Cần làm gì khi đến chùa?
Từ xưa đến nay, việc đến chùa không chỉ để tham quan thắng cảnh mang tính chất du lịch, người đến chùa còn mong muốn tìm cầu một sự bình an, thanh thản, an lạc, giải tỏa bớt những lo âu, phiền muộn và những nỗi khổ đau trong cuộc sống đời thường. Ngoài ra, người đến chùa cũng mong muốn được học hỏi thêm những điều hay lẽ phải, những lời dạy quý báu trong Phật Pháp để sống được an lạc và hạnh phúc hơn. Xa hơn nữa là người đến chùa còn để làm những việc công đức phước thiện, thực hành những nghi lễ phép tắc và được tu tập trong giáo lý giải thoát của Phật đà.
Đạo Phật là một nền giáo dục hướng thượng. Tinh thần của Đức Phật là hướng con người đến chỗ hoàn thiện cả về nhân cách, phẩm chất đạo đức và năng lực của chính mình. Những nguyên tắc hướng thượng đó thường là các khuynh hướng hành động có lợi ích, suy nghĩ đúng đắn và ứng xử phù hợp. Đó chính là những nguyên tắc mà Đức Phật đã dạy: Không làm các việc ác, nỗ lực làm việc thiện và thanh lọc tâm ý. Tóm lại, đạo Phật là con đường đưa đến cái chân-thiện-mỹ trong cuộc sống và sự an lạc giải thoát cho đời này và đời sau.
Chùa là nơi trang nghiêm thanh tịnh, nơi thực hiện các nghi lễ mang tính tâm linh và tu tập. Đó là nơi thờ tự các hình tượng của chư Phật, chư vị Bồ tát, chư Thánh Hiền Tăng, chư anh linh Thánh tử đạo, chư vị tiền bối hữu công, cũng như những người có công với đất nước, với dân tộc và đạo pháp. Ngoài ra, chùa còn là nơi giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là nơi lưu giữ hồn thiêng của tổ quốc. Thế nên người đến chùa cần phải giữ gìn sự trong sạch, ăn mặc phù hợp và nói năng ứng xử cũng phải phù hợp.
Khi bước vào cổng chùa chúng ta thường phải nhớ nghĩ rằng, đây là không gian tôn nghiêm và yên tĩnh nhất. Đây là nơi để mọi người thực hiện việc chiêm ngưỡng và lễ lạy (chiếm bái) đối với chư Phật và chư vị Bồ tát, những bậc xuất trần thượng sĩ, để tỏ lòng tôn kính và cầu nguyện những điều tốt đẹp cho chính mình, cho gia đình và cho mọi người.
Thế nên, cần giữ gìn sự trang nghiêm, thanh tịnh, thành tâm, để cảm thấy được gần gũi với Phật, tiếp nhận sự gia trì của chư Phật để có được sức mạnh tinh thần mà vượt qua những khổ đau trong cuộc sống. Đây là lý do khiến mọi người thường xuyên đến chùa.
Cổng chùa
Cổng chùa thường được xây theo lối Tam Quan trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Tam Quan, theo chữ Hán có nghĩa là Tam quán, nghĩa là 3 phép quán: quán không, quán giả và quán trung. Tam Quan còn được hiểu là “Tam giải thoát môn” hay “Tam môn”, là ba cánh cửa của Không, Vô tướng, Vô tác (Vô nguyện) theo cách hiểu của Thiền Tông. Không-Giả-Trung là ba phép quán phổ quát trong tư tưởng Phật giáo Đại thừa, là đặc thù của Phật giáo Việt Nam. Quán Không là quán hết thảy các pháp đều không, tức là quán thấy tất cả sự vật đều không có thể tánh riêng biệt, do vì chúng chỉ được tạo thành từ nhiều yếu tố khác nhau nên gọi là do duyên hay nhân-duyên sanh. Chúng được gọi tên từ nhiều yếu tố kết hợp tạo thành này, mà tên gọi của nó lại không có liên hệ gì với mỗi yếu tố tạo nên chúng, nên gọi là giả, hay giả danh (danh từ giả tạm, vay mượn). Tuy nhiên, dù là giả, chúng vẫn hiện hữu trước giác quan của chúng ta mà chúng ta thường xem như chúng là thật. Do vì, có mà không thật đó nên gọi là trung. Đó chính là nghĩa trung đạo, hay quán trung đạo, là phép quán không bị chấp thủ vào cái Không và cái Giả của sự vật. Nếu quán được như thế thì xa lìa sự sai biệt và tự tại đối với tất cả các pháp.
