Hẻm thiền giữa Sài thành



Nhiều người gọi hẻm 498 đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp là ‘hẻm thiền’ vì trong cùng một con hẻm nhỏ mà có tới bốn ngôi chùa trầm mặc. Bước chân vào đây, người ta thấy như lạc vào thế giới khác biệt với cuộc sống quay cuồng, ồn ào bên ngoài.

Nhà gần chùa, nghe kinh riết mà thuộc lòng luôn. Muốn làm bậy chắc cũng khó! (Anh Mai Quang Trường)

Con hẻm lãng đãng khói nhang

Khoảng 60 năm trước, khi các ngôi chùa ở hẻm này mới được thành lập, người dân hẻm mỗi người góp từng tấm tôn cũ, từng cây cột, từng miếng lá dựng chùa cùng với các ni cô trẻ măng. Nay, những ni cô đầu tiên về lập chùa đã thành sư bà gần trăm tuổi, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của một con hẻm độc đáo giữa Sài thành.

Mặc dù là con hẻm được nhiều người biết ở Sài Gòn, nơi tọa lạc của bốn ngôi chùa, nhưng đầu hẻm không hề có cổng chào hay biển hiệu phô trương mặt phố. Bốn biển hiệu tên chùa nho nhỏ được treo khiêm tốn cạnh cột điện, xen lẫn giữa những biển quảng cáo khoan cắt bêtông, xe chở hàng… một cách bình dị và vui mắt, như cách mà con hẻm lặng lẽ tồn tại giữa phố xá xô bồ suốt bao năm nay.

Chúng tôi vừa vào hẻm đã gặp tịnh xá Ngọc Phương. Đây là ngôi tổ đình của Ni giới hệ phái Khất sĩ (nguyên là Giáo hội Khất sĩ ni giới Việt Nam), đã có từ 63 năm trước bởi cố ni trưởng Huỳnh Liên – trưởng Ni giới hệ phái Khất sĩ – lập ra. Đi về bên trái tịnh xá Ngọc Phương là một lối nhỏ dẫn vào chùa Châu An và chùa Huệ Đức.

Ni trưởng Thích Nữ Lệ Phát, cựu viện chủ chùa Châu An, cho biết chùa được xây dựng từ năm 1952 và là chùa đầu tiên ở nơi đây. “Ngày trước từ chùa nhìn ra là đường ray xe lửa, cây cối mọc um tùm. Nhà cửa thì không có nhiều như bây giờ”.

Phía sau lưng tịnh xá Ngọc Phương là chùa Già Lam đã đi vào lịch sử Sài Gòn. Chùa do hòa thượng Thích Trí Thủ sáng lập vào năm 1960, là nơi tu học của các học tăng cấp đại học. Chùa Quảng Hương Già Lam ban đầu có tên là Giải Hạnh Già Lam, đến năm 1964 được đổi tên là Quảng Hương Già Lam.

Bảng hiệu bốn ngôi chùa trong hẻm thiền treo giản dị trên cây cột điện – Ảnh: TRẦN MẶC

Đại đức Quảng Hương là tên một bậc chân tu đã vị pháp thiêu thân vào năm 1963 để phản đối chính quyền ông Ngô Đình Diệm. Công chúng nay vẫn thường gọi là chùa Già Lam.

Trong con hẻm này, tịnh xá Ngọc Phương nổi tiếng trong giới Phật tử vì trải qua nhiều biến cố lịch sử của Sài Gòn từ thời mới thành lập chùa năm 1960. Trước năm 1975, tịnh xá Ngọc Phương dưới sự dẫn dắt của ni trưởng Huỳnh Liên, là nơi có các phong trào đấu tranh chống đàn áp Phật giáo mạnh mẽ ở Sài Gòn.

Sau này, tịnh xá lại trở thành nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ là con lai bị bỏ rơi sau năm 1975. Cuộc đời biến động của những đứa trẻ ấy nhờ nương tựa cửa Phật mà được an yên và thay đổi tốt hơn.

Ban đầu chỉ vài bé sau thì đến mấy chục bé, nên các ni sư lúc đó ở tuổi thiếu thời nhưng ai cũng bận rộn việc chăm sóc trẻ con. Sau này, khi chiến dịch ‘Babylift’ diễn ra, những đứa trẻ lai ra đi nhưng nhiều người trong họ không quên con hẻm nghĩa tình này cũng như tịnh xá đã cưu mang mình một thời thơ ấu.

Theo lời kể của cô Tuấn Liên (85 tuổi) ở tịnh xá Ngọc Phương, những đứa trẻ năm nào nay đều đã trưởng thành nhưng vẫn giữ liên lạc với chùa dù định cư ở Mỹ hay ở Việt Nam. Cô Tuấn Liên hạnh phúc kể về những đứa con nuôi của mình như thể những đứa con vẫn bé bỏng trong vòng tay mình hồi ấy:

‘Con Mỹ Nguyệt năm nó đi 1986, mới chỉ 10 tuổi mà đến giờ vẫn gọi điện về nói chuyện với thầy như mẹ con. Còn thằng Huệ Trung đang sống ở Mỹ khẳng định không bao giờ bỏ cái tên Việt của mình vì đó là cái tên được ni trưởng đặt cho.

