Khi ta thành thật ‘Thưa mẹ con đi’


Một cuộc trò chuyện, không phải về bộ phim, mà về những vấn đề mà cộng đồng LGBT ở Việt Nam hiện tại, ứng xử sai đúng, khoảng cách của sự chấp nhận giữa gia đình và xã hội, họ có tổn thương không?

Yếu tố đồng tính có phần bị ‘biến dạng’ trên sách, phim, sân khấu… do cách khai thác nặng tính câu khách. Trịnh Đình Lê Minh – giảng viên đại học, đạo diễn điện ảnh – có cách chia sẻ khác trong phim dài đầu tay của anh: Thưa mẹ con đi.

Nhân mùa Vu Lan Báo hiếu PL.2563, PTVN gửi đến các bậc phụ huynh bài phóng vấn Trịnh Đình Lê Minh do báo Tuổi trẻ thực hiện về khởi nguồn Thưa mẹ con đi và những vấn đề mà cộng đồng LGBT (đồng tính nữ – lesbian, đồng tính nam – gay, lưỡng tính – bisexual và chuyển giới – transgender) còn gặp phải khi xã hội thời gian qua có nhiều thay đổi theo hướng cởi mở hơn về vấn đề này.

Góc nhìn chân thành

* Thưa mẹ con đi có cặp nhân vật chính là người đồng tính được kể bình dị như mọi người dị tính đến với nhau. Chắc hẳn lâu nay cách điện ảnh, sân khấu đem những người thuộc giới LGBT ra để “câu view” hoặc châm biếm đã làm bạn khó chịu lắm?

– Tôi không nghĩ việc mình khó chịu với cách khai thác vấn đề LGBT thời gian qua có thể tạo ra động lực để tôi làm cả một bộ phim chỉ để chứng tỏ tôi có thể tiếp cận khác. Một bộ phim đến với tôi vì nhiều lý do, như cái duyên khi biên kịch Nhi Bùi gặp tôi và chia sẻ kịch bản.

Chính chủ đề về mối quan hệ giữa cá nhân và gia đình là điều khiến tôi muốn làm Thưa mẹ con đi. Phim kể câu chuyện về một chàng trai trẻ là cháu đích tôn của một dòng họ, sau 9 năm ở Mỹ, trở về Việt Nam cùng bạn trai Việt kiều, công khai với mẹ về mối quan hệ của họ.

* Trong phim có câu thoại “Anh nghĩ mình có bao giờ hiểu mẹ chưa?”. Đó có phải là một sự nhắc nhở rằng lâu nay, những người LGBT đang “đòi hỏi” người khác phải hiểu mình mà thiếu đi sự hiểu ngược lại?

– Đây là một câu thoại đúng với mọi quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chứ không chỉ với các cá nhân LGBT. Chúng ta luôn đòi hỏi cha mẹ phải hiểu mình, nhưng lại ít có dịp tự hỏi bản thân xem mình đã hiểu hoặc ít nhất cố gắng hiểu cha mẹ hay chưa.

Tôi hi vọng bộ phim sẽ đem đến những góc nhìn chân thành về vấn đề của cá nhân – những người con LGBT trong mối quan hệ gia đình. Ở đó, sự lắng nghe và thấu cảm sẽ giúp mọi người với những kỳ vọng khác nhau trở nên gắn kết hơn.

* Nếu vấn đề Thưa mẹ con đi là vấn đề của chính bạn, bạn có tin mình có giải pháp để giải quyết? Bạn có thành thực để… “Thưa mẹ con đi”?

– Câu chuyện Thưa mẹ con đi dù không do tôi viết ra nhưng lại có sự đồng cảm rất mật thiết. Mối quan hệ, những đối thoại, tranh luận, những khác biệt và cả sự chấp nhận, cảm thông giữa tôi và bố mẹ mình về việc sẽ sống ở đâu, ở chung hay riêng… trong khoảng thời gian sau khi tôi đi du học trở về chính là nguồn cảm hứng để tôi xây dựng mối quan hệ của nhân vật chính và mẹ trong phim.

Đến một lúc nào đó, khi ta thành thật “Thưa mẹ con đi”, khi phân biệt rõ ràng giữa sự lựa chọn cá nhân và sự bền vững, tính kết nối tự nhiên của tình cảm huyết thống thì khi đó một phần ta đã trưởng thành hơn.

Lắng nghe, chấp nhận những ngã rẽ

* Thời gian qua, cách nhìn về LGBT đã cởi mở hơn trước nhiều nhưng thực tế là chưa có cách nhìn, cách ứng xử bình thường trong toàn bộ xã hội. Bạn nghĩ sao về điều này?

– Tôi nhớ cách đây 7 năm, khi đọc tin tức về việc chính quyền địa phương đến lập biên bản tiệc cưới của hai cô gái ở Kiên Giang, tôi đã rất bức xúc và phải lưu lại ngay tin tức này để hi vọng có thể kể câu chuyện về quyền mưu cầu hạnh phúc lên màn ảnh.