Ngoài ra, cổng Tam Quan còn được hiểu là cổng Tam Bảo hay nói chung là cổng chùa. Bởi vì, khi nói đến chùa là nói đến Tam Bảo. Ở giữa tượng trưng cho ngôi vị Phật. Do vì ngôi vị này là cao nhất nên chùa ít khi nào đi cổng giữa, mà thường là đi hai cổng bên gọi là Pháp và Tăng.
Tam Bảo là gì? Tam Bảo gọi là Ba Ngôi Báu Phật, Pháp, Tăng. Phật là đấng Giác ngộ, là người khai sáng đạo Phật. Pháp là lời dạy của Phật. Tăng là đoàn thể xuất gia tu hành theo giáo pháp của Ngài. |
Điện Phật
Điện Phật là nơi tôn nghiêm nhất trong một ngôi chùa. Điện Phật thường được gọi là Chánh điện, là Điện lớn, hay Điện trung tâm, là nơi chủ yếu thờ tự chư Phật, chư đại Bồ tát. Đây là nơi thường xuyên diễn ra các nghi lễ linh thiêng nhất trong đạo Phật như cầu an, cầu siêu, các thời khóa tụng niệm và tu tập.
Đối với chư Tăng Ni, mỗi khi bước vào Chánh điện họ đều phải nhất tâm tụng đọc các bài kệ của Giới Luật để duy trì chánh niệm và sự tôn kính. Bởi vì, đối với chư Tăng Ni, mặc dù không phải thời hành lễ thì nơi đây cũng là nơi chư Phật, chư đại Bồ Tát, Hộ pháp thiện thần, già lam Thánh chúng trong mười phương câu hội, tọa vị, kinh hành, lễ bái trong suốt sáu thời.
Trước khi vào Chánh điện, người viếng thăm cần lưu ý tháo bỏ giày dép và để vào một nơi thích hợp, hoặc chú ý đến những bảng chỉ dẫn cách thức để giày dép mà làm cho phù hợp. Bởi vì giày dép là thứ chúng ta mang dưới chân, giẫm đạp nhiều thứ dơ bẩn nên cần phải để lại bên ngoài mỗi khi đi vào bên trong Chánh điện. Đối với nhiều truyền thống tôn giáo, giày dép thường phải được tháo ra và bỏ lại ở một nơi rất xa phía ngoài các điện lớn; hoặc là họ cho mang những thứ thay thế, hoặc là chỉ đi chân không vào trong suốt khu vực bên trong.
Khi vào bên trong Chánh điên, cần giữ yên lặng, chánh niệm, duy trì sự tôn kính đối với các hình tượng Phật và Bồ tát. Cần phải đứng trang nghiêm trước các Tôn tượng, cúi đầu lễ lạy hoặc quỳ gối chắp tay thành kính để cầu nguyện, hoặc đảnh lễ ba lạy với ý nghĩa là lễ Tam Bảo với lòng tôn kính, tri ân, giữ tâm không còn dính mắc, không nhớ nghĩ đến bất kỳ chuyện gì khác ngoài việc đem hết lòng thành dâng lên cúng dường chư Phật, bày tỏ những lỗi lầm của mình để thành tâm sám hối, cầu xin chư Phật thương xót, cứu giúp cho mình có nhiều nghị lực để vượt qua những hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống.
