Im lặng như chánh pháp



Ai cũng biết biết cuộc sống vốn vận động không ngừng. Do đó, Phật dạy con người luôn đối diện các vấn đề khổ đau và cần phải vượt thoát mọi khổ đau. Phật giáo là một tôn giáo chủ trương sống an lạc, hạnh phúc qua việc thực tập đời sống tâm linh, thiết thực hiện tại. Đây là một nếp sống hướng thượng, tìm cầu giải thoát cho mình, và hướng người khác cũng giải thoát như mình. Nếu được như vậy, bạn là người biết tu, biết học, biết hành theo giáo lý của Phật đã giảng dạy, nhằm báo đáp ân đức Tam bảo, thầy tổ, cha mẹ, quê hương xứ sở trong muôn một. Có thể nói, một trong những đặc sắc của phong cách giảng thuyết của Phật là tránh thảo luận những vấn đề có tính chất siêu nghiệm và siêu hình, những vấn đề mà Phật cho là không thiết thực, hay dẫn tới tranh luận bàn cãi không đi vào sự thực nghiệm giải thoát khổ đau. Đó là các vấn đề thường đưa đến cạnh tranh, khẩu tranh, hý luận. Trước các vấn đề đó, Đức Phật thường trả lời bằng thái độ im lặng. Ngài bảo đó là Sự im lặng trong Chánh pháp. Có thể tóm tắt các vấn đề đó như sau:
1. Thế giới là: a) vĩnh hằng; b) hay không vĩnh hằng; c) hay vừa vĩnh hằng vừa không vĩnh hằng; d) hay vừa không vĩnh hằng vừa không phải là không vĩnh hằng?
2. Thế giới là: a) hữu hạn; b) hay vô hạn; c) hay vừa hữu hạn vừa vô hạn; d) hay vừa không hữu hạn vừa không phải là không hữu hạn?
3. Các bậc Thánh đã giải thoát, sau khi chết có: a) tồn tại; b) hay không tồn tại; c) hay vừa tồn tại vừa không tồn tại; d) hay vừa không tồn tại cũng không phải là không tồn tại?
4. Tâm và thân là: a) một; b) hay là khác; c) hay vừa là một, vừa là khác; d) hay vừa không phải là một cũng không phải là khác?
Đối với bốn loại vấn đề trên, mặc dù tầm quan trọng lớn lao của chúng về mặt triết học và tôn giáo, nhưng Đức Phật trước sau vẫn tránh không trả lời. Kinh Trung A Hàm ghi lại câu chuyện giữa du sĩ ngoại đạo Vacchagota và Đức Phật như sau: Vacchagota hỏi: “Ngài có chủ trương thế giới là vĩnh hằng và cho rằng kiến giải đó là chính xác; còn lại, mọi kiến giải khác đều là sai lầm không?”. Đức Phật trả lời: “Không! Ta không thừa nhận thế giới là vĩnh hằng, và cũng không nói kiến giải đó là chính xác; còn lại, mọi kiến giải khác đều sai lầm”. Vacchagota: “Vậy phải chăng Ngài chủ trương thế giới là không vĩnh hằng… thế giới là hữu hạn… là vô hạn… Tâm và thân là một hay là khác… Bậc Thánh sau khi chết có tồn tại hay không tồn tại…?”. Vacchagota lần lượt nêu ra 16 vấn đề, nhưng Đức Phật đều phủ nhận và không tán thành chủ thuyết nào. Như vậy có nghĩa là Phật không chấp nhận bất cứ một chủ thuyết nào trong 16 vấn đề được nêu ra. Vacchagota lại hỏi: “Vì sao Ngài lại không có một chủ thuyết nào hết? Ngài thấy có cái gì không đúng, khiến Ngài phủ nhận tất cả như vậy?”. Đức Phật nói: “Này Vacchagota! Tất cả vấn đề như thế giới là vĩnh hằng hay không vĩnh hằng, hữu hạn hay vô hạn, bậc Thánh sau khi chết còn tồn tại hay không tồn tại, thân và tâm là một hay là hai… đều là hý luận (nói mà chơi), không có giá trị và ý nghĩa gì hết, đều chỉ là mê hồn trận làm mê hoặc con người ta mà thôi. Bàn các vấn đề đó cũng như là trò múa rối, như là rừng rậm không có lối vào lối ra, như là sa mạc hoang vu; chúng là xiềng xích trói buộc, mê hoặc, làm sợ hãi, gây lo âu buồn khổ cho con người; chúng không làm cho con người được bình thản và có tri thức, không đưa con người tới nơi an tịnh, trí tuệ và giải thoát, hoàn toàn không có ích gì đối với sự tu hành đạo đức trong sạch và đoạn trừ phiền não”. Lời nói trên đây của Đức Phật là một sự đánh giá đối với tất cả mọi chủ thuyết triết học, đề cập tới 16 vấn đề, ngày Phật còn tại thế, vốn được bàn cãi sôi nổi trong giới triết học và tôn giáo của Ấn Độ. Vacchagota lại hỏi: “Ngài đã bác bỏ tất cả mọi chủ thuyết trên, vậy thì Ngài có chủ thuyết triết học gì của Ngài?”. Đức Phật trả lời: “Như Lai không còn bị trói buộc bởi bất cứ một chủ thuyết nào hết, Như Lai đã siêu việt và giải thoát ra khỏi mọi hý luận và triết thuyết...”. Vacchagota lại hỏi: “Bậc Thánh sau khi chết thì tái sanh ở đâu?”. Đức Phật nói: “Câu hỏi của nhà ngươi đặt không đúng.

