Cuộc sống có luật bù trừ. Người chịu thiệt cái này thì sẽ được hưởng cái khác


GN - Ba tôi không phải là thầy đồ nhưng cũng có đọc sách thánh hiền, những sách của đạo Nho xưa dạy về đạo trời, về luân lý đạo đức như Minh tâm bửu giám, Tam tự kinh… Ông là một nông dân ‘chính hiệu’. Cuộc đời ông cũng bình dị và chất phác như mảnh ruộng mà suốt đời ông cần mẫn trên đó. Ngay những lời ông dạy cũng không hề có mùi giáo huấn mà nó chân chất tự nhiên.


Cuộc sống có luật bù trừ. Người chịu thiệt cái này thì sẽ được hưởng cái khác

Thường là nhân sự kiện nào đó xảy ra trong xóm thì ông mới nói. Ví dụ trong xóm có người sống thất đức, bình thường thì ông không hề phê bình gì người đó cả. Khi người đó bị quả báo gì thì ông mới nhẹ nhàng nói “Thiên võng khôi khôi, tuy sơ bất lậu”, nghĩa là: Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát.

Gia đình tôi tuy không khá giả nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn. Bà con hàng xóm xung quanh có nhờ vả gì ông đều sẵn sàng giúp đỡ. Có năm nước lụt, nhà người cháu xa bị ngập ở không được nên đến nhà chúng tôi xin tá túc. Ba tôi bảo bọc cưu mang suốt mấy tháng liền. Ông nói “Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim”, nghĩa là: Tiền bạc như bụi đất, nhân nghĩa quý ngàn vàng.

Đi trên đường, thấy cây gai nằm giữa đường ông cúi xuống lượm bỏ vô lề đường, sợ người đi sau không thấy đạp phải. Những chuyện bình thường và nhỏ nhặt như vậy mà có sức giáo hóa rất lớn. Tuy đã xảy ra mấy chục năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in, và nhất là đã sống và làm theo những điều đó. Tôi cũng không biết mình đã nhiễm những điều ấy từ khi nào nữa.

Khi vào chùa, tôi gặp thầy Sự. Thầy trung niên mới xuất gia nên không có học gì nhiều, nhưng cái hạnh của thầy thì hiếm có trên đời. Thầy sống rất đơn giản, vật dụng cá nhân không gì có giá trị cả. Thầy nói mình xài thêm một phần là có người phải mất đi một phần, mà những người đó thường là người nghèo. Còn điện nước, thầy xài cũng hết sức tiết kiệm. Thầy có cái quạt máy nhưng rất ít dùng tới, chỉ quạt bằng quạt tay mà thôi. Sám hối mỗi ngày thầy cũng lạy ban ngày để khỏi phải bật đèn. Thầy nói không chỉ tiết kiệm cho chùa mà còn cho cả… thế giới nữa.

Thầy còn dạy tôi rằng, mình sống phải biết hy sinh, nhận phần thiệt thòi về mình, chứ đừng có tranh giành hơn thua người khác. Thầy nói rằng chính vì xã hội này ai cũng muốn hơn người khác cho nên mới có chiến tranh. Những gì thầy nói chính là những việc làm hàng ngày của thầy. Khi dọn trái cây từ trên bàn thờ xuống, thầy luôn chọn những trái dở hơn để ăn. Thầy nói rằng trong chúng ta đây thế nào cũng có người ăn những trái dở, cho nên mình ăn thì người khác không phải ăn.

Những việc dơ bẩn trong chùa thầy đều giành làm trước, thầy nói rằng đằng nào cũng phải có người làm, mình làm thì người khác khỏi làm. Tôi nhớ có lần chùa dọn kho chứa những tượng Phật, Bồ-tát, Hộ pháp… đã cũ, hư hại nhưng không ai dám đem hủy vì sợ bị quở phạt. Chỉ duy nhất có mình thầy là dám đem những tượng ấy ra ‘tịnh hóa’. Thầy giải thích rằng nếu bị quở phạt thì đằng nào cũng có một người trong chùa này bị. Thầy trụ trì trách nhiệm lớn lao không thể để cho có chuyện gì. Các chú thì còn nhỏ quá, vô tội. Suy đi tính lại thì chỉ có thầy là… vô tích sự nhất, cho nên nếu thầy có bị gì thì cũng không sao. Tôi thấy thầy thành tâm van vái lầm thầm gì đó rồi ‘tịnh hóa’ mấy pho tượng hư cũ thành gạch vụn, hòa vào đống gạch xà bần kế bên. Tôi hồi hộp chờ mấy ngày coi thầy có bị gì không. Rất may là không bị gì cả, thầy vẫn mạnh khỏe bình thường.

Thiết nghĩ, tình trạng xã hội và thế giới được bắt đầu từ cá nhân. Nếu người nào cũng biết sống tốt, làm tốt thì sẽ tạo nên một xã hội, một thế giới tốt. Cái bệnh của chúng ta là nhìn người khác làm trước rồi mình mới làm, còn người khác không làm thì mình cũng không dại gì mà làm trước để chịu thiệt.

Cuộc sống có luật bù trừ. Người chịu thiệt cái này thì sẽ được hưởng cái khác. Tất nhiên, người đã tự nguyện chịu thiệt thì không mong sẽ được cái gì cho bản thân. Họ làm chỉ vì người khác, vì một thế giới tốt đẹp hơn. Đối với tôi, nếu như người cống hiến nhiều cho xã hội được gọi là người vĩ đại, thì những người luôn nhận phần thiệt về mình chính là hiền nhân hay thánh nhân vậy.