Hương của Tết



Lý do trước hết có lẽ vì hồi còn nhỏ, người ta chẳng phải lo lắng nhiều, nghĩ ngợi xa xôi hoặc băn khoăn về những gánh nặng mà một người phải đeo mang trên suốt dọc đường trần. Người lớn luôn lo lắng về quá nhiều thứ và đôi lúc, sống với nhiều khuôn mặt, nghi kỵ nhau, trách móc rồi hờn giận nhau, có khi đến nửa đời chẳng thèm nhìn mặt. Trí nhớ của trẻ con có thể rất lâu, nhưng xúc cảm của trẻ con thì lại chẳng vậy. Chúng giận đó rồi quên đó, thoắt buồn rồi thoắt vui, cái buồn giận nhiều khi chẳng kéo dài quá một giấc ngủ, bởi vậy chúng luôn hồn nhiên và chạm tới cả an nhiên, cái mà bao nhiêu người khi đã khôn lớn mong muốn có mà lại chẳng được. Phải chăng vì lẽ đó mà như ở trong kinh có nhắc rằng những người sinh lên Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà luôn phải trở lại trong hình hài của một đứa trẻ?

Trôi trong dòng ký ức, Tết với tôi vui nhất là khi mới chín mười tuổi. Đó là hồi ông nội, người nuôi lớn cả tuổi thơ tôi còn hiện diện trên cõi đời này. Tôi sinh ra ở thành phố, nhưng ký ức về Tết mà tôi nhớ nhất lại xoay quanh cái làng quê nội và cả làng quê ngoại, hai cái làng cách nhau chỉ mấy quãng đồng. Tháng Chạp, lựa một ngày tạnh ráo giữa mùa gió rét căm căm thổi suốt và những cơn mưa dầm mải miết ngày đêm, ông nội tôi chạy chiếc xe Cub cũ từ làng vào tận Hội An để mua những củ lay-ơn về giâm trước sân cho kịp Tết.

Khi những đóa hoa lay-ơn hồng nhạt đầu tiên bung trổ nơi khoảnh vườn nhỏ bên sân, khi những nụ vạn thọ chớm bung dọc hàng hiên, khi cây mai già trước sân bắt đầu bung những nụ xanh biếc đầu tiên khỏi lớp vỏ lụa, đứa bé con là tôi ngày ấy cũng biết rằng Tết sắp về. Chưa có năm nào hồi nội còn sống, khoảnh vườn ấy thiếu đi sắc màu hồng vàng của lay-ơn, mai và vạn thọ. Những sắc màu của Tết, của xuân bừng lên trong cái không gian xám xịt của mùa đông miền Trung, bừng lên trong cảm xúc của đứa bé con chạy la cà quanh làng để đếm những búp xanh đầu tiên bung trổ trên những cây mai cao tận nóc ở trước ngõ gạch dẫn vào mỗi nhà trong xóm. Những cây mai vàng rực nối nhau từ vườn nhà này sang vườn nhà nọ, từ đầu làng đến cuối làng. Giữa âm u rực rỡ lên một màu của niềm vui, hy vọng.

Những cây mai ấy bây giờ không còn nữa. Làng nay đã thành ra phố, đường bê-tông thẳng tắp, bờ giậu thưa xanh mướt ngăn giữa mỗi nhà đã thay bằng tường vôi rào thép, những mảnh vườn nhỏ trước mỗi nhà cũng bị thay bằng sân bê-tông phẳng phiu để đậu ô-tô. Cây mai già “đình tiền tạc dạ” dần vắng bóng, mùi hương thanh tao khó lẫn của những bông hoa đến độ mãn khai len lỏi khắp đường làng ngõ xóm ngày nào, chẳng ai ngờ, đến một ngày lại trở thành một thứ mùi khó tìm như mẹ tôi vẫn chặc lưỡi tiếc rẻ vào mỗi mùa xuân.

Nhưng có một thức mùi khác của Tết, may thay vẫn còn: mùi hương trầm.