Một bếp lửa bị giập tắt, vì củi cháy hết hay là vì người ta đem củi đi. Không thể hỏi lửa tắt rồi đi về phương Nam, phương Bắc, phương Đông hay phương Tây. Bậc Thánh ngộ đạo cũng vậy, sau khi viên tịch thì cả thân tâm đều vắng lặng, không còn tái sanh, xa lìa mọi hý luận có và không. Hỏi bậc Thánh tồn tại hay không tồn tại, có tái sanh hay không tái sanh đều không thích đáng”. Phần lớn các vấn đề triết học cũng là như vậy, đều là huyễn tướng vô nghĩa, không có lợi ích mà cũng không đem lại kết quả gì. Một mặt khác, đọc bất cứ một cuốn lịch sử triết học nào, chúng ta cũng thấy là các vấn đề triết học nêu ra trên đây, cho đến ngày nay vẫn chưa có giải đáp nào thích đáng, chỉ toàn là giả thuyết và giả thuyết. Không phải chỉ những nhà ngoại đạo mới nêu ra các vấn đề trên hỏi Phật, mà ngay trong Tăng chúng, cũng có người sanh nghi mà hỏi Phật. Kinh Trung A Hàm kể lại cuộc đàm thoại sau đây giữa Đức Phật và Tôn giả Mạn đồng tử (Maly Kupunta): “Một lần, Tôn giả Mạn đồng tử đang ngồi thiền ở nơi vắng lặng, bỗng có ý nghĩ: ‘Có những vấn đề như sau, Thế Tôn gác ra một bên không giải đáp: Thế giới là vĩnh hằng hay không vĩnh hằng, hữu hạn hay vô hạn, bậc Thánh sau khi chết còn tồn tại hay không tồn tại, thân tâm là một hay là hai v.v...’ Tôi sẽ đến Thế Tôn và hỏi Ngài. Nếu Thế Tôn giải thích cho tôi những vấn đề đó thì tôi sẽ tiếp tục ở lại tu Phạm hạnh, bằng không, tôi sẽ bỏ tu Phạm hạnh, trở về nhà làm cư sĩ”. Tôn giả Mạn đồng tử bèn đến chỗ Phật ở vào một buổi xế chiều và hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Con đang ngồi tập thiền định thì bỗng nhiên có ý nghĩ: ‘Có những vấn đề bức xúc mà Thế Tôn nói chung không chịu thảo luận, gác ra một bên hay là bác bỏ, như là vấn đề thế giới là vĩnh hằng hay không vĩnh hằng, hữu hạn hay vô hạn...’ Những vấn đề đó, vì Thế Tôn chưa giảng giải cho con cho nên con không vui, và đối với con cũng không thích đáng. Nếu Thế Tôn biết thì xin hãy giảng giải cho con. Còn nếu Thế Tôn không biết thì xin hãy trả lời như một người trung thực: ‘Ta không biết, Ta không có kiến giải’”. Đức Phật trả lời: “Này Mạn đồng tử! Nhà ngươi hãy nhớ lại xem! Ta có bao giờ nói với ngươi, ‘hãy lại đây học đạo với Ta, và Ta sẽ giải đáp cho ngươi các vấn đề như thế giới là vĩnh hằng hay không vĩnh hằng, hữu hạn hay vô hạn, thân và tâm là một hay là khác nhau, bậc Thánh sau khi chết còn tồn tại hay không tồn tại...’”. Mạn đồng tử sau khi suy nghĩ chốc lát bèn trả lời: “Đúng là không có, bạch Thế Tôn! Ngài chưa từng nói như vậy”. Đức Phật nói: “Vậy thì Mạn đồng tử! Nhà ngươi đã có hay không nói với Ta, ‘bạch Thế Tôn, tôi lại học đạo với Ngài, Ngài phải giảng giải cho tôi những vấn đề đó: Thế giới là vĩnh hằng hay không vĩnh hằng, hữu hạn không vô hạn...”