Đừng đem cho người điều mình không muốn



Mỗi lời khuyên của Ngài đều phát xuất từ trái tim hiểu biết thương yêu và đều có tác dụng giúp con người xây dựng cuộc sống hạnh phúc an lạc trên cơ sở suy nghĩ chân chánh, nói lời chân chánh và hành động chân chánh.

Một hôm, trên bước đường giáo hóa, Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ kheo đi đến một ngôi làng của dân chúng Kosala tên là Veludvàra. Quần chúng Veludvàra hay tin liền đến thăm Ngài, bày tỏ ước mong được sống hạnh phúc an lạc và cầu xin Ngài chỉ bày cho một phương cách để thực hiện. nhân dịp này, Đức Phật cho lời khuyên như sau:

“Này các gia chủ, hãy suy nghĩ và thực hành như thế này: “Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Nếu có ai đến đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ái đối với ta. Nhưng nếu ta đoạt mạng sống một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ái đối với người ấy. một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?”. Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, nói lời tán thán từ bỏ sát sanh. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các gia chủ, hãy suy nghĩ và thực hành như thế này: “Nếu có ai lấy của không cho của ta, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta lấy của không cho của người khác, gọi là ăn trộm, như vậy gọi là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta,thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?”. Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ lấy của không cho, khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho, nói lời tán thán từ bỏ lấy của không cho. Như vậy về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các gia chủ, hãy suy nghĩ và thực hành như thế này: “Nếu ai có tà hạnh với vợ của ta, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta có tà hạnh với vợ của người khác, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?”. Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục, nói lời tán thán, từ bỏ tà hạnh trong các dục. như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các gia chủ, hãy suy nghĩ và thực hành như thế này: “Nếu có ai làm tổn hại lợi ích ta với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng làm tổn hại lợi ích người khác với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này khôngkhả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?”. Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói láo, khuyến khích người khác từ bỏ nói láo, nói lời tán thán từ bỏ nói láo. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các gia chủ, hãy suy nghĩ và thực hành như thế này: “Nếu có ai chia rẽ bạn bè ta bằng lời nói hai lưỡi, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta chia rẽ bạn bè người khác bằng lời nói hai lưỡi, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. một pháp không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?”. Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói hai lưỡi, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời hai lưỡi, nói lời tán thán từ bỏ nói lời hai lưỡi. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các gia chủ, hãy suy nghĩ và thực hành như thế này: “Nếu có ai đối xử với ta bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?”. Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ thô ác ngữ, khuyến khích người khác từ bỏ thô ác ngữ, nói lời tán thán từ bỏ thô ác ngữ. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các gia chủ, hãy suy nghĩ và thực hành như thế này: “Nếu có ai đối xử với ta với lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác với lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?”. Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói phù phiếm, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời phù phiếm, nói lời tán thán từ bỏ nói lời phù phiếm. như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.”

Ngoài những khác biệt “nhỏ” do điều kiện và hoàn cảnh phát sinh mà đạo Phật gọi là biệt nghiệp, tất cả mọi cơ bản là hoàn toàn giống nhau. Ai cũng thích sống, sợ chết, muốn an lạc, ghét khổ đau. Sự giống nhau này là lớn nhất và là nền tảng của mọi suy nghĩ và hành động nhân bản. Hãy lắng nghe lòng mình trước, rồi theo đó mà nói năng và hành động. Mình mong được sống, sợ bị chết, muốn hạnh phúc, ghét khổ đau, người khác cũng thế. Vậy thì không có lý do gì để gây thương tổn cho người khác, trong suy nghĩ, trong lời nói, cũng như trong việc làm. Tập suy nghĩ, nói năng và hành động theo cách trên, đạo Phật gọi là tịnh tu tam nghiệp thân, khẩu, ý, hay thực hành Chánh tư duy (Sammà sanappa), Chánh ngữ (Sammà vàcà) và Chánh nghiệp (Sammà Kammanta), cũng được gọi học tu theo Phật, thật đơn giản mà lợi ích thiết thực. Tập sống cho mình trước, rồi khuyến khích cổ vũ người khác cùng thực hành thì được gọi là sống lợi mình, lợi người, lợi cả hai.

Có thể nói rằng người nào sống được như vậy thì đã là Phật rồi, dù có xem mình là Phật tử hay không. Sống được một giây thì thành Phật một giây, sống được một ngày thì thành Phật một ngày. Bởi Phật là thiện tâm vốn có trong mỗi người và bởi ai lại không mong muốn và không có khả năng làm những điều như thế?


Tâm Lạc