Nếu có thì giờ, hãy ngồi lại vài phút để thiền quán, tụng đọc một vài kinh chú, quán tưởng, thể nhập một vài Pháp môn nào đó, chiêm nghiệm về sự vô thường của thế gian và cuộc đời. Không nên ngồi dựa vào vách điện Phật, hay duỗi chân hướng về các Tôn tượng, hoặc ngồi không ngay ngắn, nói chuyện hay nằm dài trên nền điện Phật; cũng không nên treo giỏ sách, vật dụng vào vách Chánh điện hay để trên các kệ kinh, bệ thờ, bởi vì điều đó có thể làm tổn hại tâm tánh của chính mình, chư Thánh Hiền, Hộ pháp, Thiện thần trong chùa quở phạt.
Không quấy rầy sự lễ lạy hay sự yên tĩnh của người khác bằng cách đi ngang trước mặt họ, hoặc cười nói lớn tiếng, cử động và di chuyển gây tiếng ồn đến với họ. Tránh việc cười nói lớn tiếng ở gần họ. Nếu trường hợp ở chỗ đông người phải đi ngang qua phía trước thì cũng phải nhẹ nhàng và cúi đầu xuống. Tránh đứng phía sau tôn tượng với những cử chỉ thiếu trang nghiêm như cười nói đùa giỡn sẽ làm ảnh hưởng đến những người đang cầu nguyện.
Sau khi tham quan, lễ bái, người thăm viếng cần phải cúng dường chút ít tài bảo tùy theo khả năng của mình vào trong các thùng công đức hay phước sương được đặt trong đây để gieo trồng phước đức nhân duyên với Phật Pháp, hoặc cầu nguyện công đức phước thiện cho bản thân, gia đình trong đời này, đời sau. Hoặc có thể đến các phòng khách hay phòng tiếp lễ của chùa để thỉnh cầu những suy nghĩ của mình hay cúng dường Tam bảo. Cần lưu ý rằng, khi cúng dường vào các thùng công đức, hãy ấn tiền cúng dường cho lọt hẵn vào bên trong để tránh trường hợp có người nhìn thấy tiền liền khởi lòng tham mà làm điều xằng bậy. Cần nhớ rằng tài vật cúng dường nhiều ít là điều không quan trọng bằng tấm lòng của chính mình.
Thế nào là xá, lạy và đảnh lễ? Xá nghĩa là chắp tay cúi đầu xuống, mắt hướng xuống phía dưới một chút. Lạy nghĩa là lễ lạy hay đảnh lễ, là cách thức chắp tay cúi rạp người xuống, lần lượt là tay, đầu, khủy tay, đầu gối, hai chân phải chạm mặt đất; trán chạm vào hai bàn tay để ngữa hoặc để xấp. Cách lễ lạy này được gọi là “ngũ thể đầu địa”, hay “năm vóc gieo xuống đất”. |
Chụp ảnh
Trong các ngôi chùa ở Việt Nam, việc chụp ảnh không phải là điều quá khắc khe, vậy nên người thăm viếng có thể dễ dàng chụp hình để làm kỷ niệm. Tuy nhiên, cần phải biết rằng chùa chiền không phải là các danh lam thắng cảnh chỉ để du ngoạn và thưởng thức, mà là nơi để tất cả mọi người cùng phát khởi lòng thành, thiện tâm, lễ bái, và tu tập. Vậy nên cần phải hết sức lưu ý khi chụp hình. Không nên để âm thanh của máy chụp hình phát ra, cũng như ánh sáng của máy hình lóe lên, bởi vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến những người khác với những sinh hoạt khác nhau của họ. Điều đó cần phải thật nhẹ nhàng cũng như điều chỉnh tư thế cũng phải cho nhỏ nhẹ. Nếu như mỗi chùa có những quy định riêng về việc chụp hình thì cũng nên hoan hỷ tuân theo…
Cách ăn mặc và diện mạo
