Ý nghĩa của bài Kinh Chuyển Pháp Luân - Bài Pháp đầu tiên
“Vì Pháp mà Ngài đã chứng ngộ thật cao sâu, khó thấy, khó chứng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới thấu hiểu được, còn đối với hàng phàm phu thường bị ái dục lôi cuốn, say đắm ngũ dục, thật khó có thể liễu ngộ; Do vậy, khiến Ngài e ngại rằng: “nếu như Ta thuyết pháp mà mọi người không thấu hiểu được ý tưởng của Ta, thì quả là khổ não cho Ta.” Đúng lúc Ngài đang trăn trở như vậy, thì có vị đại Phạm thiên Sahampati đến đỉnh lễ và cung thỉnh Thế Tôn hãy vì thương sót cứu độ chúng sinh mà thuyết pháp, cho đến ba lần liên tục thỉnh như vậy; Lúc bấy giờ, Đức Phật đồng ý với lời thỉnh cầu của Đại Phạm Thiên và hứa sẽ thuyết pháp độ sinh.
Sau khi Đức Phật quyết định chuyển bánh xe chính pháp, Ngài liền nghĩ đến đối tượng nghe pháp đầu tiên là ai? Khi đó, Ngài liền nghĩ ngay đến hai vị đạo sĩ Alala kalama và Uất Đầu Lam Phất, nhưng sau đó hay tin là hai vị này đã qua đời. Cuối cùng Ngài quyết định đến vườn Lộc uyển (Deer Park, Mṛgadāva), thành Ba La Nại, nơi Ngài đã cùng tu khổ hạnh với năm anh em Kiều Trần Như để thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkhappavatana), chuyển bánh xe pháp và thành lập Tăng đoàn. Ngay sau khi Đức Phật thuyết giảng xong Kinh Chuyển Pháp Luân thì ngôi Tam Bảo được hình thành. Sự kiện đặc biệt này, chính là thời khắc và dấu ấn vô cùng thiêng liêng và quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển lịch sử Phật giáo.
Bài kinh Chuyển Pháp Luân là bài giảng đầu tiên ngay sau đức Phật chứng đạo 7 tuần, tại vườn Nai để chuyển bánh xe chính pháp “Turning of the Wheel of the Dhamma”. Đây là bài pháp căn bản định hướng lối sống trung đạo và chỉ rõ bốn sự thật cao quý cho mọi người ứng dụng tu hành để xa lìa sự đau khổ đạt được sự an vui, Niết Bàn. Bốn sự thật ấy chính là chân lý về Khổ (dukkha), nguyên nhân sinh khổ (Dukkha-Samudaya), sự chấm dứt đau khổ (Dukkha-nirodha) và con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ (Dukkha-nirodha-Marga). Bài pháp này là giáo lý nền tảng căn bản của Phật giáo và được xem là thiện pháp tối thắng. Tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) đã từng nhận định: “Chư Hiền giả, ví như tất cả dấu chân của mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này là to lớn trong tất cả dấu chân về mặt to lớn. Cũng vậy, chư Hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong tứ Thánh đế.” Dhammacakka, Phạn ngữ thường được phiên dịch là ‘Vương Quốc của Chân Lý’, ‘Vương Quốc của sự Chính Đáng’, ‘Bánh Xe Chân Lý’. Như vậy, Dhammacakkhappavatana là vận chuyển bánh xe Chính pháp.
Nội dung chủ yếu của bài kinh là nói lên chân lý sự thật và con đường trung đạo. Con đường trung đạo chính là con đường tránh 2 cực đoan, không say đắm ngũ dục, cũng không ép xác khổ hạnh thái quá, cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa thân và tâm, dung hoà giữa con người với con người, giữa con người với thế giới thiên nhiên, giữa quốc gia với quốc gia, giữa tổ chức này với tổ chức khác và lấy Bát chính đạo làm nền tảng và kim chỉ nam để đạt đến triết lý trung đạo, nhằm xây dựng một thế giới thực sự hoà bình, khiến cho nhân loại và tất cả chúng sinh đều được giải thoát và an vui.
