Chiếc bát từ nguyên thủy đến oryoki


GN - Theo sự tích Đức Phật, Thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ hoàng gia và cung điện để tìm con đường giải thoát cho chúng sinh, ban đầu Ngài cùng tu với năm anh em Kiều Trần Như với pháp tu khổ hạnh.

Ngài sớm nhận ra rằng, lối tu đó không khai mở trí tuệ mà trái lại chỉ hao mòn thân xác, cho nên Ngài từ giã họ để tự mình tìm con đường riêng. Đến bờ sông Ni Liên Thiền, sau khi thọ nhận cháo sữa đựng trong bát từ cô gái Tu-xà-đa (Sujata), “Ngài thấy thân thể khỏe mạnh, tinh thần kiện tráng, sẵn có chiếc bát trong tay, Ngài liền ném xuống dòng sông Ni Liên Thiền với lời rằng: ‘Nếu tôi có thể thành Đại giác thì cái bát này sẽ nổi trên sông và trôi ngược dòng’. Quả thực, khi cái bát được quăng xuống, thì đúng như lời ước, khiến Thái tử tin chắc mình sẽ thành một ngôi Đại giác”. 1


Đó là chiếc bát đầu tiên của Đức Phật, và sau này, chiếc bát đó đã thể nhập vào chiếc bát thường dùng của Ngài trên con đường du hóa, hoằng pháp; cùng với ba y, hình tượng ba y một bát như là cốt cách nhẹ tênh và tự do thênh thang của đoàn thể Tăng-già đã duy trì và phát triển đạo Phật suốt hơn 2.500 năm nay. Chiếc bát đó theo dòng lịch sử và địa lý, đã cập đến những bến bờ và miền đất từ quê hương Bắc Ấn Độ gần gũi đến tận những bờ biển và lục địa xa và trong tương lai vẫn còn đến những nơi xa tít tắp.

Trước hết, chiếc bát trôi về phương Nam với Phật giáo Theravada (hay Nam tông, Nguyên thủy). Phật giáo Theravada chủ trương vẫn giữ các truyền thống từ thời Đức Phật tại thế, đặc biệt vẫn duy trì hạnh khất thực như là phương tiện sống và tu hành. Ngày nay tại các nước theo Phật giáo Theravada, các nhà sư với y vàng đất, đi chân trần, khoan thai hàng một, cầm bình bát khất thực trên các nẻo đường, từ phố thị đến làng quê, vẫn là hình ảnh quen thuộc và được nhân dân sùng bái cúng dường. Tuy nhiên, ngày nay, điều kiện sống phải thay đổi, các ngôi chùa Nam tông cũng  khang trang để vừa là trú xứ, vừa là địa điểm hành đạo và hoằng pháp, và nơi đây vẫn có thể nhóm lửa mà không phải khi nào thực phẩm cũng do đi khất thực.

Đạo Phật truyền bá lên phía Bắc (Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản...) chậm hơn, và nảy sinh nhiều vấn đề như thời tiết lạnh lẽo, băng giá, và dân tình thì không chấp nhận, thậm chí coi khinh chuyện khất thực, cho nên tự viện ra đời. Rất nhiều người tu phải canh tác để tự lo đời sống, nhà bếp tất yếu phải hoạt động. Chiếc bát chấm dứt nhiệm vụ khất thực, và ba y một bát chỉ là khái niệm lịch sử nhắc nhở hạnh không sở hữu của người tu hành. Tuy nhiên, chiếc bình bát vẫn luôn luôn trở về đúng giá trị: trong mùa an cư kiết hạ, quý vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tu tập tại trú xứ tập trung theo quy định, thọ nhận cúng quá đường, và nâng ngang tầm trán chiếc bình bát đựng thức ăn cúng dường với 5 điều quán tưởng:

- Con xin biết ơn người đã phát tâm cúng dường, sửa soạn những thức ăn này.

- Con nguyện nỗ lực tu học, trau dồi giới hạnh để xứng đáng thọ dụng những thức ăn này.

- Trong khi ăn, con nguyện từ bỏ lòng tham dục, tham ăn.

- Con quán chiếu những thức ăn này như những vị thuốc, để cho thân thể con khỏi bệnh tật.

- Con nuôi dưỡng chánh niệm, chỉ vì để thành tựu đạo nghiệp giải thoát giác ngộ, con thọ dụng những thức ăn này.