Có đôi lúc, tôi tưởng như cả suốt dọc dải miền Trung quê mình được bủa vây bởi cái mùi hương ấy. Cái mùi hương ấm áp, len lỏi khắp trong đời sống và tâm hồn của xứ sở. Mùi hương của tâm linh, mùi hương của niềm tin và lòng thành kính vô hạn. Mùi hương nhắc nhớ về huyền thoại của bà mẹ Xứ sở, người bảo bọc những kẻ lên non “ngậm ngải tìm trầm”. Mùi hương của Tết. Mỗi năm, cứ hai mươi tháng Chạp trở đi, khi người miền Trung bắt đầu mùa cúng tất niên, đó cũng là lúc mùi hương trầm dội lên từ làng tới phố. Tôi có cảm giác như cái hơi lạnh nằng nặng, đặc cứng của mùa đông đã giữ cái thức mùi ấm áp ấy lưu lại lâu hơn trong không gian, đưa nó len lỏi khắp mọi ngóc ngách. Mùa tất niên, người ta cúng cấp nhiều hơn, mùi hương trầm ngát thơm hơn và lưu lại suốt cho đến tận mấy ngày Tết.

Đời sống hiện đại và tiện nghi dần theo thời gian, cái hiện đại đã đẩy lùi bao nhiêu thứ trôi vào quá khứ hay trở thành ký vãng. May thay, mùi hương trầm vẫn còn ở lại. Có lẽ dù hiện đại hay tiến bộ tới đâu, người ta vẫn không thể sống thiếu niềm tin, thiếu đi một điểm tựa tâm linh của mình. Nén hương của bà tôi mỗi tháng Chạp là vật mang trọn lòng thành kính để đón mời tổ tiên từ cõi xa xăm trở về hiện diện cùng con cháu, nén hương của mẹ tôi gói ghém niềm tin và lời nguyện cầu tha thiết dâng lên Trời Phật, các bậc cao thượng mà bà hằng tin tưởng sẽ luôn che chở cho những người mà bà thương yêu nhất, nén hương của lòng trắc ẩn hòa theo tiếng trống nhịp chiêng hằng mong sẻ chia với những vong hồn phiêu bạt khắp bờ cây bụi cỏ trong những mâm cúng xóm, để “họ” cũng được chút ấm lòng khi năm cùng tháng tận bởi chăng “mình có Tết thì người ta cũng mong có Tết thôi” như lời ngoại đã từng nói với tôi như thế… Cứ vậy, mùi hương trầm nối quá khứ tới hiện tại, nối lòng người với lòng người, kéo cõi xa về với cõi gần, khiến ta tạm dịu đi những bất an để đón một năm mới với ước vọng sáng tươi nhất sắp sửa bước sang.

Còn ít lâu nữa là Tết. Ít lâu nữa là những đứa con tha hương như chúng tôi lại chia tay thành phố để trở về với quê hương của mình. Dẫu buồn, dẫu vui, dẫu lo lắng giận hờn, rồi ai cũng phải về, về với thương yêu chẳng bao giờ ngừng dứt. Về với Tết. Để lại chìm trong cái không gian se lạnh, thoảng vương mùi hương trầm, mùi hương bay về từ ký ức, khơi lại những câu chuyện Tết của hồi lên chín lên mười, bên bữa cơm chiều cuối đông, bên nồi bánh tét thâu đêm nơi góc sân nhà. Cái hồi ấy, Tết đẹp biết nhường nào!

Và rồi tôi lại về với đêm giao thừa, về chùa, nơi cũng hồi chín mười tuổi, tôi gặp Phật để rồi khởi đầu mối túc duyên vàng đá. Trong tiếng chuông trống Bát-nhã trầm hùng, giữa muôn tâm thành kính hướng về Đức Từ Tôn trong khóa lễ giao thừa, mùi hương trầm thơm ngát tỏa lan. Mùi hương trầm quyện cùng tiếng tang tiếng mõ, âm vang điệu thần chú Phổ Am. Mùi hương trầm thoảng theo gió nhẹ, nâng những linh tự chầm chậm bay lên, bay lên mãi.

Ở ngoài kia, xuân cũng kịp về.
 

Vạn Diệp