Đức Phật vận chuyển bánh xe chính pháp theo lộ trình: “3 chuyển, 12 hành, gồm: Thị chuyển, Khuyến chuyển và Chứng chuyển. Thị chuyển là Phật chỉ bày bốn sự thật một cách rõ ràng và khách quan; Khuyến chuyển là Phật khuyến khích 5 vị Tỳ khưu và các đệ tử cần phải thấu hiểu và ứng dụng bốn chân lý ấy một cách triệt để; Chứng chuyển là thực sự xa lìa được sự đau khổ và thực chứng được nội tâm an lạc, giải thoát và Niết Bàn; thực hiện một cách rốt ráo cho đến 3 lần như vậy, đó chính là 3 chuyển 12 hành, lộ trình hết khổ được vui mà Đức Phật đã chỉ dậy trong bài pháp đầu tiên.
Sau khi Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân, năm anh em Kiều Trần Như đã giác ngộ, chứng thánh quả A la hán. Khi đó Đức Phật đã khuyên các vị Tỳ khưu hãy lên đường thuyết giảng chân lý vì hạnh phúc an lạc cho chư thiên và loài người. Đức Phật vận chuyển bánh xe chánh pháp, mở ra con đường giác ngộ giải thoát cho chúng sinh. Khi mà cả nhân loại đang chìm đắm trong bóng đêm, thì đức Phật như vì sao băng chống lại bóng tối của bầu trời đêm, thổi một cơn gió mát mẻ vào thành trì kiên cố của tư tưởng Vệ Đà và đã rọi tia nắng ấm áp cho màn đêm tâm thức của con người. Bình minh tiếp tục rạng soi trên khung trời triết học phương Đông và toàn thể nhân loại.
Sự kiện đức Phật vận chuyển bánh xe Chính pháp là sự kiện lịch sử trọng đại của toàn thể nhân loại. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển mình vĩ đại trong tâm thức của mỗi con người và có thể khẳng định rằng: tất cả mọi người, nếu nương theo Chính pháp của Như Lai mà tu tập thì đều có thể đạt được giác ngộ, giải thoát.
Kỷ niệm về sự kiện đức Phật chuyển bánh xe Chính pháp là kỷ niệm về sự xuất hiện ánh sáng chân lý đưa hết thảy chúng sinh đến bờ an vui giải thoát. Người con Phật hãy nương theo Chính pháp, tự mình thắp sáng ngọn đèn chân lý để tinh tiến trên con đường tu học mang lại an lạc cho tự thân và tha nhân.
Chính vì vậy, vào tháng 11 năm 2011, tại New Delhi đã tổ chức Đại hội Phật giáo Toàn cầu (GBC) với sự tham dự của hơn 800 đại biểu và quan sát viên từ các tổ chức và cơ sở Phật giáo từ khắp nơi trên thế giới, những người đã cùng nhau giải quyết các vấn đề chung mà thế giới hiện đại phải đối mặt từ quan điểm của Phật giáo.
Với khẩu hiệu: Trí tuệ Tập thể: Tiếng nói Thống nhất, những người tham dự GBC đã nhất trí thông qua nghị quyết thành lập một cơ quan bảo trợ quốc tế – Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC). Mục đích của tổ chức này là tạo ra một vai trò cho Phật giáo trên trường quốc tế để giúp bảo tồn di sản của Phật Giáo. Từ đó, Liên đoàn Phật giáo quốc tế đã chính thức được thành lập ngày 2/11/2012. Và tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn diễn ra tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã một lần nữa khẳng định “Con đường của Đức Phật là con đường của tương lai và con đường của sự bền vững”.
Tiếp nối tinh thần ấy, từ năm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất lấy bài Kinh Chuyển Pháp Luân là bài kinh tụng chung cho tất cả các Tăng Ni và Phật tử, các hệ phái Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước, và sẽ sớm ra mắt Trụ Kinh được khắc bài Kinh Chuyển Pháp Luân bằng 3 thứ tiếng: Việt, Pali và Anh ngữ, với mong muốn được dựng tại Vườn Nai - Ấn Độ, nơi Đức Phật đã thuyết giảng bài Kinh này và lan toả tại các chốn tự viện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần tăng thêm nhận thức và ứng dụng lời dậy của Đức Phật, nhằm xa lìa các bất thiện pháp, hướng con người đến chân, thiện, mỹ, xây dựng một cộng đồng nhân loại thực sự hoà bình và hạnh phúc.
Kính lễ Đức Phật Thích ca Mâu ni – tác đại chứng minh
Hoà thượng Thích Thọ Lạc
Trưởng Ban Văn hóa Trung ương GHPGVNKính mời các Chư Tôn Đức lắng nghe bài pháp đầu tiên của Đức Phật.