Với Thiền tông Trung Hoa, chiếc bát được nâng lên một ý nghĩa thiêng liêng mới, ý nghĩa truyền thừa. Thiền tông đến Trung Hoa khởi đầu từ Bồ Đề Đạt Ma, một nhà sư huyền thoại xuất chúng, dòng Sát Đế Lợi, Nam Ấn Độ, có lẽ đã sống ở Trung Hoa vào năm 470 đến năm 520. Thật ra, Thiền tông được cho là bắt nguồn từ thời Đức Phật còn tại thế, khi trong một đại chúng, Đức Phật cầm một cành hoa và giơ lên cao. Đại chúng ngơ ngác, còn ngài Ca Diếp mỉm cười, như là một biểu lộ của tâm truyền tâm.

Một giai thoại nổi tiếng để đời là chuyện truyền thừa từ Ngũ tổ Hoằng Nhẫn (602-676) cho Lục tổ Huệ Năng (638-713). Huệ Năng vốn là một thợ rừng, không biết chữ, nhân trên đường bán củi, nghe tiếng tụng kinh, và khi nghe qua câu trong kinh Kim cang: “Ưng vô sở trụ nhi sinh k tâm, tự nhiên tâm Huệ Năng liền mở mang sáng tỏ khác thường. Sau đó Huệ Năng tìm đến chùa Đông Thiền, xin học đạo với Ngũ tổ Hoàng Nhẫn. Một hôm, Ngũ tổ tập hợp đồ chúng và dạy: “Mỗi người hãy tự xem trí tuệ mình, lấy tánh Bát-nhã của bản tâm mà làm một bài kệ trình cho ta xem; nếu ai hiểu đại ý, ta sẽ truyền y bát cho làm Tổ thứ sáu”.

Trong khi Tăng chúng trong chùa đinh ninh Thần Tú - một đệ tử xuất sắc của Tổ - sẽ là người kế nghiệp Tổ, thì không ngờ Ngũ tổ lại chọn Huệ Năng (người phải nhờ người khác đọc bài kệ của Tổ, bài của Thần Tú và viết hộ bài của mình) để truyền y bát2. Sau này, Huệ Năng đi về phương Nam và truyền bá dòng thiền theo lối “đốn tu”, “đốn ngộ”, còn Thần Tú đi lên phương Bắc và dạy đệ tử theo hướng “tiệm tu”, “tiệm ngộ”. Việc truyền y bát đến Lục tổ Huệ Năng là chấm dứt. Thế nhưng, tầm tư tưởng của Ngài đã còn mãi lưu truyền và lan xa: “Giáo ngoại biệt truyền/ Bất lập văn tự/ Trực chỉ chân tâm/ Kiến tánh thành Pht.

Trôi qua phía Đông, chiếc bát của Phật cập bến bờ Nhật Bản. Đạo Phật du nhập vào Nhật Bản từ Trung Hoa vào thế kỷ thứ VI, Thánh Ðức thái tử (Shotoku, 574-622) được xem là Sơ tổ của Phật giáo Nhật Bản3 và thiền được giới thiệu đến Nhật vào khoảng thế kỷ thứ IX từ Trung Hoa qua hai Thiền phái Lâm Tế và Tào Ðộng, cả hai phái này đều chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của Lục tổ Huệ Năng ở thế kỷ thứ VIII. Thiền tông, kết hợp với văn hóa Nhật Bản đã làm sống động một cách tu thiền đặc trưng của Nhật Bản.

Tính thiêng liêng và tính thẩm mỹ đã nâng tầm chiếc bát lên thành một “đạo” trong không gian tĩnh lặng của thiền đường hoặc tu viện. Không chỉ là chiếc bát mà là một lễ nghi. Ōryōki, thường được dịch là “vừa đủ”, là một lễ nghi có tính tổ chức cao, đem lại nhận thức sâu sắc về cho và nhận thức ăn.

Phân tích từ ōryōki kỹ hơn, theo Shohaku Okumura, nguyên Giám đốc Trung tâm quốc tế Soto Zen tại San Francisco, California: ō có nghĩa là: “trong tương quan với”, ryō có nghĩa “lượng” hay “chất”, ki có nghĩa là “vật chứa”.

Trong tiếng Nhật, ba từ Hoa-Nhật có nghĩa:

- 応 ō: sự đáp lại của người nhận về cung cấp thức ăn.

- 量 ryō: sự ước lượng, hay mức được nhận.

- 器 ki: cái bát.