. Mạn đồng tử thưa: “Cũng không, bạch Thế Tôn! Con chưa từng yêu cầu Thế Tôn như vậy.”Đức Phật nói: “Thế là tốt! Hai người chúng ta không có hiểu như vậy. Ta chưa từng hứa với nhà ngươi là sẽ giải đáp các vấn đề đó. Vậy thì nhà ngươi tuyên bố không bằng lòng với ai, và phiền trách ai?”. “Này Mạn đồng tử! Cũng như một người bị mũi tên độc bắn phải. Bạn bè thân thuộc mời thầy thuốc lại. Nhưng người bệnh lại nói: ‘Ta không chịu cho nhổ mũi tên này ra, chừng nào mà ta chưa biết được người bắn ta thuộc đẳng cấp nào, đẳng cấp Sát-đế-lỵ hay đẳng cấp Bà-la-môn, đẳng cấp nông dân hay đẳng cấp hạ tiện.’ Hay là anh ta hỏi: ‘Ta phải điều tra cho ra người bắn ta cao hay thấp, da đen hay da trắng, cái cung bắn ta là loại cung nào, cung dây hay cung nỏ, cái tên làm bằng chất liệu gì? Lông ở đuôi mũi tên là lông chim gì…?’”. “Này Mạn đồng tử! Người đó sẽ chết trước khi điều tra ra được mọi điều nó thắc mắc, nghi ngờ. Tình hình cũng giống như vậy, khi có người nói: ‘Tôi sẽ không tu hành dưới sự lãnh đạo của Thế Tôn, trừ phi Thế Tôn giảng giải cho tôi thế giới là vĩnh hằng hay không vĩnh hằng, hữu hạn hay vô hạn, bậc Thánh sau khi chết tồn tại hay không tồn tại...’ Anh ta sẽ chết trước khi Thế Tôn giảng giải cho anh ta hiểu hết mọi vấn đề anh ta nêu ra. Tu tập nếp sống thanh tịnh, không cần dựa vào giáo điều thế giới là vĩnh hằng hay không vĩnh hằng, hữu hạn hay vô hạn. Trên thế gian, dù có lưu hành giáo điều thế giới là vĩnh hằng hay không vĩnh hằng, thì thế giới này vẫn bị sinh, già, bệnh, chết và sầu bi khổ não. Điều mà Ta muốn giảng dạy là làm thế nào, trên thế gian này loại trừ được sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ não. Này Mạn đồng tử! Vì sao Ta lại không giải thích những vấn đề đó; là vì chúng vô ích, không quan hệ gì tới đời sống tôn giáo, cũng không dẫn tới nhàm chán, không dục vọng, ngăn ngừa, an tịnh, thần thông, trí tuệ vô thượng và giải thoát Niết-bàn. Vì tất cả những lẽ đó cho nên Ta không giải thích”.
Từ câu trả lời của Đức Phật, có thể rút ra những điểm kết luận như sau:
1. Đức Phật không né tránh vấn đề, nhưng Ngài tuyên bố khẳng định là đời sống con người quá ngắn, trí tuệ con người quá hạn chế, cho nên sẽ chết trước khi có đáp án đối với các vấn đề được nêu ra. Vì vậy, Đức Phật nói con người không thể có đáp án đối với các vấn đề đó. Những vấn đề đó từ trước tới nay đã từng có hàng vạn người nghiên cứu, trong hàng mấy ngàn năm cho đến tận ngày nay, nhưng vẫn chưa tìm ra được một đáp án nào thỏa đáng. Cho nên, nhận định của Đức Phật cách đây hơn 2.600 năm vẫn chính xác: Tức là không nên để mất thì giờ vào các vấn đề siêu nghiệm và siêu hình như thế.
