LÝ TƯỞNG BỒ TÁT TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI


Có thể nói rằng một trong những học thuyết nổi bật của Phật giáo Đại thừa là học thuyết Bồ-tát, mặc dù khái niệm Bồ-tát đã xuất hiện trước đó trong Phật giáo Theravāda. Với việc xây dựng hình tượng Bồ-tát lý tưởng đi cùng với những nguyên tắc tu tập và thệ nguyện cứu độ chúng sanh, Phật giáo Đại thừa thể hiện là một tôn giáo đề cao tinh thần nhập thế tích cực.

Những luật tắc, phẩm hạnh và những thệ nguyện của Bồ-tát, cũng như việc thực hành con đường Bồ-tát, được giảng giải khắp các kinh luận Đại thừa. Nói chung Bồ-tát được xem là mẫu người có nhân cách lý tưởng và cao thượng; và những giới luật Bồ-tát được xem như những chuẩn tắc đưa đến một đời sống đạo đức và giúp xây dựng một xã hội tốt đẹp, cuối cùng là đưa hành giả đến sự giải thoát. Hẳn nhiên rằng khi thực hành theo những chuẩn tắc cùng những thệ nguyện mà mình phát nguyện, Bồ-tát sẽ trở thành những tấm gương sáng trong cuộc đời. Bồ-tát đi vào trong đời, vừa tu tập hoàn thiện bản thân và vừa làm cho cuộc đời tốt đẹp và nhân bản hơn. Chính vì điều này mà kinh Hoa nghiêm (Avataṃsaka Sūtra) nói rằng Bồ-tát đóng chức năng như một ngọn đèn có thể soi sáng thế gian.

Bản chất cốt tủy của Bồ-tát là lòng đại từ bi, và tất cả chúng sanh là đối tượng của lòng từ bi đó. Và bản chất của lòng đại từ bi mà nó hình thành nên một trong những đặc điểm quan trọng của chư Bồ-tát là không bao giờ rời bỏ những chúng sanh đang khổ đau phía sau cuộc hành trình của họ. Tuệ quán của chư Bồ-tát là nhận thức rõ tính không của tất cả các pháp, nhưng công việc cứu độ của họ thì không bao giờ nằm ngoài thế giới khổ đau. Điều kiện sống của Bồ-tát là ở nơi đời sống của những con người bình thường, và lòng từ bi sẽ trở thành nền tảng của tất cả hành động. Con đường Bồ-tát do đó không phải là con đường êm đềm phẳng lặng, bởi vì cõi đời vốn gập gành và luôn đầy những chướng ngại trên lối đi.

Theo kinh Lăng-già, Bồ-tát vì muốn độ tất cả chúng sanh đạt đến Niết-bàn nên phát nguyện ở lại thế giới nhiều khổ đau này để làm lợi ích cho chúng sanh. Kinh điển Đại thừa phác vẽ một hình tượng Bồ-tát đi vào đời hoằng hóa bằng nhiều phương cách khác nhau. Trong phẩm Phổ môn của kinh Pháp hoa, Bồ-tát có thể “hóa hiện” thành những hình hài khác nhau để cứu độ chúng sanh. Bồ-tát có thể ở trong hình hài phụ nữ, trong hình hài người nam, trong hình hài cư sĩ, trong hình hai tu sĩ, trong hình hài vua quan, trong hình hài thường dân, trong hình hài người lớn tuổi, trong hình hài trẻ thơ… Nhưng dù ở trong hình hài nào, mục đích của Bồ-tát là để cứu độ tha nhân. Và như vậy, bất kể mang hình hài tu sĩ hay cư sĩ, nếu suy nghĩ và việc làm lúc nào cũng vì tha nhân, hy sinh bản thân vì cuộc đời và những người cùng khó, và luôn sống theo những thệ nguyện cao cả thì người đó đang thực hành Bồ-tát đạo. Điều này cũng có thể nhìn thấy nơi kinh Duy Ma Cật, một bản kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa, nơi lý tưởng Bồ-tát được thể hiện sống động cùng với giáo lý Phương tiện: “Ông chấp trì luật pháp, duy trì trật tự dưới trên. Hợp tác hài hòa trong tất cả sự nghiệp buôn bán, tuy cũng gặt hái những tài lợi thế tục, ông không lấy đó làm mừng. Rong chơi trên các ngõ đường để giúp ích mọi người. Vào chốn công đường để bảo vệ kẻ thế cô. Tham gia các luận nghị để đưa người vào Đại thừa. Đến các trường học để khai sáng tâm mọi người. Vào nơi kỹ viện để cho thấy tai họa của dục vọng. Vào trong tửu lâu để khiến mọi người giữ vững ý chí”. Và, “Bằng gia sản bất tận của mình, ông bao bọc người cùng khổ. Bằng giới thanh tịnh, ông bao bọc người hủy phạm cấm giới. Bằng sự nhu thuận của nhẫn, ông bao bọc người sân hận hung dữ. Bằng đại tinh tấn, ông bao bọc người biếng nhác. Bằng nhất tâm, thiền định, tịch tĩnh, ông bao bọc những kẻ có tâm ý tán loạn. Bằng tuệ quyết định, ông bao bọc những hạng vô trí” (bản dịch của TT.Tuệ Sỹ).