Ōryōki được xem như một dạng thiền ăn, với dụng cụ có xuất xứ Nhật Bản và chú trọng thực tập tỉnh thức bằng cách tuân theo một thứ tự chặt chẽ các thao tác chính xác. Như vậy, ōryōki hợp nhất đời sống hàng ngày và tu tập tâm linh. Ōryōki pha lẫn thiêng liêng và trần tục.

Người tu tập ōryōki dùng một bộ những chiếc bát lồng vào nhau: một bình bát Phật, đựng ba hay bốn bát nhỏ, gói trong tấm vải thắt búi ở trên như là búp sen. Gói này cũng chứa một túi vải nhỏ trong đó có một muỗng gỗ, một đôi đũa và một dao bay nhỏ - cái dao bay này như là một dụng cụ thường dùng để tẩy vết bám. Lớp vải ngoài cùng, nếu được tháo ra và xếp đôi thì giống như chiếc chiếu nhỏ trên đó những chiếc bát được đặt thành dãy. Để hoàn tất đủ bộ, có thêm một khăn ăn bằng vải cỡ thông thường và một khăn lau nhỏ hơn, dùng để lau khô những chiếc bát sau khi đã được dùng chứa trà nóng hay nước, và được chùi sạch với dao bay.

Những người tham dự ngồi trong tư thế thiền, bộ ōryōki ở phía trước, và chờ những người phục vụ mang thức ăn, và theo cách chuyền tay trong im lặng. Họ chỉ lấy vừa đủ thức ăn, và sau khi ăn thì không để lại một mảnh vụn nào. Nước rửa, sau khi được dùng rửa từng cái bát, một phần được uống và phần còn lại gom tất cả và dùng để tưới cây. Mỗi động tác của ōryōki là gọn gàng, tinh tế và khi mở gói ra thì mở trong hòa điệu, đòi hỏi chú tâm tỉ mỉ về những gì xảy ra vào lúc đó.

Đạo sư Dogen Zenji (Đạo Nguyên, 1200-1253), nhà sư đầy bí ẩn khai sinh trường phái Soto Zen tại Nhật, đã nắm bắt những quy luật của tu viện thiền trong suốt 4 năm ngài ở Trung Quốc. Khi ngài trở về Nhật, ngài chắt lọc những quy luật đó, thẩm thấu sự tập trung chú ý vào chi tiết và quán chiếu nội tâm sâu xa vào quy luật. Lấy thức ăn, theo đạo sư, trở thành ōryōki.  Đạo Nguyên viết, “Ngay chính lúc ta ăn, ta sở hữu thực tại tối thượng, tinh túy, vật chất, năng lượng, hoạt động, quan hệ nhân quả. Vì vậy, pháp là ăn, và ăn là pháp”.

Tuy nhiên, đạo sư chỉ dẫn thêm: hành động ban sơ của ăn, sự thèm muốn của chúng ta, nhu cầu nuôi sống, và khoái cảm về thức ăn không hề đối nghịch với tu tập tâm linh.

Ōryōki không phải là để cự tuyệt. Sau này, trong tác phẩm Thank you and OK, David Chadwick, một người Mỹ, là môn đệ của Thiền sư Shunryu Suzuki, viết trong một ký sự về 4 năm sống ở Nhật, “Công dụng của ōryōki... là làm sâu sắc những kinh nghiệm về ăn. Nó phóng to cái nhìn về thực phẩm. Cùng với thầy, giữ tư thế ngồi đúng, làm việc đúng, ōryōki khuyến khích chúng ta, không phải chộp lấy thức ăn, hoặc từ chối thức ăn. Hãy ăn đi và vui với ăn”.

Ōryōki thông qua đạo Phật và thiền Nhật Bản, đã thâm nhập vào đời sống thiền ở Mỹ. Không những thế, một Tăng đoàn Phật giáo Tây Tạng tại Mỹ của ngài Chögyam Trungpa Rinpoche cũng tiếp nhận ōryōki trong các trung tâm tịnh cư Shambhaha. Hakuyu Taizan Maezumi Roshi (mất năm 1995), nguyên  sáng lập của Zen Center of Los Angeles, người có ảnh hưởng lớn trong Phật giáo Mỹ, thường nhấn mạnh tính nghi thức của ōryōki. Tại một trong những lần pháp thoại lấy từ cuốn sách On Zen Practice, nhà sư quan niệm: “Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta chỉ đang nói về cách ăn dùng bát khi chúng ta muốn nói ōryōki. Một cách căn bản hơn, ōryōki đúng là Như Lai tạng. Chúng ta có thể cảm kích mọi thứ như là tạng của Như Lai. Chính chúng ta là ōryōki. Không chỉ chúng ta, mà còn là hình ảnh của Phật. Giá đèn, bình hoa, thảm để lạy, trần nhà, sàn - mỗi thứ đều hoàn hảo. Đó là ōryōki”.

