Không lệ thuộc vật chất - Không nghĩ thiện - Không nghĩ ác
Đức Phật có trí tuệ vô giá như vậy, nên Ngài muốn truyền trao hiểu biết vô thượng này cho mọi người khắp nhân gian được thụ đắc của báu cao tột như Ngài. Nhưng vì trình độ thấp kém và nghiệp lực của con người quá nặng, nên không thể hiểu và thực hành được trí tuệ như Phật, khiến Ngài muốn vào Niết-bàn.
Thỉnh Phật thuyết pháp - Tranh PGNN
Trời Phạm Thiên liền hiện ra thỉnh Phật chuyển pháp luân. Phật mới nghĩ rằng pháp mà Ngài chứng được, tất cả chúng sanh không thể hiểu thì làm sao chỉ dạy trí tuệ tối thượng đó cho họ. Bấy giờ, mười phương Phật xuất hiện trước Phật Thích Ca mà nói rằng Phật Thích Ca cũng như tất cả chư Phật mười phương đều chứng được trí tuệ vô thượng, nhưng vì các Ngài không có thân tứ đại, nên không thể tiếp cận lục đạo chúng sanh.
Đức Phật Thích Ca là người may mắn vừa có thân tứ đại vừa chứng Vô thượng Bồ-đề, nên Ngài có đủ điều kiện chuyển ngũ uẩn thân thành Pháp thân. Vì vậy, Phật Thích Ca là người duy nhất ở Ta-bà có trí giác vẹn toàn để giảng dạy tất cả mọi người, mọi loài. Và chư Phật mười phương hộ niệm Phật Thích Ca để Ngài làm Giáo chủ cõi này và khai thị cho chúng sanh, trong đó có chúng ta.
Khi Phật Thích Ca nhận được lời thỉnh cầu của chư Phật mười phương như vậy, Ngài liền nghĩ ra pháp môn phương tiện, vì không có phương tiện thì không giáo hóa được chúng sanh.
Thật vậy, lúc bấy giờ, Đức Phật liền sử dụng ngay phương tiện là thân ngũ uẩn của chính Ngài để tiếp cận chúng sanh. Thí dụ cho dễ hiểu, cố Hòa thượng Thiện Hoa sáng lập Phật Ngọc Xá Lợi miền Tây. Đó là tâm nguyện của ngài, nhưng Hòa thượng đã vào Niết-bàn, ta không thấy, không nghe được lời dạy của Hòa thượng, nên ngài không dạy được. Hôm nay, tôi là học trò của Hòa thượng và thừa lệnh của Hòa thượng mà tôi đến đây thuyết giảng.
Nhớ lại vào năm 1963, ngài bảo tôi sang Nhật nghiên cứu Phật giáo để phát triển ở Việt Nam. Vâng lời dạy của Hòa thượng, tôi sang Nhật tìm hiểu cách giữ đạo và truyền đạo của Phật giáo Nhật Bản để về ứng dụng tại Việt Nam cho được lợi lạc.
Tất cả các pháp mà tôi ứng dụng là phương tiện, thành lập đạo tràng Pháp Hoa cũng là phương tiện. Phương tiện nghĩa là pháp mà ta sử dụng ở chỗ nào, vào lúc nào thì nó có giá trị như thế, không phải có giá trị vĩnh viễn. Vì Diệu pháp Liên hoa nghĩa là viên ngọc quý trong hoa sen mới có giá trị vĩnh viễn; nói chính xác đó là trí tuệ sáng suốt của ta hàm chứa trong thân tứ đại. Như vậy, phải hiểu rằng tu hành chuyển được thân tứ đại thành hoa sen, thành viên ngọc thì mới phát huy được năng lực trọn vẹn của con người.
