Bỏ cả hũ tro cốt xuống sông liệu có đúng?
HỎI: Tôi có người thân mất, hỏa táng xong, buổi chiều gia đình lấy tro cốt và mang cả hũ (không mở ra) thả xuống sông. Xin hỏi làm như vậy có đúng không? Có ảnh hưởng gì đến sự siêu thoát của người đã mất?
(CHƯƠNG PHẠM, duychuong...@gmail.com)
Phần tro cốt còn lại đem rải sông (bốc từng nắm hay thả cả hũ) về bản chất không khác nhau - Ảnh minh họa
ĐÁP:
Bạn Chương Phạm thân mến!
Theo Phật giáo, con người sau khi chết thì thần thức theo nghiệp tái sinh, còn xác thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa) thì trả về cho tứ đại. Theo phong tục tập quán của từng xứ sở, phần thân xác tứ đại sau khi chết có thể có thể xử lý bằng nhiều cách như hỏa táng (thiêu), địa táng (chôn), thủy táng (thả sông biển), hoặc lâm táng (bỏ trong rừng), thậm chí là không táng (treo lên cây) hay điểu táng (cho kền kền ăn).
Vì thế, khi hỏa táng xong, phần tro cốt còn lại đem rải sông (bốc từng nắm hay thả cả hũ) về bản chất vẫn không khác nhau và không ảnh hưởng gì đến sự siêu thoát của người chết cả.
Có điều, khi rải tro cốt, tuy không cần phải lễ nghi phức tạp nhưng thân nhân cũng nên thực hiện trong sự im lặng, chậm rãi, mong mỏi người thân được sinh về cõi lành, mỗi người rải một nắm trong sự thành kính tiễn biệt sẽ ý nghĩa và trọn tình hơn “bỏ cả hũ tro cốt xuống sông”.
Chúc bạn tinh tấn!
Tổ Tư vấn