Câu chuyện đầu năm
Thanh niên nam nữ ăn diện đẹp chúc thọ ông bà cha mẹ rồi thoải mái rong chơi suốt ba ngày tết. Những bậc trung niên thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, nhắp tách trà cùng vài miếng mứt, tìm hương vị ngọt ngào rồi đi thăm viếng người thân bạn bè. Người già cũng thay quần áo mới đón xuân với ước vọng an lành, dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho con cháu, hân hoan với cảnh đoàn tụ, con dâu rễ cháu chắt từ các nơi quay về với ông bà trong nhà tổ đông vui.
Hồi tôi còn nhỏ, rạng sáng mùng một ba má tôi bày bánh mứt trên bàn thờ ông bà rồi thắp hương khấn vái. Cả nhà quây quần bên dĩa bánh tét thơm ngào ngạt mùi nếp chín mà cả đêm ba mươi anh em tôi phải thức chụm lửa cho tới giao thừa. Mấy đứa em tôi xúng xính trong bộ đồ mới, mặt mày rạng rỡ vì được ăn bánh thả ga rồi còn được uống nước ngọt nữa chứ. Toàn là những món ngày thường anh em tôi thèm khát.
Ăn xong, ba ẵm tôi thẩy lên đòn dong chiếc xe đạp cà tàng chở ra nhà nội. Con đường đất gồ ghề làm chiếc xe nhảy tưng tưng. Tôi vừa đau đít vừa tê chân nhưng không dám nói. Khi tới nơi, ba bồng thả xuống thì chân tôi sụm luôn. Nhà ông nội tôi có rất nhiều bàn thờ, ông bà cố ông bà sơ rồi gì gì đó nữa, tôi không thể nào nhớ nổi. Ba tôi thắp hương rồi quỳ lạy, tôi lạy theo ông, mỗi bàn thờ bốn lạy. Rồi ông dẫn tôi đi lòng vòng trong xóm, ghé hơn chục ngôi nhà bà con họ hàng. Nhà nào cũng quỳ lạy mấy cái bàn thờ, tôi ê ẩm cả hai đầu gối, nhưng bù lại có được một số tiền lì-xì rủng rỉnh trong túi. Xong bên nội, ông chở tôi qua bên ngoại cách đó khoảng năm cây số. Nhà ngoại tôi nằm bên bờ con kinh đào, trước cửa có cây ô môi cổ thụ tới mùa nở hoa hồng mịn rực cả một góc trời. Lớn lên tôi mới nhận ra rằng hoa ô môi đẹp không thua hoa anh đào. Còn hương vị trái ô môi không hề phai nhạt trong ký ức tuổi thơ. Đến bây giờ tôi vẫn còn thèm cái vị ngọt của trái ô môi và tìm ăn mỗi khi có dịp.
Cúng viếng bên ngoại xong trời đã quá đứng bóng. Ba tôi đạp xe về trong ánh nắng xuân bắt đầu gay gắt, mồ hôi nhễ nhại. Tôi thì không cảm thấy mệt, có bánh ăn, có tiền lì-xì là vui trong bụng dù hai đầu gối bị ê tới mấy ngày sau.
Cứ như thế, mỗi độ xuân về là ba đèo tôi đi cúng viếng ông bà họ hàng nội ngoại trong ngày mùng một, kể từ mùng hai tôi muốn đi chơi đâu thì đi. Đến khi tôi trưởng thành, dù đi học hay đi làm xa nhưng đến tết trở về nhà, sáng mùng một tôi cũng lấy xe (lúc nầy tôi đã chạy được xe gắn máy) về bên nội bên ngoại cúng ông bà như một thói quen. Lúc nầy mình đã lớn, không còn ai lì-xì, tôi vẫn đi vì đã hiểu phần nào ý nghĩa của việc tưởng nhớ tổ tiên, chúc thọ ông bà cô bác trong ngày đầu năm. Có những người đã khuất đó mới có ba má và mình hôm nay, mới có những mảnh vườn thửa ruộng nuôi mình khôn lớn, có ngôi nhà ấm áp để mình sung sướng tấm thân, được đi học, được dạy dỗ nên người.
Khi ba tôi qua đời, tôi vẫn thay ông đi cúng viếng ông bà nội ngoại trong ngày mùng một. Lớp người lớn tuổi đã ra đi dần, trên bàn thờ có thêm những di ảnh. Thế hệ con cháu lớn lên, nối tiếp việc phụng thờ. Hằng năm, tôi vẫn chở vợ và một đứa cháu đi về miền quê nội ngoại trong sớm tinh sương ngày mùng một. Rồi ra nghĩa trang thăm mộ ba tôi. Ông đã tập cho tôi một thói quen rất ý nghĩa trong cuộc đời một con người. Cây có cội nước có nguồn, làm người phải biết nhớ đến ông bà vào ngày đầu năm mới, sau đó mới lo cho những cuộc vui riêng của bản thân mình. Có năm vì lý do gì đó vợ chồng tôi đi hơi trễ, các cô chú thím, dì cậu mợ… đã ngồi trông và lo, sợ tôi gặp chuyện bất trắc trên đường đi hay có vấn đề về sức khỏe. Mọi người đều biết tôi không khi nào không đến nhà trong ngày mùng một. Điều đó làm cho thạnh tình trong tộc họ gắn kết và vui vẻ thêm lên. Và đối với tôi, dù đã gần bảy mươi tuổi, niềm vui lớn nhất trong năm vẫn là ngày mùng một, được cúng viếng ông bà, được gặp bà con họ hàng vui tươi khỏe mạnh, được thấy những đứa em, đứa cháu trưởng thành, nên người và sự nghiệp.
Quy luật cuộc đời không ai cưỡng lại được. Lớp nhỏ tấn lên thì lớp lớn phải lần lượt ra đi. Có tới viếng họ hàng trong ngày mùng một ta mới cảm nhận được ân tình và sự giao thoa giữa những thế hệ. Ta mới thấy dòng huyết thống từ bao đời đang chảy qua từng con người, tùng lớp con cháu và mãi mãi về sau.
Ngày xuân con cháu về đoàn tụ, ông bà từ cõi vô hình dường như cũng đang ở bên cạnh và cười vui cùng chúng ta.
Trịnh Bửu Hoài