Ghi nhận, đồng cảm thay vì đánh giá, phán xét người khác


Người Việt Nam thường đánh giá người khác qua tiền tài (sự giàu có) và danh vọng (chức vụ trong bộ máy nhà nước hoặc doanh nghiệp).

Tất nhiên, đó là đánh giá phiến diện.

Thực ra, con người còn có nhiều thứ giá trị khác: những mối quan hệ gắn kết và chất lượng, một năng khiếu/ tài năng bẩm sinh, sự tinh thông và hiểu biết cao về một chuyên môn cụ thể, những kinh nghiệm và trải nghiệm phong phú và sâu sắc về công việc và cuộc sống, những ý tưởng, sáng kiến cũng như trí tưởng tượng trong đầu, khả năng truyền cảm hứng cho người khác, trách nhiệm công dân…

Trong xã hội ngày nay, chúng ta thấy nở rộ nhiều hình thức việc làm, nhiều phương tiện kiếm sống, nhiều cách tạo ra giá trị, chứ không nhất thiết phải chắc chân trong một tổ chức nào đó.

Nếu bạn có một đứa con đang đi làm trong lĩnh vực thời thượng như công nghệ, đang có lương 5.000 USD/ tháng ổn định trong một công ty lớn, bỗng dưng nó muốn bỏ việc và đi gấp giấy, chắc chắn bạn sẽ nhảy dựng lên và ngăn cản bằng mọi giá. Thậm chí cho rằng thần kinh của nó có vấn đề.

Câu chuyện sau đây cho thấy gấp giấy cũng rất giá trị.

Một thập kỷ trước, Lang từ bỏ một sự nghiệp thành công trong lĩnh vực laser và điện tử quang học để gấp giấy toàn thời gian.

Khoảnh khắc ông cầm lên một tờ giấy vuông màu tím và bắt đầu gấp nó giữa không trung, những ngón tay thuôn dài di chuyển với sự chính xác của một kỹ sư kết hợp với sự uyển chuyển của một nghệ sỹ, rõ ràng ông đã nghe thấy tiếng gọi của trái tim mình.
Lang, người hiện được công nhận rộng rãi là một trong những nhà tiên phong của môn nghệ thuật hiện đại này, đã công bố hơn 500 nguyên mẫu origami.

Tác phẩm của ông được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở New York, ở khu phố ngầm Carrousel du Louvre ở Paris, ở Bảo tàng Origami ở Kaga, Nhật Bản, và nhiều nơi khác.

Ông cũng khởi xướng việc dùng toán học và khoa học máy tính để thiết kế những mô hình origami phức tạp đến nỗi khó mà tin nổi chúng từng chỉ là một tờ giấy hình vuông.

Tài gấp giấy của Lang đã mang lại cho ông những đơn đặt hàng cao cấp – như một lá cờ Mỹ cho trang bìa của tạp chí Thời báo New York, hay những chữ cái và phong cảnh bằng origami cho những quảng cáo trên truyền hình của Mitsubishi và McDonald – và công việc tư vấn giúp giải các vấn đề công nghệ cao bằng các kỹ thuật gấp giấy.

Các nhà sưu tầm nghệ thuật có thể mua các tác phẩm làm sẵn của ông với giá trong khoảng từ 200 đến 1500 USD; còn giá tác phẩm đặt hàng thường từ 500 đến 3000 USD.

Sau 14 năm ấp ủ, Lang viết cuốn sách “Bí mật thiết kế origami: Phương pháp toán học cho một nghệ thuật cổ xưa” trong một năm rưỡi và ra mắt năm 2003.

Đó là một cuốn sách đột phá. Những đồng nghiệp của ông không tiếc lời ca ngợi.

Câu chuyện về Lang cho thấy xuất sắc trong công việc của một người, bất cứ đó là việc gì, ở vị trí nào, dù là một người nông dân, hay một ông Tổng Giám đốc, mới là điều chúng ta cần đánh giá cao và ghi nhận ở người khác.