Thiền giả cần nhớ lại rằng, khi ăn là chúng ta nắm lấy cuộc sống. John Daido Loori Roshi, tu viện trưởng Zen Mountain Monastery, cũng là người sáng lập Mountains and Rivers Order, viết trong sách Celebrating Everyday Life, “Nhưng ōryōki không chỉ quy định hình thức lễ nghi. Đó là trạng thái của tâm. Đó không phải như là tụng kinh, cúi chào, chuông rung. Đó là trạng thái tỉnh thức. Bởi vì thức ăn là đời sống, thật vô cùng quan trọng khi ta thọ nhận thức ăn với lòng biết ơn sâu xa. Khi chúng ta ăn, ta tận hưởng cuộc sống. Dầu cho nó là gì, bắp cải hay thịt bò, nó là đời sống”.

Trong suốt thực tập ōryōki, khi chúng ta tụng đọc bài kệ về bữa ăn, hay tụng kinh, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn cho tu tập của chúng ta, cho lao động và dâng hiến đã cho chúng ta ăn. Ōryōki là biết ơn. Và vì lý do đó, ōryōki không chỉ là một cách tu tập diễn ra trong thiền đường. Sensei Pat Enkyo O’Hara, nữ tu viện trưởng của Village Zendo tại New York City  nói:  “Điều mà tôi thích nhất về ōryōki là cách thức nó tác động vào tôi khi tôi tự phục vụ cháo bột yến mạch (oatmeal) cho mình mỗi buổi sáng tại nhà. Thật vô cùng cảm kích thông qua nhận thức. Zoketsu Norman Fischer, giảng sư về pháp thâm niên tại Trung tâm Zen San Francisco và là người sáng lập Everyday Zen Foundation, đồng tình như thế và nói: “Dĩ nhiên tôi không có một chút lễ nghi nào khi tôi ăn theo cách ōryōki, nhưng cảm giác của tôi là ở đó, và cảm giác này thấm vào thân, vào tim và vào tâm”.

Ōryōki, dầu có vẻ phức tạp, nó không rắc rối. Dầu ta thực tập ở nhà hay ở thiền đường, chúng ta có thể thực hiện theo cách đơn giản. Như David Chadwick, nói với biên tập viên Tạp chí Tricycle, “Tôi nghĩ, thật là tốt khi ta ăn trong im lặng, nhưng ta không làm một cuộc dạo chơi ra xa”.

***

Như vậy, chiếc bát Phật đã trôi theo tiến trình lịch sử của Phật giáo đến nhiều vùng văn hóa khác nhau, và sẽ trôi đến những bờ bến mới, với các hình thái văn minh và tập quán khác nhau; từ một chiếc bát, một bình bát đến một bộ gồm nhiều thứ; từ vật liệu đất nung đến kim loại, plastic, gỗ; từ thô sơ đến phủ men mỹ thuật; từ gốc cây, tịnh xá, đến trú xứ, thiền đường; nhưng tất cả đều mang ý nghĩa của biết đủ, của sớt bát, của tỉnh thức và biết ơn, nếu thiền giả là con của Phật.

 Cao Huy Hóa

____________

1 Trích: Sự tích Đức Phật Thích Ca, Hòa thượng Thích Thiện Siêu biên soạn, trong tuyển tập “Đức Phật Thích Ca đã xuất hiện như thế”, Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn sưu tầm và giới thiệu.

2 Hòa thượng Thích Thanh T dch bài kệ của Thần Tú và của Huệ Năng như sau (trong website của Thiền viện Thường Chiếu):

- Bài của Thần Tú: “Thân là cây bồ-đề / Tâm như đài gương sáng / Luôn luôn siêng lau chùi / Chớ để dính bụi bặm”.

- Bài của Huệ Năng: ” Bồ-đề vốn không cây / Gương sáng cũng chẳng đài / Xưa nay không một vật / Chỗ nào dính bụi bặm?”.

3 Theo Thích Nguyên Tạng, Phật giáo tại Nhật Bản.

 ....................

Tài liệu sử dụng:

- John Kain, Eating Just The Right Amount, tạp chí mạng Tricycle, 2003.

- Wikipedia tiếng Việt , tiếng Anh.