Kinh điển Đại thừa như vậy cho thấy phạm vi hành hoạt của Bồ-tát vô cùng đa dạng. Trong thời hiện đại, nhiệm vụ của Bồ-tát càng trở nên đa dạng hơn trong một xã hội với nhiều khía cạnh đan xen chất chồng. Sự nghiệp hành hoạt của một vị Bồ-tát, do đó, không chỉ giới hạn sự quan tâm của mình vào những người đã yên vị trong những thiền đường mát mẻ hay thảnh thơi niệm Phật trong những tòa chánh điện cao rộng, trong khi bên ngoài còn vô số con người đang chịu những đau khổ bởi những nguyên nhân khác nhau.

Ngày hôm nay, bước trên con đường Bồ-tát, hành giả không chỉ nhìn vào tâm mình và quán sát những cảm xúc sinh khởi, mà còn phải nhìn sâu vào phẩm chất của những cấu trúc cộng đồng và trật tự xã hội, đòi hỏi những xem xét thấu đáo hơn về môi trường vật lý và môi trường tâm lý của đời sống cộng đồng. Lòng từ bi và trí tuệ của Bồ-tát không giới hạn nơi sự tỉnh thức và giác ngộ cá nhân, không giới hạn nơi việc “kiến tánh” cho riêng mình.

Bồ-tát là một con người và cũng là một trạng thái tâm được biểu hiện thành hành động. Chúng ta có thể nghe đến danh xưng những vị Bồ-tát, nhìn thấy tranh họa của những vị Bồ-tát, nhưng chúng ta cũng có thể gặp những con người thể hiện những hành vi và lời nói của một vị Bồ-tát. Chúng ta cần nghe đến danh xưng, hình ảnh và hạnh nguyện của những vị Bồ-tát để quy hướng. Nhưng chính những lời nói và việc làm trong đời sống thực thể hiện tinh thần Bồ-tát mới có thể làm cho lý tưởng Bồ-tát được hiện thực hóa.

Kinh điển Đại thừa, cụ thể như kinh Pháp hoa, nói đến loại hoa sen trắng thanh khiết mọc lên từ bùn lầy. Phép ẩn dụ này muốn nói rằng, việc đạt lấy trạng thái tâm thanh tịnh cần thực hiện giữa cuộc đời này, hay ngay giữa xã hội loài người, dù rằng điều này không dễ. Theo cách này, Bồ-tát không bao giờ chạy trốn thực tại, và không bao giờ rời bỏ chúng sanh đang chịu đau khổ trong cuộc đời còn riêng mình đắm say trong sự tĩnh tại cá nhân. Trong mười hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, hạnh thứ chín nói đến việc “hằng thuận chúng sanh”, là tùy thuận theo chúng sanh, là tùy theo căn cơ, nghiệp lực, hoàn cảnh… của mỗi chúng sanh để tuỳ nghi hóa độ. Điều này đòi hỏi Bồ-tát không bao giờ được thoát ly khỏi thực tại xã hội, như lời nguyện của hoàng hậu Shrimala trong kinh Thắng man(Srimala Devi Sūtra): “Nếu tôi nhìn thấy những người cô độc bị cầm tù một cách bất công và đánh mất sự tự do, những người khổ đau vì bệnh tật, tai ách và đói nghèo, tôi sẽ không rời bỏ họ. Tôi sẽ đem lại cho họ sự an ổn cả vật chất lẫn tinh thần”.

