưởng ban điều phối Phật giáo VN tại Lào chia sẻ thêm về Ban điều phối, là cơ quan gắn kết Tăng, Ni, Phật tử người Việt Nam tại Lào; từ đó có sự quan tâm sâu sắc đến đời sống tinh thần và tín ngưỡng của đồng bào Việt kiều. Thông qua chuyến đi, Ban điều phối cũng mong đón nhận các tâm tư, nguyện vọng của đồng bào Việt kiều, từ đó tìm cách đáp ứng và giải quyết mọi khó khăn nhằm nâng cao đời sống tốt đẹp hơn.
Thực hiện: Đăng Huy – nhóm phóng viên PSO