Lúc tụi nó vô chùa, có đứa thì đang thấp thỏm chờ chết vì bị bỏ lại sau chiến dịch di tản ở nơi nào đó, đứa thì được đưa tới từ các tu viện hay nhà mở chế độ cũ. Đứa nào cũng tội…’.

Hẻm thiền nên ai cũng… hiền

‘Người dân ở đây xưa giờ ai cũng hiền lành như cái tên hẻm” – viện trưởng mới Thích Nữ Trung Tấn (40 tuổi), viện trưởng đời thứ 2 chùa Châu An, bộc bạch. Dân hẻm gắn bó với chùa theo cách này hoặc cách khác, tùy hoàn cảnh của mỗi người.

Sư cô Trung Tấn cũng sinh ra và lớn lên ở hẻm. Thuở nhỏ, sư cô hay vào chùa chơi, lắng nghe kinh Phật, dần dà giác ngộ và tu tập ở chùa Châu An gần 30 năm nay.

Cứ khoảng 6 giờ chiều, tiếng tụng kinh, gõ mõ lại vang lên, không gian như lắng lại, thời gian như chậm đi ở hẻm thiền giữa phố thị. Tiếng kinh vang vọng cả con hẻm khiến người nghe cảm thấy bình tâm và tạm quên đi gánh nặng cuộc đời sau ngày dài mưu sinh vất vả.

‘Nhà ở gần chùa, nghe kinh riết mà thuộc lòng luôn. Muốn làm bậy chắc cũng khó!’ – anh Mai Quang Trường (40 tuổi), thế hệ thứ ba ở hẻm thiền, cười nói.

Sư cô Tuấn Liên thì chia sẻ: ‘Người dân ở đây đều có tâm tính tốt, rồi khi họ dọn đi, chủ nhà mới dọn đến cũng người thiện tâm. Nên phước lành vẫn còn lưu lại ở con hẻm. Dù kinh tế, cảnh quan của con hẻm có thay đổi nhưng tình người ở đây không hề đổi thay’.

Chúng tôi thấy người dân trong ‘hẻm thiền’ rất ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Trên đường, ngoài lá cây rơi rụng thì không có bất kỳ một túi rác nào.

‘Mỗi sáng quét sân là quét từ nhà tới trước cổng chùa Già Lam luôn. Dù nhà thì đầu hẻm còn chùa thì ở cuối hẻm. Coi như làm công quả vậy’ – chị Minh Trâm chia sẻ. Có lẽ vì vậy mà con hẻm lúc nào cũng sạch sẽ, thoáng đãng và những ngôi chùa luôn giữ được sự tôn nghiêm.

Mỗi dịp lễ hay chùa có cần việc gì, người dân xung quanh đều xắn tay giúp đỡ như việc nhà vì hầu hết các chùa trong hẻm đều là chùa ni.

‘Chùa mỗi lần có việc như sửa điện hay khiêng đồ nặng thì mình qua giúp. Tại chùa Ngọc Phương này toàn mấy sư cô. Mấy cô nhờ thì mình giúp thôi’ – anh Đại Phú bộc bạch.

Sư cô Tuấn Liên cảm kích kể về một người hàng xóm lớn tuổi khác: ‘Đối diện chùa là nhà chú thương binh về hưu. Chú hay qua phụ chùa mấy việc lặt vặt, nên có việc gì thầy hay đùa hỏi rằng: Chú thương binh hàng xóm của tui đâu’.

Người dân sống trong hẻm dường như ảnh hưởng cách sống của phật pháp ít nhiều. Họ sống ‘chậm’ và trầm lặng, hiếm thấy ồn ào hoặc gây gổ lớn tiếng. Cả người dân và ni sư, sư thầy đều nhận xét con hẻm này hiền lành, mọi người hòa nhã với nhau.

Thông thường trước những ngôi chùa lớn, người dân sẽ tụ tập buôn bán nhang đèn, đồ cúng hay người ăn xin hay lui tới. Nhưng ‘hẻm thiền’ lại khác, mặc dù có hẳn bốn ngôi chùa lớn nhưng hoàn toàn không có tiểu thương hay người ăn xin.

Ni sư Thích Nữ Lệ Phát cho biết: ‘Các chùa tự bán trong khuôn viên, bán cho Phật tử nên không tính chuyện lời lãi. Mấy năm lại đây mới có một tiệm bán hoa quả đầu hẻm tiện cho Phật tử đến cúng viếng nhưng cũng rất trật tự, không xô bồ’.

Tịnh xá Ngọc Phương còn nổi tiếng với nghề làm bánh mứt tết rất mát tay của các ni cô. Gian bếp rộng của tịnh xá này đã có từ lúc chùa thành lập. Thời chiến, đó là nguồn nuôi sống các ni cô và những đứa trẻ mồ côi bị bỏ lại và người cơ nhỡ. Thời bình, nghề làm bánh mứt giúp các ni cô tự quản, tự chủ về kinh tế để thực hiện các hoạt động tại chùa và làm thiện nguyện một cách độc lập.