Không rời bỏ chúng sanh không có nghĩa là ở chung với họ, mà là hành động vì những con người đó. Tất nhiên, một vị Bồ-tát có thể hành động theo nhiều cách để giúp người, giúp đời. Lên án cái xấu ác, cổ vũ cho điều thiện cũng là một hành động mang hạnh nguyện Bồ-tát. Makiguchi, người thành lập tổ chức Phật giáo nhập thế Soka Gakkai ở Nhật Bản, cho rằng: “từ bỏ điều xấu và đi theo điều tốt là hai hành động được sinh ra từ cũng một lực đẩy…. Chỉ những người đủ can đảm chiến đấu chống lại điều xấu mới có thể là một người bạn chân thật của điều tốt… Nó là không đủ khi vui thích một cách thụ động với điều tốt. Chúng ta phải có sự can đảm đạo đức một cách tích cực để theo đuổi điều tốt”. Makiguchi đã thể hiện tinh thần dấn thân tích cực của Phật giáo Đại thừa khi khởi xướng phong trào Soka Gakkai, và khi xem từ bi có ý nghĩa tích cực chỉ khi nó được thể hiện qua hành động. Ông cho rằng khi chứng kiến một người sắp chết đuối, chỉ thể hiện một thái độ thích hợp đối với tình huống đó là không đủ, mà phải tìm cách cứu lấy mạng sống của người đó. Và lịch sử cần đến những người hành động hơn là cần đến những người bảo người khác hành động; cũng như cần đến những người tự thân tu tập hơn là người khuyên bảo người khác tu tập còn mình thì không!

Tuy nhiên với Phật giáo, hành động để cứu giúp tha nhân cần phải được tiến hành với sự chuyển đổi cá nhân. Việc đào luyện và chuyển hóa tâm là điều quan trọng trong lộ trình tu đạo. Bởi vì, cho dù một người cố gắng hết mình để làm điều tốt, nhưng nếu quên mất tâm bồ-đề, thì việc thiện đó cũng chỉ là hành động của ma. Tâm bồ-đề là tâm cầu giác ngộ, là tâm phát khởi cứu giúp chúng sanh, và cũng có thể gọi là những trạng thái tâm tốt sau khi đã nỗ lực gạn lọc những trạng thái tâm tiêu cực. Đánh mất tâm bồ-đề mà làm việc thiện, hay nói cách khác là các hành vi được thể hiện không khởi xuất từ động cơ trong sáng và lương thiện, thì việc thiện đó có khi chỉ là một hành vi che lấp cho một mục đích bất thiện, điều mà ta có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu trong đời sống xã hội hiện nay.

Bổn phận của Bồ-tát là thiết lập đạo đức vào trong đời sống xã hội và sau đó hướng dẫn chúng sanh đến sự giác ngộ hoặc chí ít là hướng dẫn họ đi theo con đường giác ngộ. Do đó, việc làm của Bồ-tát chỉ có ý nghĩa thực sự khi đưa được người khác đến với đời sống đạo đức và phát triển đời sống tâm linh. Theo Phật giáo Đại thừa, một vị Bồ-tát làm lợi ích chúng sanh qua việc thực hành các ba-la-mật (pāramitā), nhưng nếu những việc làm đó không đưa người khác đến được đời sống đạo đức và phát triển đời sống tâm linh thì chúng được coi là thiếu “phương tiện thiện xảo”. Nói cách khác, nếu một người nỗ lực làm từ thiện để giúp cho chúng sanh vơi bớt những đói khổ tạm thời, nhưng nếu không thiết lập được nền tảng đạo đức và đời sống tâm linh cho những người đói nghèo đó, việc làm của người ấy không được xem là hoàn hảo theo ý nghĩa thực hành Bồ-tát đạo.

Vạn pháp trong thế gian luôn tương thuộc và chúng sanh trong cõi ta-bà này không thể tồn tại độc lập. Do vậy, khổ đau và những tổn hại của chúng sanh khác chớ vội nghĩ là không có dính líu đến chúng ta. Trưởng giả Duy Ma Cật đã thốt lên rằng: “tôi bệnh vì chúng sanh bệnh. Khi bệnh của chúng sanh được khỏi thì bệnh của tôi sẽ khỏi”. Thực hành Bồ-tát đạo là xem bệnh khổ của chúng sanh như bệnh khổ của mình, trách nhiệm đối với người khác và đối với xã hội cũng có nghĩa là có trách nhiệm đối với bản thân. Điều này không phải là điều gì đó quá trừu tượng và khó hiểu, nếu chúng ta đọc những dòng sau đây của Đức Dalai Lama, mà cũng mang ý nghĩa tương tự:

“Mỗi người trong thế giới của chúng ta đều tương quan và tùy thuộc. Hạnh phúc và sự an bình của bản thân tôi là mối quan tâm của tôi. Tôi có trách nhiệm đối với điều đó. Nhưng hạnh phúc và sự an bình của tổng thể xã hội là quan tâm của mọi người. Mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm cá nhân để thực hiện những gì chúng ta có thể để cải thiện thế giới của chúng ta. Trong thời đại của chúng ta, lòng từ bi là cần thiết, không phải là một sự xa xỉ. Con người là những động vật xã hội và chúng ta phải sống cùng với nhau, cho dù chúng ta muốn hay không muốn. Nếu chúng ta thiếu những trái tim tốt và lòng từ bi đối với nhau, sự tồn tại của mỗi chính chúng ta sẽ bị đe dọa. Ngay cho dù chúng ta vị kỷ, chúng ta nên vị kỷ một cách khôn ngoan và hiểu rằng hạnh phúc và sự sống còn của chúng ta là tùy thuộc vào kẻ khác. Do đó, tử tế và từ bi đối với nhau là cốt tủy.

Con ong cái kiến không có tôn giáo, không có giáo dục hay triết học, tuy thế chúng hợp tác với nhau theo bản năng. Khi làm như vậy, chúng bảo đảm sự sống còn của thế giới của chúng và hạnh phúc của mỗi cá thể trong đó. Chắc hẳn loài người chúng ta, thông minh và tinh tế hơn, có thể làm được điều đó. Vì vậy, mỗi chúng ta có trách nhiệm cá nhân để giúp đỡ kẻ khác bằng bất cứ cách gì mà chúng ta có thể. Tuy nhiên, chúng ta chớ có mong đợi thay đổi cuộc đời ngay lập tức. Mỗi khi chúng ta chưa giác ngộ, những hành động của chúng ta làm lợi ích kẻ khác sẽ bị hạn chế. Không có sự an bình nội tại thì sẽ không có hòa bình thế giới. Do đó, chúng ta phải hoàn thiện bản thân và đồng thời làm những gì chúng ta có thể để giúp đỡ người khác”.

Hoàn thiện bản thân và giúp đỡ tha nhân theo khả năng mình có là điều Phật giáo luôn nhấn mạnh. Cả hai điều này giúp cho người tu học theo Phật giáo, những người đang thực hành theo con đường Bồ-tát, viên mãn trong việc tự độ và độ tha. Cuối cùng xin được kể lại một câu chuyện ngắn mang tính ẩn dụ để kết thúc bài viết này:

Một đoàn người đang đi qua một sa mạc khô cháy và họ đang kiệt sức vì mặt trời thiêu đốt và không còn nước uống. Nhưng trong số ấy, vẫn còn có một vài người có thể tiếp tục đi được và họ cố gắng vượt lên phía trước; và rồi họ đã gặp một hồ nước. Hẳn nhiên là họ vô cùng vui mừng khi nhìn thấy nước và việc đầu tiên là uống cho thỏa cơn khát đang thiêu đốt cơ thể. Trong số họ, có người sau khi uống xong, đã nghĩ đến việc nghỉ ngơi và chìm đắm trong sự thỏa mãn vừa có được; nhưng cũng có người, đã nghĩ đến những bạn đồng hành đang còn ở phía sau, nên hoặc là mang nước đến cho những người ấy, hoặc quay trở lại khuyến khích và bảo cho những người ấy biết rằng có một hồ nước đang ở phía trước, hãy cố gắng vượt lên để nhận lấy nước uống.

Những người khi tìm thấy nước, nghĩ đến người khác đang chịu cảnh khát cháy và muốn giúp những người đồng hành này, có thể được xem là mẫu người Bồ-tát. Và xã hội dù bất cứ ở thời kỳ nào cũng luôn cần đến những người như vậy, những người luôn nghĩ đến tha nhân, muốn chia sẻ những lợi ích vật chất và tinh thần cho những người đang còn chịu nhiều đau khổ trong cõi ta-bà vốn uế trược và lắm bất an này.
Huệ Thành
(Nguyệt san Giác Ngộ)