Tại sao tôi thành lập đạo tràng Pháp Hoa. Vì năm 1975, miền Nam mới giải phóng, tất cả sinh hoạt tôn giáo đều bị hạn chế. Tình hình lúc đó, hoàn cảnh lúc đó, Phật tử và cả Tăng Ni không thể ngồi yên tụng bộ kinh Pháp hoa từ sáng tới chiều được. Lúc đó, việc quan trọng chính là cả nước lo cái ăn cho đủ, nên phải lo lao động sản xuất. Riêng tôi tham gia hoạt động từ thiện của Hội Chữ thập đỏ quận 10 để giúp đỡ bệnh nhân nghèo và lo làm ruộng của tổ đình Huê Nghiêm để có cái ăn cho chúng.
Tăng Ni, Phật tử theo sinh hoạt chung của cả nước là lao động tăng gia sản xuất, nên thì giờ tu tập rất ít. Vì vậy, tôi đã biên soạn Hồng danh Pháp hoa và Bổn môn Pháp hoa ngắn gọn chỉ tụng 20 phút là xong thời kinh.
Chủ trương của tôi biên soạn cốt lõi của kinh Pháp hoa cho dễ hiểu, dễ thuộc và sử dụng được trong tất cả tình huống. Vì Phật đã dạy trong kinh Pháp hoa rằng, dù ở điện đường, hay ở ngã tư đường, hoặc ở ngoài đồng trống cũng tu được, đó chính là tinh thần Pháp hoa. Và tôi đã sử dụng pháp phương tiện này để Phật tử hữu duyên với tôi, tức đạo tràng Pháp Hoa hàng ngày cùng đọc tụng, cùng thực hiện tinh ba của Pháp hoa và đã gặt hái được lợi lạc cho bản thân, cho gia đình và cho cả cộng đồng xã hội vậy.
Sau khi Phật Thích Ca thành đạo, trong thời kỳ đó, ở hoàn cảnh đó, Ngài đã khai phương tiện đầu tiên là pháp tu Thiền Tứ niệm xứ quán. Đó là bài pháp đầu tiên ở Lộc Uyển. Tại sao Phật sử dụng bài pháp này. Vì lúc đó, Phật thấy rõ chúng sanh ở hai mặt là mặt sinh tử và mặt không sinh tử. Lý này được kinh Pháp hoa nói rằng thực sự chúng sanh không có sinh tử khổ đau, nhưng vì vô minh, vọng kiến ngăn che, nên họ đã tự tạo thành sinh tử khổ đau, tự làm mình khổ đau. Nhận thấy sự hiểu biết sai lầm của chúng sanh như vậy, Phật mới sử dụng pháp hành trì để giúp mọi người chấm dứt khổ đau, chấm dứt sinh tử. Và quả đúng như vậy, năm thầy Tỳ-kheo áp dụng pháp tu này, liền chứng quả A-la-hán..
Ngày nay, trên bước đường tu, Tăng Ni phải chứng được quả vị này là không lệ thuộc thiên nhiên, không lệ thuộc tình cảm, không lệ thuộc xã hội. Thật vậy, thực tế cho thấy người lệ thuộc thiên nhiên, lệ thuộc tình cảm và lệ thuộc xã hội càng nhiều thì càng khổ đau. Không lệ thuộc thiên nhiên, không lệ thuộc tình cảm, không lệ thuộc xã hội là được giải thoát liền. Đức Phật đã khai thị cốt lõi này và Kiều Trần Như nhận ra lý Phật dạy, ngài liền chứng được quả Dự lưu là bước chân vào đạo giải thoát.
Hòa thượng Thanh Từ diễn tả lý này là bước chân vào cửa chùa. Thử nghĩ xem chúng ta tu cả đời, nhưng đã bước chân vào cửa giải thoát được hay không. Vì vậy, Phật dạy rằng Ngài giải thoát trong cảnh đau khổ triền phược của chúng sanh, còn chúng sanh đau khổ triền phược trong giải thoát của chư Phật.