Cách ăn mặc là yếu tố rất quan trọng khi thăm viếng cảnh chùa, đặc biệt nhất là khi đi vào bên trong các điện để lễ Phật, lễ Tổ, tham quan. Ăn mặc luôn là khía cạnh nhắc nhỡ chúng ta luôn ý thức về thân hình, về oai nghi và diện mạo của mình; đặc biệt khi đối diện với các Tôn tượnghay gặp gỡ, tiếp xúc với chư Tăng Ni và quý Phật tử trong đây. Điều đó thể hiện thái độ và tâm tánh của chính mình đối với người khác, nhất là đối với những nơi tôn nghiêm càng đòi hỏi nét văn hóa phù hợp hơn. Ăn mặc phù hợp còn biểu hiện khả năng tiến bộ về mặt tâm linh của chính mình. Do đó, không nên ăn mặc hở hang, mặc áo ba lỗ, quần đùi, váy ngắn, áo hở vai hay những đồ có thể xuyên thấu. Ngoài ra, không nên bày tỏ cảm xúc yêu đương trai gái khi bước vào cổng chùa. Không nắm tay, vuốt tóc, ôm eo, chọc ghẹo, hun hít,…
Gặp gỡ và tiếp xúc chư Tăng Ni trong chùa
Tăng Ni là những bậc đáng kính mộ. Họ là những người mô phạm, xuất gia từ bỏ đời sống thế tục, nguyện sống đời đơn sơ đạm bạc hướng đến lý tưởng giải thoát giác ngộ và cứu giúp chúng sanh. Thế nên, họ xứng đáng được tôn kính và ngưỡng mộ. Khi vào chùa, gặp gỡ chư Tăng Ni, không nên chào hỏi bằng cách bắt tay mà nên chào hỏi theo lễ nghi trong chùa hay Phật Pháp, đó là chắp tay xá chào. Nhiều người có thói quen bắt tay với chư Tăng Ni thì cũng nên thay đổi bằng cách chắp tay trước rồi mới có thể bắt tay sau. Điều đó giảm bớt tính chất ‘thế tục’ trong chốn thiền môn. Đối với Tăng Ni và Phật tử thì việc chắp tay cần phải đúng cung cách hơn. Khi gặp một vị Tăng Ni, người thăm viếng cần đứng yên lại chắp tay, cúi đầu ‘xá’ xuống một cái rồi mới bắt đầu thưa hỏi một việc gì. Khi xá như vậy, mắt không nền nhìn thẳng vào mặt chư Tăng Ni mà hãy cúi đầu nhìn xuống phía dưới một chút hoặc nhìn vào đôi bàn tay đang chắp của mình nhưng với tâm ý hướng đến vị Tăng Ni đó là thích hợp nhất.
Khi muốn xưng hô với chư Tăng Ni thì hãy ‘thưa Thầy’, ‘thưa Cô’ là thích hợp nhất. Còn đối với bản thân mình thì nên xưng ‘con’ là hợp lẽ. Bởi vì, chư Tăng Ni là những bậc xuất gia đã trở nên thánh thiện. Việc gọi hay xưng như vậy là cách thức tự thể hiện mình chỉ là người đang còn phàm phu tục tử, là người đang còn ở ‘địa vị’ thấp hèn. Hơn nữa, chư Tăng Ni được xem như là những bậc cha-mẹ/thầy-cô trong việc truyền dạy Phật Pháp đến cho mọi người. Mặc dù không trực tiếp học hỏi với chư Tăng Ni đó nhưng cũng nên xem đó như là cách gọi chung của tất cả mọi người. Ngoài ra, trước khi muốn gặp gỡ và tiếp chuyện chư Tăng Ni, điều quan trọng khi mở đầu lời nói và đã trở thành câu cửa miệng của người Phật tử đó là “Mô Phật”, hay “A Di Đà Phật”, hay đầy đủ nhất là “Nam Mô A Di Đà Phật”. Lúc bấy giờ, khi được mở đầu như vậy, chư Tăng Ni cũng như mọi người sẽ trở nên ‘thức tỉnh’ hơn và biết rằng có ai đó đang muốn tiếp xúc với mình hoặc là cần thưa chuyện gì với mình. Đây là cách thức để người Phật tử luôn ‘tỉnh thức’ trong lúc nói năng, xưng hô...