2. Theo quan điểm của Đức Phật thì những vấn đề đó không những nhân loại không thể giải quyết, mà cũng không nên tìm cách giải quyết, bởi vì sẽ làm mất thì giờ vô ích và uổng công, hơn nữa lại có thể khiến người khác hiểu lầm. Như nói bậc Thánh giác ngộ sau khi chết, sẽ vẫn tồn tại thì sẽ khiến cho người không hiểu sẽ chấp thường, mà nếu nói bậc Thánh không tồn tại thì sẽ khiến anh ta chấp đoạn. Mà thực thế, tình hình của bậc Thánh đó là siêu việt ngôn ngữ và tư duy của kẻ phàm tục mà thôi: Chấp thường hay chấp đoạn đối với các bậc Thánh nhập Niết-bàn đều là sai cả.
3. Ngoài hai ý nghĩa trên đây, còn có những ý kiến cho rằng sự im lặng của Đức Phật có thể được đánh giá theo ba cách khác nhau: Quan điểm thứ nhất xem Phật như một nhà bất khả tri luận (agnostic), chủ trương chân lý tuyệt đối là không thể biết được. Đó là một thái độ tuyệt đối thất vọng đối với chân lý! Một thái độ hoài nghi và bi quan! Nhưng thái độ của Đức Phật đối với nhân sinh và tôn giáo là một thái độ tích cực, trong nhiều vấn đề, thật sự có một đáp án khẳng định. Thí dụ, Phật khẳng định lý nhân quả, nghiệp báo, khẳng định các nguyên tắc đạo đức, khẳng định có cảnh giới Niết-bàn, giải thoát và chỉ ra con đường cụ thể dẫn tới cảnh giới đó. Vì vậy, Phật không thể là một nhà bất khả tri luận. Phật giữ thái độ im lặng là để nói rằng, tìm hiểu loại vấn đề đó bằng tư duy, vọng tưởng thì chỉ có mất công và phí thì giờ mà thôi. Hơn nữa, vị sáng lập ra một tôn giáo phải hướng dẫn tín đồ của mình bằng một giáo lý tích cực và chánh diệu, thì mới có thể hướng dẫn họ vào thực nghiệm tôn giáo được, do đó, một nhà sáng lập tôn giáo không thể là một nhà bất khả tri luận. Quan điểm thứ hai cho rằng Phật là một nhà đoạn diệt luận (annihilationist), như Oldenburg nói “Niết-bàn là hủy diệt (Nirvana is annihilation)”. Thiết nghĩ, nếu nói Niết-bàn là sự hủy diệt thì tự sát là chứng Niết-bàn, cần gì mà phải gian khổ tu học giới, định, tuệ để làm gì? Trong kinh Phật có nhiều đoạn mô tả Niết-bàn như là một cái gì tích cực và khẳng định như, là vô tử, vô diệt, vô suy, vô nhiễm, vô cấu, cực lạc v.v... Đức Phật đối với Niết-bàn, tức chân lý tuyệt đối, luôn luôn có thái độ khẳng định, chứ không phải hoài nghi. Phật chỉ căn dặn không được lấy vọng tưởng để mà đánh giá Niết-bàn. Quan niệm thứ ba, cho rằng Đức Phật là một nhà thực dụng chủ quan (pragmatist). Đó là một nhận định rất đúng đắn. Đức Phật luôn luôn cảnh cáo rằng, huyễn tưởng không thể giúp con người đoạn diệt phiền não và thống khổ, dẫn tới hòa bình và giải thoát. Điều mà Đức Phật quan tâm, chính là đoạn trừ phiền não và thành tựu giải thoát. Với mục đích ấy, tất cả mọi huyễn tưởng hay tư biện triết học đều nên loại bỏ, vì không mang lại kết quả và không có tác dụng đoạn trừ phiền não. Vì lẽ đó, thái độ im lặng của Đức Phật có ý nghĩa rất quan trọng; thái độ đó thể hiện một phán đoán sáng suốt và siêu việt, sâu sắc, thâm thúy. Đó là thái độ tôn trọng thực tiễn, thực chứng, không phải tôn trọng ngữ ngôn văn tự, tư duy, phân biệt, càng không coi trọng hý luận, tư biện thường dẫn người ta đến lãng quên công phu tu hành thực tiễn và nếp sống đạo đức hướng thượng. Đó là toàn bộ giá trị sự im lặng như Chánh pháp mà Đức Phật muốn chúng ta thực thi hành trì nếp sống hướng nội giải thoát. „


Thích phước Đạt