Tu hành, chúng ta đừng để phiền não, trần lao, nghiệp chướng ràng buộc mình. Lai Quả thiền sư nhắc chúng ta rằng các thầy muốn giải thoát không, muốn ra khỏi sinh tử không. Nếu muốn thì ngồi xuống, không nghĩ ác. Và khi chúng ta trả lời rằng mình không còn nghĩ ác thì thiền sư hỏi vậy quý vị có còn nghĩ thiện hay không. Nếu còn nghĩ thiện thì phải chấm dứt luôn cái nghĩ thiện. Vì không nghĩ ác, không nghĩ thiện thì đó là bản lai diện mục của ta. Chỉ vì ta bị phiền não, trần lao, nghiệp chướng ràng buộc quá sâu nặng, nên không khổ mà thấy khổ.
Xưa kia, có thầy rất tội nghiệp, lúc nào trong phòng cũng chứa sẵn hũ gạo, để có chiến tranh thì có ăn. Tôi hỏi một hũ gạo này thầy ăn được mấy ngày. Nếu cả chùa không có ăn, thầy giữ được hũ gạo này không. Tôi không có hũ gạo nào cũng sống được vậy. Chỉ tại con người vì lòng tham vô đáy, nên luôn bị lo sợ, ganh tức, buồn phiền… bao vây khiến họ khổ đau.
Người tu sĩ đầu tiên không nghĩ ác, không nghĩ thiện, không lệ thuộc vật chất
Khi Phật dạy pháp tu này, nhiều người hết lòng thực hành, liền chứng được Sơ quả, dù họ không phải là người xuất gia. Thật vậy, điển hình như vua Tần Bà Sa La đau khổ vô cùng, vì bị đứa con ngỗ nghịch là A Xà Thế soán ngôi và nhốt ông vào ngục. Mục Kiền Liên vào ngục thăm ông và nói rằng Đức Thế Tôn dạy ông quán Không, vô tác, vô nguyện, nói đơn giản là nhà vua đừng muốn gì, đừng nghĩ gì sẽ hết khổ đau. Nếu không còn tác ý, tức không khởi lên ý niệm nào cả thì khổ đau chắc chắn không sanh khởi. Tại nhà vua còn tác ý là còn nghĩ rằng ông đã nuôi nấng, thương yêu và chăm sóc A Xà Thế nhiều biết là dường nào, vậy mà nó lại đối xử tệ bạc đến như vậy, thì ông mới tức giận vô cùng.
Vua Tần Bà Sa La nghe lời Phật dạy, nhận ra rằng tất cả mọi việc trên thế gian này là như thế, ông mới dứt khoát buông bỏ, không khởi niệm thiện ác nữa, thì ông liền chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn. Và từ tâm trí giải thoát này, thế giới tâm linh của ông được mở rộng một cách tốt đẹp, không còn buồn giận, lo sợ và đi theo con đường đến Niết-bàn.
Có thể nói Thiền Tứ niệm xứ quán là pháp tu căn bản nhất, dù chúng ta tu pháp môn nào cũng phải qua cửa này để có cuộc sống giải thoát, không lệ thuộc vật chất, nghĩa là ta không lệ thuộc cơm ăn, chỗ ở. Có thức ăn gì cũng được, không có thức ăn cũng không sao, ở đâu cũng được; vì những thứ đó không quan trọng đối với người tu.
Hòa thượng Thanh Kiểm sang Nhật lúc nước này vừa bại trận, nên kinh tế khó khăn, không có gì ăn. Thiền sư dạy Hòa thượng là đói thì uống nước rồi lên bồ đoàn ngồi Thiền, nhập định, quên đói, nên không thấy đói, là ăn cơm Thiền, ăn cơm Hương Tích.
Con đường này tôi trải nghiệm rồi, nên biết rõ. Lúc còn là học tăng của Phật học đường Nam Việt, chùa rất nghèo, thức ăn thiếu thốn là bình thường. Vì đói, nên cứ chờ nghe kiểng báo hiệu giờ ăn; nhưng càng chờ càng đói. Sang Nhật tu học, tôi phát hiện được cái lý ăn cơm Thiền, hay Thiền duyệt thực là thế nào.
Tôi nghĩ Tăng Ni tu hành theo Phật, nhưng không thực tập được Thiền duyệt thực coi như chưa tu. Tôi tập nhịn đói bằng cách Thiền, không nghĩ đến thức ăn nên quên đói và bắt đầu vào Thiền, từng bước chúng ta sẽ vượt thêm để tiến vào bậc Thánh.
