Lào: Khai mạc Hội thảo quốc tế “Phật giáo Việt Nam tại Lào”
Nhằm giữ gìn, bảo tồn những giá trị lịch sử văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Lào; sáng nay, ngày 9/12, tại Hội trường Viện Xã hội học (thủ đô Viêng Chăn) đã chính thức diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Phật giáo Việt Nam tại Lào: Lịch sử, Thực trạng và Định hướng phát triển” do Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng với Viện Xã hội học, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào và Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức.
Tham dự Hội thảo, về phía GHPGVN có: HT.Thích Thanh Nhiễu, HT.Thích Thiện Pháp – đồng phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; HT.Thích Thiện Tâm, HT.Thích Bảo Nghiêm, HT.Đào Như – đồng phó Chủ tịch HĐTS; TT.Thích Đức Thiện – phó Chủ tịch kiêm tổng Thư ký HĐTS, trưởng Ban Tổ chức; HT.Thích Thanh Điện, HT.Thích Huệ Thông – đồng phó Tổng thư ký HĐTS; HT. Thích Huệ Minh – Uỷ viên TT HĐTS, Trưởng Ban nghi lễ TƯ; HT. Danh Lung – Uỷ viên Thư ký HĐTS; TT.Thích Thọ Lạc – Uỷ viên Thư ký HĐTS, Trưởng Ban Văn hoá TƯ; HT. Thích Bửu Chánh, TT.Thích Phước Nguyên – đồng Uỷ viên TT HĐTS; HT.Thích Thanh Giác – Uỷ viên HĐTS, phó Ban TT Ban Nghi Lễ TƯ; TT.Thích Minh Nhẫn – Uỷ viên HĐTS, Tổng Biên tập kênh Phật sự online TV; TT. Thích Minh Quang, Uỷ viên HĐTS, Trưởng ban điều phối GHPGVN tại Lào; cùng chư Tôn đức HĐTS, Văn phòng 1 và 2 TƯ, Ban Văn hoá TƯ, Ban Phật giáo quốc tế TƯ, và Ban Nghi lễ TƯ.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện của chư Tôn đức lãnh đạo Trung ương Liên minh Phật giáo Lào, các ban ngành chức năng Việt Nam và Lào,Các viện nghiên cứu và các nhà khoa học; Viện nghiên cứu Tôn giáo VN; Viện Khoa học Xã hội quốc gia Lào; Ban liên lạc Quân tình nguyện Việt – Lào; các nhà nghiên cứu khoa học, giới học giả trí thức Lào và Việt Nam và các Hội người Việt Nam tại Lào.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tọa Thích Thích Đức Thiện nhấn mạnh, “Hội thảo khoa học quốc tế tại Lào với chủ đề “Phật giáo Việt Nam tại Lào: Lịch sử, Thực trạng và Định hướng phát triển” nhằm làm rõ sự hình thành, phát triển, hiện trạng của Phật giáo Việt Nam tại Lào, những đóng góp của Phật giáo Việt Nam tại Lào đối với cộng đồng Việt Kiều, cũng như đối với việc xây dựng, phát triển đất nước Lào, củng cố phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa Việt Nam và Lào. Hội thảo khẳng định sự quan tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với Phật giáo Việt Nam tại Lào.”
Thượng toạ trưởng Ban tổ chức cũng nhấn mạnh, “đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Việt Nam tại Lào là một bộ phận quan trọng. Theo đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện để cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Lào đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam, tăng cường giao lưu, hội nhập với văn hoá Lào, là cầu nối giữa Phật giáo Việt Nam và Liên minh Phật giáo Lào, cũng như thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào.”
Đại diện Liên minh Trung ương Phật giáo Lào có lời phát biểu, khái quát sơ lược lịch sử và quá trình hình thành Phật giáo du nhập vào đất nước Lào hơn 1000 năm trước. Thượng toạ cũng cho biết, nhân dân 2 nước đã có sự gắn kết thân thiết cùng đấu tranh chống thực dân Pháp từ thế kỷ trước. Theo đó, người Việt di cư sang Lào sinh sống luôn được người dân và đất nước Lào quan tâm và giúp đỡ trên nhiều lĩnh vực, cùng đó các ngôi chùa Việt được xây dựng tại Lào đã góp phần làm cầu nối giao lưu nền văn hoá và tín ngưỡng giữa 2 quốc gia vùng Mê Công.
Dịp này, Uỷ ban mật trận Tổ quốc Lào, Viện xã hội Lào và Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cũng có lời phát biểu chúc mừng cho Hội thảo thành công tốt đẹp.
Được biết, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 30 bài tham luận từ các học giả trí thức, nhà nghiên cứu 2 nước Lào và Việt Nam. Nội dung các bài tham luận được chia làm 4 nội dung chính là: 1. Lịch sử du nhập và quá trình phát triển của Phật giáo tại các cộng đồng người Việt Nam ở Lào; 2. Thực trạng Phật giáo Việt Nam tại Lào hiện nay; 3. Vai trò của GHPGVN trong việc phát triển cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Lào; 4. Giá trị và vai trò của Phật giáo đối với cộng đồng người Việt tại Lào; 5. Phật giáo Việt Nam và Lào trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước Lào; 6. Những khó khăn, vướng mắc của Phật giáo Việt Nam tại Lào và hướng giải quyết.Một số hình ảnh của buổi lễ:
BTV PSO