Vài năm sau, Luật hôn nhân gia đình đã bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người có cùng giới tính”. Dù chưa được thừa nhận, nhưng những đám cưới đồng giới đã có thể diễn ra. Nhưng với một số trang mạng và báo chí, các đám cưới này lại xuất hiện như kiểu tin giật gân, câu khách.

Có thể thấy dù xã hội Việt Nam khá cởi mở, đâu đó vẫn còn một khoảng cách lớn giữa việc xem cộng đồng LGBT như một cộng đồng bình thường. Đến khi nào “sự khác biệt” được xóa bỏ khỏi tâm thức của mỗi người, khi đó mới tiệm cận với sự bình thường tuyệt đối.

Hình ảnh trong phim “Thưa mẹ con đi”

* Sự thật là không hiếm các phụ huynh “không tin được”, “không thể chấp nhận” hay giấu biệt đi khi biết con em mình thuộc LGBT.

– Đó là chuyện hết sức bình thường, có thể thông cảm và hiểu được lý do. Khi xã hội mới bắt đầu tiếp nhận những khái niệm về đồng tính, rất nhiều người sẵn sàng chấp nhận vấn đề nếu nó không phải là “chuyện nhà tôi”. Khi đặt trong gia đình, vấn đề đồng tính có thể gặp mâu thuẫn bởi những kỳ vọng về việc duy trì huyết thống hay tổ ấm theo quan niệm truyền thống.

* Thế cách nào để gia đình chấp nhận, ứng xử bình thường, tôn trọng đương nhiên với những người LGBT?

– Theo tôi, chỉ có sự yêu thương và thấu hiểu mới có thể giúp gia đình bền vững, dù là chuyện LGBT hay những vấn đề khác. Khi chúng ta cùng ngồi xuống, lắng nghe, chấp nhận những ngã rẽ, những sự lựa chọn cá nhân, khi đó gia đình mới thực sự là chỗ dựa vững chắc, là một thể thống nhất với những cá nhân khác biệt, là một nơi để chúng ta luôn nhớ và trở về. Đến một lúc nào đó, khi tất cả mọi ứng xử giữa mọi người đều trở nên bình thường và tự nhiên, khi không còn bất kỳ sự tự điều chỉnh hành vi thì lúc đó mới có sự bình đẳng thật sự.

Giới tính không là sự lựa chọn

* Vậy truyền thông, nghệ thuật, theo bạn, có công và có lỗi ra sao trong việc thay đổi hoặc làm tăng thêm những kỳ thị vốn không hiếm trong xã hội với cộng đồng LGBT?

– Gần đây, một số phim nổi bật về đề tài LGBT như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Đi tìm Phong đã đem đến cái nhìn gần gũi và nhiều cảm thông, khiến các định nghĩa về cộng đồng LGBT trở nên rõ ràng hơn với những người bên ngoài.

Ở một cách tiếp cận khác với Để Mai tính, dù nhân vật Hội được số đông yêu thích, vẫn có một bộ phận khán giả LGBT phản đối cách bộ phim tạo ra tiếng cười từ một nhân vật như thế. Khách quan mà nói, phần đông phim Việt Nam đang miêu tả nhân vật đồng tính theo cách đó.

Tôi hiểu tại sao truyền thông hay nghệ thuật luôn phải nhấn vào “từ khóa” LGBT, vì cán cân xã hội cần được kéo sang hướng đó.

Tôi không nói cách tiếp cận nào là sai, nhưng trong một bức tranh toàn cảnh mà thiên lệch về bất kỳ hướng nào cũng dễ gây hiểu lầm cho khán giả đại chúng vốn mới tiếp xúc với khái niệm này, khiến họ đánh đồng đó là toàn bộ cộng đồng LGBT. Điều nên làm là khuyến khích những góc nhìn khác, những cách miêu tả khác đa dạng hơn bức tranh chung.

* Bạn có dự án nào tiếp theo liên quan LGBT? Bạn sẽ ủng hộ những gì từ cách mà người LGBT muốn đấu tranh hoặc theo đuổi?

– Tôi nghĩ trong những bộ phim của mình, những nhân vật LGBT sẽ xuất hiện, giới tính khi đó không là một sự lựa chọn, mà là những gì rất bản năng và thành thật.

Sự lựa chọn kể câu chuyện của những người LGBT một cách bình thản, xem tình yêu như một lẽ đương nhiên, sự khổ đau là một điều không thể tránh khỏi chính là cách tôi chọn để ủng hộ cộng đồng này.

Dĩ nhiên cũng không thể thiếu những hoạt động khác, để những người ngoài cộng đồng có cơ hội hiểu một cách sâu sắc những vấn đề LGBT, người trong chính cộng đồng nhìn lại những gì mình đã đạt được và những gì có thể đóng góp cho sự thay đổi đó.

Cát Khuê thực hiện

Hôm nay 16-8 (16/07/ÂL), bộ phim “Thưa mẹ con đi”  chính thức phát hành,phim đã đoạt giải Dự án phim thương mại xuất sắc nhất tại Gặp gỡ mùa thu 2017.

Ekip diễn viên bộ phim “thưa mẹ con đi”