Thực tế trước khi vào Thiền, chúng ta có cảm giác nóng quá, hay lạnh quá. Theo kinh nghiệm riêng tôi, càng nghĩ đến nóng thì mình càng thấy nóng dữ dội. Vì vậy, bắt đầu ngồi Thiền, không nghĩ nóng sẽ không nóng. Cũng vậy, không nghĩ ác, không nghĩ thiện thì ác thiện sẽ tự mất. Như vậy, trở lại bản lai diện mục của con người, chúng ta không đói khát, nóng lạnh.
Tôi có người bạn, họ Thiền suốt tuần không ăn, không đói, vì họ không nghĩ nhớ đến ăn, nên không thấy đói, là tâm không đói. Tu hơn nhau ở sự thực chứng. Chúng ta đói, thử hỏi tâm đói, hay thân đói. Chúng ta tu, tâm không đói thì thân nhịn ăn hai, ba ngày là điều bình thường. Có thể nghiệm như vậy, chúng ta sẽ nhận ra ý này.
Trên bước đường tu, khi tâm chúng ta ăn cơm Thiền, tức tâm yên tĩnh và tâm sống với pháp, nên không bị hàn nhiệt, cơ khát chi phối, chứng được Sơ quả, mới gặp bạn đồng hành, đồng sự dìu dắt. Không vào được thế giới tâm linh, dù ở tu viện, ở Thiền đường, nhưng phiền não vẫn sanh.
Vì vậy, phải thực tập được pháp tu vượt qua sự ràng buộc của vật chất, thiên nhiên, xã hội, tình cảm. Và khi tâm chúng ta đã thành tựu pháp này, được an lạc, chúng ta mới quan sát lại, thấy rõ trước kia đã lầm tưởng nhu cầu của chúng ta cần có nhiều. Nhưng chúng ta tiến tu trên lộ trình Phật dạy, hạ xuống nhu cầu của mình bằng không, thì liền bước vào được cửa Không, giải thoát, thấy rằng ta quá giàu, quá dư thừa. Thật vậy, vì nhu cầu ở dưới mức mình có, nên lúc nào mình cũng dư.
Phật tử tập tu, hạn chế nhu cầu xuống thì phước báo sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu nhu cầu tăng lên thì phước báo sẽ hạ xuống. Nhu cầu và phước báo, hai thứ này luôn tỷ lệ nghịch với nhau. Tôi thấy có người mong cầu nhiều, nhưng cả đời họ cũng không được gì.
Nói đến đây, tôi nhớ đến Trúc Lâm của Hòa thượng Thanh Từ. Ngài nói khi muốn xây chùa, không ai giúp; nhưng khi tu, không muốn xây chùa nữa thì chỗ này, chỗ kia đều phát tâm cúng dường xây chùa. Tôi cũng nhận ra lý này, hễ cần thì không có, khi mình không cần lại có đầy đủ và có dư nữa.
Theo tôi, nên quán sát xem Phật bổ xứ mình làm gì, thì làm đúng việc đó; muốn là không được. Thậm chí muốn cất cái am nhỏ, người ta cũng đốt. Lịch sử ghi rằng Nhật Liên Thánh nhân cất am tranh, đến tối, người ta lén đốt am. Ngài liền buông bỏ, lên núi tu.
Con đường của Phật, của Thánh Hiền là con đường mà chúng ta đã chọn. Người chưa tu thấy đầy gian nan, khó khăn cản trở, nhưng chúng ta dấn thân hành đạo, thấy rõ rằng trong hoàn cảnh khó khổ đó, chúng ta mới phát huy được đời sống tâm linh và vượt qua sự ràng buộc của cuộc sống vật chất, thì kết quả hành đạo cũng theo đó mà phát triển tốt đẹp. Đối với người mang chí lớn hành Bồ-tát đạo thì khó khổ là chất liệu quý giá nhất giúp họ tăng trưởng đạo lực, đạo tâm, đạo hạnh, đạo quả.