Lễ hội Chùa Hương


Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày mồng sáu tháng giêng là khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Vào dịp lễ hàng  triệu phật tử cùng du khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.

Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Ngày này vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Đến nay nghi lễ "mở cửa rừng" hàm chứa ý nghĩa mới - mở cửa chùa.

Lễ hội chùa Hưng trong phần lễ thực hiện rất đơn giản. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn.

Xã Hương Sơn là xã sở tại trực tiếp quản lý các tuyến du lịch. Trước khi vào chùa, du khách phải nghỉ lại ở các làng quanh bến Đục, bến Yến. Vì thế đi hội chùa Hương du khách dễ có dịp hòa mình vào không khí của hội làng truyền thống.

Ở trong chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Trong lúc chạy đàn, hai vị tăng ni múa rất dẻo và đẹp mắt qua những động tác ít thấy ở mọi nơi. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt. Về phần lễ có nghiêng về "thiền". Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Vòng là "chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngổn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là "tì nữ tuý Hồng" của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần.

Như vậy, phần lễ là toàn thể hệ thống tín ngưỡng gần như là cả một tổng thể tôn giáo ở Việt Nam; có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho. Những tính chất tôn giáo có phần bị tình yêu thiên nhiên, tinh yêu nam nữ, tình cảm cộng đồng… tràn đầy chất thẩm mỹ vừa thanh cao, rất trần tục lấn đi. Trẩy hội chùa Hương vì cả tâm hồn và thể xác đều được đắm sâu vào trong mây ngàn cỏ nội. Ngày hội, làng tổ chức rước thần từ đền ra đình. Cờ trống đi trước dàn nhạc bát âm kế theo, trai thanh gái lịch phù kiệu, ông già bà cả thành tâm tiễn thần. Không khí ấy làm tâm linh mọi người sảng khoái. Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc. điều  khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng.

Trong suốt những ngày hội là sự nồng nhiệt của tuổi trẻ, là sự thành kính của các bậc cao niên, là sự hoan hỷ mà nam phụ lão ai ai cũng có phần riêng của mình.

Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn …

Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Chính vì vậy, nói đến chùa Hương là nghĩ đến con đò - một dạng của văn hóa thuyền của cư dân Việt ngay từ thuở xa xưa. Và đến nay, ngày hội bơi thuyền ở chùa Hương luôn tạo cảm hứng mãnh liệt cho người đi hội.

Rời con thuyền, giã từ sông nước, con người được hòa nhập vào núi vãn cảnh chùa chiền và bắt đầu hành trình mới - hành trình leo núi. Leo núi chơi hang, chơi động lý thú vui nước đông đảo mọi người tham gia và hưởng ứng.

Trong không khí linh thiêng của ngày hội. Ở bất cứ chỗ nào như sân chùa, sân nhà tổ, hình thức hát chèo đò đều được thực hiện. Các vãi có giọng hay đứng dậy làm động tác chèo đò và hát những đoạn văn trên sáu dưới tám liên quan đến tích nhà Phật. Đây là một sinh hoạt rất được các vãi hâm mộ.

Có thể thấy, trẩy hội chùa Hương không chỉ dừng lại ở chốn Phật đài hay bầu trời - cảnh bụt, mà trước hết là do ở sự tiếp xúc - hòa nhập huyền diệu giữa con người trước thiên nhiên cao rộng. Đó là vẻ đẹp lung linh của sông nước, bao la của đất trời, sâu lắng của núi rừng, huyền bí của hang động… Và dường như đất - trời, sông núi đẹp hơn nhờ tài sáng tạo hình tượng - trí tưởng tượng này lòng nhân ái của con người.

Quan niệm lưỡng hợp biểu hiện ở thế đối ứng hai hiện tượng, hai phạm trù khác nhau mà bên nhau, làm cho cuộc hành trình về nơi thờ Phật dù có lúc vất vả nhưng vẫn đem lại sự cân bằng trong tâm thức và thể lực cho du khách.

Trẩy hội chùa Hương là hành động giải tỏa hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục - thực là nền tảng, mơ là uất vọng - trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà con người Việt Nam chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận hành động và trao truyền.

Vanhoaphatgiaovietnam.net(st)