Mặt trái của thần thông


GN - Đức Phật đã nhiều lần kể về phút giây thành đạo của Ngài dưới cội bồ-đề, trong đó có quá trình chứng đạt Tam minh và Lục thông. Một người thành tựu quả vị A-la-hán cũng có đủ Tam minh và Lục thông.


Thần thông là năng lực siêu việt có thể đạt được khi tu tập hay tu luyện đạt đến một mức độ nào đó
- Tranh PGNN

Thần thông là năng lực siêu việt có thể đạt được khi tu tập hay tu luyện đạt đến một mức độ nào đó. Ví dụ kinh Sa-môn quả (Sāmaññaphalasutta) có đoạn nói đến tiến trình thực hiện những phép lạ thần thông rằng: “Có một vị Tỳ-khưu đã nhập thiền định vững vàng do đó đã được thanh tịnh và trở nên sinh động, lột bỏ khỏi những ảnh hưởng phiền não đang rình rập, trở thành kiên định, linh hoạt (nghĩa là nhuần nhuyễn và hoàn toàn tuân thủ theo ý muốn) và không bị lung lạc, hướng tới thực hiện được nhiều sức mạnh thần thông. Chư vị đó có thể đạt đến được những công việc lạ lùng như: Đi xuyên qua bức tường, hàng rào và cả những ngọn núi, chui xuống được lòng đất, đi trên mặt nước, bay trong không trung… có thể đụng tới hay sờ mó được mặt trời và mặt trăng. Bằng thân xác phàm trần của mình lại đột nhập được vào cõi Phạm Thiên”.

Người có được năng lực siêu nhiên sẽ có sức thu hút người khác rất lớn. Chỉ cần có thể làm được một trong những việc trên đây thôi là cũng có thể thu hút người người đến quy y, thọ giáo, xin làm đệ tử rồi. Nhưng tại sao Đức Phật không làm? Đó là vì mục đích giáo hóa của Ngài không phải để quy tụ tín đồ cho đông để được thanh thế hay lợi ích cho bản thân mà chỉ vì “Lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho số đông, chư thiên và loài người”. Lợi ích ở đây không phải là lợi ích về vật chất mà là lợi ích về tinh thần, là sự giác ngộ, chuyển hóa đời sống từ bóng tối ra ánh sáng. Đức Phật xác nhận có các loại thần thông nhưng Ngài hầu hết chỉ sử dụng giáo hóa thần thông, tức là năng lực cải hóa người khác bằng phương thức giáo dục để đưa con người từ mê đến giác ngộ, từ đau khổ đến an lạc, từ sinh tử đến Niết-bàn. Và theo Đức Phật thì loại thần thông này mới là quý báu hơn, kỳ diệu tuyệt vời, là ưu việt hơn cả trong các loại thần thông (Kinh Tăng chi bộ, chương III, phẩm VI, kinh 60: Sangārava).

Giáo hóa thần thông là dùng giáo pháp khéo léo khuyến hóa người khác bỏ đi những nghiệp xấu ác về suy nghĩ, lời nói và hành động mà quay về con đường thiện lành để được an vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Kinh điển mô tả giáo hóa thần thông là dùng lời nói đúng pháp nhắc nhở như sau: “Hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy! Hãy tác ý như vậy, chớ tác ý như vậy! Hãy từ bỏ cái này! Hãy đạt đến cái này và an trú!” (Kinh Tăng chi b, chương III, phẩm VI, kinh số 60).

Có thể nói, giáo hóa thần thông là khả năng đặc biệt có thể giúp một người từ bỏ ác về hành động, lời nói và ý nghĩ, thay vào đó, nuôi dưỡng tâm thiện lành qua ba phương diện thân, miệng và ý, biết cách chọn con đường hướng thượng đưa đến hạnh phúc chân thật, bền vững trong hiện tại và tương lai. Giáo hóa thần thông là dùng năng lực của giáo dục giúp đối tượng chuyển hóa thân tâm theo chiều hướng tích cực, làm thay đổi ngoạn mục chính con người ấy như thể có phép mầu. Bằng cách giảng giải giáo pháp một cách hợp lý, phù hợp với đối tượng, chọn phương pháp truyền đạt hiệu quả, với lòng thương tưởng người học, Đức Phật và Phật giáo nói chung đã tác động tâm thức người nghe một cách mạnh mẽ và toàn triệt, làm cho họ trở thành một người thuần thiện, hoàn toàn khác hẳn với chính mình trong giây phút trước. Đây không phải là thần thông, là phép lạ thì là gì?

Không thể phủ nhận rằng các phép lạ siêu nhiên là công cụ đắc lực để thu hút hay tạo niềm tin cho người khác. Nhưng một người vì năng lực siêu nhiên mà quy y thì ít khi được lợi ích gì trong Phật pháp; ngược lại có khi còn nguy hại. Họ đến với Phật pháp không phải vì hướng thiện, hướng thượng, vì mục đích diệt tận khổ đau mà chỉ vì tham đắm, hâm mộ các phép lạ. Sau khi vào đạo rồi, nếu không đạt được các phép lạ đó thì họ sẽ bỏ đạo. Đó là trường hợp của Tôn giả Sunakkhatta đã “Từ bỏ Thế Tôn… không sống dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn nữa” vì “Thế Tôn không khiến cho con chứng được các pháp thượng nhân thần thông” (Kinh Trường bộ, kinh Ba-lê). Còn nếu như mà họ đạt được thì họ cũng sẽ dùng thần thông để mê hoặc người khác để mưu cầu danh văn lợi dưỡng, như trường hợp của Đề-bà-đạt-đa. 

Các phép lạ siêu nhiên có sức mạnh thu hút người khác là do họ ngưỡng mộ, cho rằng người có thần thông là người tu hành đắc đạo, có thể cứu rỗi linh hồn của người khác; do hiếu kỳ, ưa những điều lạ lùng, kỳ dị và khác thường; hoặc có thể trị bịnh, dự đoán kiết hung. Do nghĩ rằng người có năng lực siêu nhiên là bậc thánh đã đắc đạo, nên tin rằng những gì họ nói đều đúng (người học Phật biết rằng chỉ có Đức Phật mới là bậc Nhứt thiết trí, Toàn giác tức là thông suốt tất cả các pháp). Nắm được tâm lý này của đa số quần chúng, một số người học chút pháp thuật, cố tình tạo nên sự huyền bí cho bản thân, rằng mình chứng được cái này, đạt được cái nọ, xẹt hào quang, rồi giả Phật giả thần, phán cái này cái kia để lừa gạt những người thiếu hiểu biết. Cho dù họ phán trật nhưng quần chúng vẫn tin rầm rầm vì nghĩ họ đã “đắc đạo” rồi. Hậu quả thật khôn lường.

Từ thời Đức Phật, nhiều người đã tự xưng là A-la-hán để lừa phỉnh người khác cung kính, cúng dường mình. Nhiều tổ chức tín ngưỡng trong xã hội hiện đại của chúng ta, dù mang danh xưng và hình thức khác nhau, nhưng đều có chung một đặc điểm là tạo ra sự huyền bí, tiếp xúc được với thánh thần, cõi âm, giúp tu hành mau chứng quả, mau đạt được những năng lực siêu nhiên như xuất hồn và cũng như có khả năng trị được những căn bịnh hiểm nghèo mà y học bó tay. Những kiểu tín ngưỡng này rất đa dạng, từ những tổ chức thu hút hàng ngàn tín đồ như Thanh Hải vô thượng sư, pháp sư Trần Tâm, thiền tông Tân Diệu, đến những cá nhân riêng lẻ lạm mượn y phục và nghi thức Phật giáo để phục vụ tham dục cá nhân.

Gần đây có hiện tượng nhiều chùa tổ chức tư vấn và cầu nguyện mùa thi cho các em học sinh, sinh viên thi tốt nghiệp lớp 12 và đại học. Theo tôi, tư vấn thì tốt, cầu nguyện để giúp tăng thêm nghị lực, tự tin vào chính mình thì được nhưng cầu nguyện (có tính thần bí) thì có vấn đề. Bằng tuệ giác và kinh nghiệm bản thân, chư tôn đức có thể chia sẻ, cung cấp cho các em những hiểu biết hữu ích, giúp các em bước vào kỳ thi một cách tự tin bằng chính học lực của mình. Nhưng cầu nguyện là sao, nó có khác với việc cúng sao, cầu an, cầu siêu hay không? Trí tuệ, kiến thức có thể do cầu nguyện mà được sao? Có vị còn dâng sớ, bắt ấn, chú nguyện và sái tịnh vào cây viết rồi phát cho các em đi thi. Việc làm đó có thể nói đã đi quá đà, gây nên ngộ nhận về đặc quyền ban phước, xa lạ với tinh thần chánh tín trong đạo Phật. Thế mới biết thần thông hay những gì siêu nhiên luôn có sức hấp dẫn con người ta khó cưỡng lại được.

Đức Phật không chủ trương dùng thần thông để giáo hóa chúng sinh, và Ngài cũng không cho phép các đệ tử làm như vậy. Trước đây tôi nghĩ rằng Đức Phật có quan điểm như vậy là quá cứng nhắc, vì thần thông, dù không làm cho người ta giải thoát, nhưng nó cũng phần nào biểu hiện năng lực, sự tu hành của người đó. Phải tu đến một mức độ nào đó thì mới có thần thông, miễn là mình không lừa gạt theo kiểu “sơn đông mãi võ” là được rồi. Vậy thì dùng thần thông như một phương tiện đắc lực cho người ta có niềm tin để tu hành thì có gì là xấu! Tuy nhiên, qua hiện thực cuộc sống, những gì đang diễn ra trong xã hội, tôi mới thấy sự sâu sắc, tuệ giác nhìn xa trông rộng của Đức Phật. Bởi thần thông đem lại lợi ích thì ít mà lợi dụng nó để nhiễu loạn lòng người thì đầy dẫy trong thiên hạ.